Tín ngưỡng

Xúc động Đại lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt tại CH Séc

Cập nhật lúc 22-08-2016 16:48:58 (GMT+1)
Các cháu thanh thiếu niên tham gia cung thỉnh rước chư tôn đức.

 

Hàng trăm Phật tử và những người yêu đạo Phật đã dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2560 được tổ chức ngày 21/8 tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc.


> Hình ảnh Đại lễ Vu Lan xúc động của người Việt tại CH Séc

Những người tham dự đã xúc động khi các con cháu dâng trà, hoa, bày tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với những bậc sinh thành và nuôi dưỡng họ.

Đã từ lâu trong tâm thức của người dân Việt Nam, lễ Vu Lan được tổ chức vào tháng Bảy âm lịch đã trở thành một ngày lễ không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân nói chung và những người yêu đạo Phật nói riêng. Nó luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu phải luôn luôn nhớ tới công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nó cũng thể hiện ý nghĩa đầy tính nhân văn của giáo lý nhà Phật, đó là “từ bi hỷ xả”, “uống nước nhớ nguồn”, hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Bảo, Ủy viên Hội đồng trị sự - Phó ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chính vì ý nghĩa nhân văn cao cả đó mà ngày lễ Vu Lan luôn thu hút nhiều tầng lớp người dân tham gia, không quan trọng họ là ai, sống ở đâu, hay làm nghề gì.

“Thật ra trong nước hay ngoài nước thì ngày lễ Vu Lan luôn là một ngày trọng đại đối với người Việt nói chung và người con Phật nói riêng. Lúc nào các thầy cũng hướng mọi người làm sao để có thể biết tri ân và báo ân, và sự tri ân, báo ân đó là một trong những nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Nó mang thấm đẫm tính nhân bản và tình người trong đời sống người Việt Nam chúng ta.”

Hòa thượng Thích Thiện Bảo cho biết người Việt tại Cộng hòa Séc có một điều rất thuận lợi. Ở đó họ có một cộng đồng người Việt rất đông, luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong mọi hoàn cảnh, và luôn hướng về Tổ quốc. Vì vậy ngày lễ Vu Lan được tổ chức hàng năm đã trở thành một lễ hội của tình người, trong đó có tình yêu thương gia đình, yêu thương cha mẹ và yêu thương đồng loại.

Giống như nhiều người Việt sống xa Tổ quốc, người Việt ở Cộng hòa Séc cũng phải làm nhiều công việc khác nhau, thậm chí rất vất vả từ sáng tới khuya, để duy trì và tạo dựng cuộc sống bền vững cho gia đình. Họ quan niệm cho dù cuộc sống mưu sinh có vất vả đến đâu, họ không thể quên được nguồn cội hay vứt bỏ được truyền thống gia đình, trong đó con cái phải luôn nhớ tới ân đức sinh thành của những người thân yêu mình, đặc biệt là tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Phần ấn tượng nhất của Đại lễ Vu Lan báo hiếu năm nay chính là lễ dâng hoa, trà của các thế hệ con cháu người Việt đối với ông bà, cha mẹ - người đã có công sinh thành và dưỡng dục họ trong suốt những năm qua.

Cháu Bùi Vi Anh, 13 tuổi, sinh ra ở Séc và hiện đang học lớp 8, cho biết báo hiếu với cha mẹ không chỉ có một ngày lễ Vu Lan trong năm và có rất nhiều cách khác nhau để người con thể hiện sự biết ơn, tấm lòng thành kính của mình đối với cha mẹ.

“Theo cháu thì không phải chỉ riêng ngày hôm nay mới có thể báo hiếu được mà ngày nào cháu có thể báo hiếu bằng những cách khác nhau như giúp bố mẹ việc nhà, nói chuyện cho bố mẹ đỡ buồn khi bố mẹ về muộn và các em ngủ mất rồi, trông các em để các em không đánh nhau không thì bố mẹ sẽ bị đau đầu, hay nấu ăn hoặc hỏi thăm xem bố mẹ có mệt hay không. Cháu cho rằng những hành động như thế là để gắn kết gia đình và cảm ơn công bố mẹ đã nuôi dưỡng cháu đã lớn khôn.”

Cầm chén trà nóng trên tay, trong tiếng vang của bài cảm niệm Vu Lan, các ông bà, cha mẹ không khỏi bùi ngùi, xúc động trước nghĩa cử chân thành của những người con. Dù món quà họ nhận được không giá trị nhiều về vật chất, nhưng họ đều cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo của con, cháu mình dành cho đấng sinh thành.

Chị Nguyễn Diễm Linh, mẹ cháu Bùi Vi Anh, chia sẻ: “Đối với tôi ngày lễ Vu Lan là để cho những người con tỏ lòng thành kính, tỏ lòng hiếu đạo với cha mẹ, những bậc sinh thành, và cũng là ngày chúng ta tưởng nhớ đến những người thân, những bậc tiền bối đã mất. Không riêng ngày lễ Vu Lan, mà những ngày lễ khác trong năm tôi đều nhận được quà của các con. Tất cả các món quà các con tôi tặng đều vô giá. Tôi không quan trọng giá trị của món quà, cái tôi cho là quan trọng nhất đó là tình cảm, là tấm lòng của các con dành cho tôi trong những ngày lễ trong năm.”

Tại Đại lễ Vu Lan, các Hòa thượng và Đại đức đến từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo thọ sư Trung ương Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, và một số chùa Việt Nam đã điều khiển chương trình theo nghi lễ đậm chất Phật giáo. Phật tử và người yêu đạo Phật đã tham gia lễ rước thỉnh chư tôn đức, lễ dâng hoa cúng dường, nghe pháp thoại của chư tôn đức về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, lễ cài hoa hồng, lễ tụng kinh và lễ dâng sớ cầu siêu. Xen kẽ chương trình là các tiết mục ca múa nhạc, ca ngợi tính nhân văn của giáo lý nhà Phật hay công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ./.

Nguồn: Hữu Bình, Văn Huy/VOV

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo