Doanh nhân

Ai giàu nhất trong giới người giàu?

Cập nhật lúc 13-03-2017 10:36:42 (GMT+1)
Warren Buffett, người sáng lập quỹ đầu tư Berkshire Hathaway.

 

Vào năm 2015, có 212.615 người có tài sản hơn 30 triệu USD trong đó 155.050 người có giá trị từ 30 đến 99 triệu USD với tổng tài sản 8,4 nghìn tỷ USD. Ở vị trí hàng đầu, 2,473 tỷ phú của thế giới có tổng tài sản trị giá 7,68 nghìn tỷ USD.


Danh sách những người giàu nhất thế giới của Wealth-X bao gồm 2.473 tỷ phú, và con số này đã tăng 6,4% so với năm trước, tính đến lần cuối cùng Wealth-X thống kê qua năm 2015.

Những tỷ phú này là ai?

Nhiều người có vẻ bình thường như trường hợp của Michael Bloomberg, bạn có thể thấy ông trên tàu điện ngầm, khi ông làm thị trưởng New York. (Ông Bloomberg đứng thứ 9 trong danh sách Wealth-X).

 

Michael R. Bloomberg, cựu thị trưởng New York, xếp thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Wealth-X.

Có rất nhiều tỷ phú muốn cứu thế giới, như Bill Gates, Warrent Buffett và Michael Bloomberg, những người đã cam kết cho đi tài sản của họ. Những người khác trong top 10 cũng là các nhà từ thiện, nhưng họ vẫn tập trung vào công việc hàng ngày của họ, như Jeff Bezos của Amazon, Mark Zuckerberg của Facebook và Larry Page của Alphabet (cha đẻ của Google) - đứng thứ 4, 5 và 10.

 

Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates cam kết quyên tặng gần hết tài sản của mình.

Tuy nhiên, nhiều tỷ phú nằm ngoài top 10 hoặc 20 có tiểu sử kín đáo hơn nhiều. Rất ít người ngoài ngành tài chính hay khúc côn cầu biết đến Vincent Viola, cựu thương nhân dầu mỏ và chủ sở hữu hiện tại của Panthers Florida, trước khi Tổng thống Trump đề cử ông làm Bộ trưởng Lục quân Mỹ. Giờ khi ông đã rút lui và ông có thể trở lại tình trạng ẩn danh (tương đối).

Các tỷ phú có ảnh hưởng lớn lao lên chính sách và đời sống cộng đồng. Họ có thể bỏ hàng triệu đô cho một chiến dịch chính trị, như Peter Thiel, người sáng lập PayPal và giám đốc Facebook, đã làm với ông Trump, hoặc như George Soros, người quản lý quỹ đầu cơ kiêm nhà từ thiện, đã làm được với những mục đích tự do.

Họ cũng có thể đầu tư hàng triệu USD để chống lại bệnh tật, như những gì nhà công nghiệp Jon Huntsman Sr đã làm với bệnh ung thư, hay mở trường học ở châu Phi, như Pierre Omidyar, người sáng lập eBay, từng làm.

Con đường trở thành tỷ phú USD

Một giáo viên giỏi nhất trong nước sẽ kiếm tiền ít hơn một nhân viên ngân hàng đầu tư tầm trung, do đó những ngành mà các tỷ phú tương lai bắt đầu sự nghiệp sẽ quyết định mức độ giàu có của họ và tốc độ phát triển nhanh như thế nào.

Sáu trong số 10 tỷ phú hàng đầu thế giới đã kiếm tiền bằng công nghệ. Nhưng trong nghiên cứu của Wealth-X, ngành công nghệ chỉ xếp thứ sáu về số tỷ phú trong danh sách, với 114 người trên khắp thế giới.

Ngành tài chính đã tạo ra nhiều tỉ phú nhất, với 377 người, hay 15% số tỷ phú trên thế giới. Tiếp theo là các tập đoàn công nghiệp, với 317 người, hay 13%.

Bất động sản đứng thứ 3 với 141 người. Nhóm người xác định ngành công nghiệp của họ là phi lợi nhuận (là họ kiếm tiền bằng cách khác hoặc được thừa kế) đứng thứ 4, với 122 người. Ngành sản xuất, ở vị trí thứ 5, có 120 người.

Benjamin Kinnard, một nhà phân tích nghiên cứu tại Wealth-X, nói: "Toàn cầu hoá là một xu hướng lớn. "Thị trường hiện nay là 7 tỷ người, không chỉ gói gọn quy mô của đất nước bạn."

Ông nói thêm rằng, một vài năm trước, tài chính từng ở vị trí dẫn đầu, nhưng vị trí này đang dần bị mất đi khi các ngành công nghiệp như công nghệ bùng nổ.

Một lộ trình khó khăn hơn để trở thành một tỷ phú là thông qua việc quản lý tiền cho người khác. Ngành kế toán chỉ có một người trong danh sách, danh tính không được xác định.

Ngành đường sắt, một nguồn của sự giàu có trong Kỷ nguyên Mạ vàng cuối cùng, chỉ có hai tỷ phú, bằng số lượng trong ngành tài chính tiêu dùng.

Và trong khi các tỷ phú tại Mỹ thường được biết đến nhiều hơn những nơi khác, có nhiều tỷ phú ở châu Âu hơn (mặc dù tổng tài sản của họ ít hơn so với các tỷ phú Mỹ).

Số tỷ phú tại Châu Á đang tăng nhanh chóng. Nghiên cứu của UBS tính rằng cứ 3 ngày lại có một tỷ phú mới được tạo ra ở châu Á, với 65% số tỷ phú trong khu vực là ở Trung Quốc.

Mặc dù số lượng tỷ phú ở Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng của các tỷ phú trên toàn thế giới đang chậm lại. Wealth-X cho biết con số này sẽ là 3.250 vào năm 2020, giảm 16% so với dự đoán trước đó là 3.873. Điều này là do tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chậm lại trên toàn thế giới.

Từ 1 tỷ đến 100 tỷ USD

Trong nhóm tỷ phú, phần lớn nhất của tài sản - khoảng một nửa - được tạo ra từ ngành kinh doanh đã tạo ra sự giàu có lúc đầu, theo nghiên cứu của Wealth-X. Sau đó, họ dành khoảng 1/4 tiền đầu tư vào cổ phiếu và ít hơn 1/4 tiền mặt. Theo nghiên cứu, chỉ 4% là trong bất động sản và các tài sản xa xỉ.

Có rất nhiều khuynh hướng chung trong cách họ làm tăng sự giàu có của mình, bất kể ngành công nghiệp nào: 57% tự thân, theo Wealth-X, và 31% khác được thừa kế và phát triển thành hàng tỷ USD.

"Thời điểm có rất nhiều ảnh hưởng", John Mathews, người đứng đầu công ty quản lý tài sản tư nhân và các nhóm có giá trị siêu cao tại UBS nói. "Nếu chúng ta nhìn lại 100 năm, thật là tuyệt vời khi ở trong ngành thép, đường sắt hay cơ sở hạ tầng. Hiện nay, đó là thời điểm tốt để tham gia vào ngành công nghệ và tài chính".

Hơn một nửa số các tỷ phú đều có tài sản từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD. Lên đến 5 tỷ USD thì có 2.101 người. Và không phải tất cả các tỷ phú đều được nhiều người biết đến.

Ma Jianrong, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Shenzhou International Group Holding, công ty dệt may hàng đầu Trung Quốc và sản xuất quần áo cho Nike, Adidas, Puma và Uniqlo, có tài sản 4,3 tỷ USD.

Kevin Systrom, giám đốc điều hành của Instagram, chắc chắn được biết đến ở Thung lũng Silicon - và trong số các sinh viên của Đại học Stanford (trường cũ của ông), những người muốn bắt chước con đường của ông – kiếm được 1,2 tỷ đô la tài sản ròng vào năm 33 tuổi. Nhưng ông không nổi tiếng như Zuckerberg của Facebook.

 

Kevin Systrom, CEO của Instagram.

Nhưng trở thành một tỷ phú, khác với một triệu phú rất giàu. Có một sự khác biệt rất lớn trong việc kiểm soát quyền riêng tư của gia đình. "Rất khó để giấu tên", bà Sneddon nói. Được biết đến dưới mác tỷ phú sẽ mang đến cho họ nhiều rủi ro, bà nói, như những vụ vi phạm an ninh và tấn công mạng vào gia đình.

Cách một tỷ phú kiếm thêm một vài tỷ không phải luôn phụ thuộc vào họ.

Một cách để trở nên giàu có hơn là chọn ngành công nghiệp toàn cầu phù hợp để kiếm được hàng tỉ đô la và giữ vững vị thế của bạn trong công ty khi nó phát triển - và tránh tình trạng phá sản. Ngay bây giờ, ngành công nghệ và tài chính đang dẫn đầu sự tăng trưởng. Một cách khác là rót tiền của bạn vào đúng khu vực, đó là châu Á.

Sau đó, tất nhiên, có những cơ hội đầu tư mà chỉ đến với những người giàu có, và cũng chỉ có họ có các nguồn lực để khai thác cơ hội. "Họ có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư để bảo vệ mình", ông Kinnard nói.

Ví dụ, những khoản đầu tư lớn so với người có thu nhập 100 triệu đô la, cần dùng cho các hợp đồng vốn cổ phần tư nhân cũng chỉ là một phần nhỏ trong tổng tài sản của các tỷ phú.

"Điểm chung của các tỷ phú là động lực cực kỳ tập trung của họ trong bất cứ thương vụ nào họ thực hiện" ông Mathews nói. "Đó là sự quyết đoán. Bạn có thể nói rằng tất cả mọi người đều như vậy, nhưng với các tỷ phú mọi thứ khác đều bị chặn lại. Cái bạn nhìn thấy ngày hôm nay trong ngành công nghệ cũng giống cái bạn nhìn thấy ở những tên cướp thép 100 năm trước".

Lên và xuống

Tuy nhiên, vào được nhóm tỷ phú không có nghĩa là một người sẽ luôn ở đó.

Ông Mathews của UBS nói. "Năm ngoái, có 41 nhà tỷ phú mới được tạo ra ở Mỹ, nhưng cũng có 36 người mất địa vị tỷ phú. Số tỷ phú của chúng tôi đang tăng lên nhưng thực ra chỉ có 5 người".

Ở Mỹ, ông Mathews nói, hầu hết mọi người bị rớt khỏi danh sách tỉ phú vì bán công ty đã tạo ra sự giàu có của họ. "Khi bạn bán công ty, có những vấn đề về thuế", ông nói. "Có những vấn đề quy hoạch bất động sản". Vế sau dẫn đến việc lượng lớn tiền được họ sang tên cho những người thừa kế để giảm khối tài sản của mình.

Việc bán các công ty gia đình ít xảy ra hơn ở châu Âu và châu Á. Người ta thường vẫn giữ và tạo ra các công ty gia đình để tiếp tục việc hoạt động kinh doanh ban đầu và mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Kỳ vọng và Nghĩa vụ

Người ta mong đợi gì từ những người có nhiều tiền hơn số họ có thể chi tiêu trong vài đời? Điều đó còn phụ thuộc vào người mà bạn hỏi.

Một báo cáo gần đây từ Tổ chức Oxfam Quốc tế, tổ chức từ thiện chống đói nghèo, lập luận rằng tám tỷ phú có tổng tài sản bằng một nửa dân số thế giới - hay 3,6 tỷ người - và việc đó nghe như là một trò đùa.

Winnie Byanyima, giám đốc điều hành của Oxfam, cho biết trong một tuyên bố. "Bất bình đẳng đang làm cho hàng trăm triệu người nghèo đói. Việc đó làm rạn nứt xã hội chúng ta và phá hoại nền dân chủ".

Tuy nhiên, sự tức giận đối với giới siêu giàu đã giảm kể từ những cuộc biểu tình Chiếm Đóng Phố Wall năm 2011. Những người biểu tình dường như quan tâm nhiều hơn đến các hành động của ông Trump (người có lẽ là một tỷ phú, mặc dù ông cung cấp rất ít bằng chứng về sự giàu có thực sự của mình) hơn là nội các toàn tài phiệt của ông.

 

Wilbur L. Ross là người giàu nhất trong nội các của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một trong những đề xuất về thuế của ông sẽ giúp các tỷ phú tránh phải chia tay với phần lớn tài sản của họ, bằng cách loại bỏ thuế bất động sản. Nếu không có loại thuế này, sẽ dễ hơn để bảo tồn và duy trì lâu dài sự giàu có qua các thế hệ.

Việc làm từ thiện đã trở nên quan trọng đối với nhiều tỷ phú, và không chỉ thông qua nhóm Giving Pledge - Cam kết cho đi, một quỹ của ông Buffett để vẫn động giới giàu nhất cho đi ít nhất một nửa tài sản của họ. Nó cũng không chỉ giới hạn ở Mỹ, với truyền thống làm từ thiện.

 

Warren Buffett, người sáng lập quỹ đầu tư Berkshire Hathaway.

Nhưng cũng có những giới hạn cho những việc mà tỷ phú thậm chí có thể làm. Ông Bloomberg, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014, từng nhắc lại việc có lần một nhà quản lý quỹ đầu cơ tiếp cận ông tại một hội nghị tại Sun Valley, Idaho, cho ông 1 tỷ USD trong 5 năm để thay đổi nền giáo dục công ở New York.

"Khi tôi giải thích với ông ấy rằng ngân sách trường học của thành phố New York là 22 tỷ USD một năm", ông Bloomberg cho biết, "đó là lần cuối cùng chúng tôi nghe từ ông ấy."

Trang Hồ (Theo New York Times)
Nguồn: ndh.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo