Tín ngưỡng

Sang cát, sửa mộ phần cuối năm sao cho đúng (2): Những đồn thổi sai lầm về hỏa táng

Cập nhật lúc 16-12-2016 08:18:25 (GMT+1)

 

Hỏa táng đang ngày càng được khuyến khích, nhưng nhiều gia đình vẫn đắn đo muốn an táng cho người thân vì sợ người chết bị nóng, con cháu bị oán trách? Ngoài ra, còn băn khoăn khác như tro cốt đặt ở đâu? Các nhà tâm linh nói gì về điều này?


> Sang cát, sửa mộ phần cuối năm sao cho đúng (1): Những lưu ý để sang cát hợp phong thủy

An táng vĩnh viễn ngày càng khó khăn

Với việc chôn cất người chết, ở miền Bắc có tục chôn vài năm lại bốc mộ lên để xây mộ vĩnh viễn (gọi là "sang cát"). Theo các nhà khoa học của Phòng Nghiên cứu Vi khuẩn gây dịch bệnh tối nguy hiểm (Viện Vệ sinh Dịch tễ TW), chôn sau 3 năm cải táng thì nhiều loại vi khuẩn sẽ có điều kiện lây lan, ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe, đất chôn, mạch nước.

An táng vĩnh viễn là đào sâu, chôn chặt một lần, từ Hà Tĩnh vào Nam bà con vẫn làm. Nhiều người làm ăn xa xứ đã tự mua đất để hậu sự về an táng cạnh người thân.

Ở miền Bắc, mộ an táng gần đây được chú ý làm ở các nghĩa trang sinh thái, được đầu tư công nghệ xử lý môi trường, cảnh quan - phong thủy - an ninh - vệ sinh tốt, lại có công nhân mai táng, xây dựng, bảo vệ… nên không sợ bị phá hoại mộ. Vào khu mộ an táng thấy đẹp, gần gũi. Vì vậy người có tiền đã sớm mua hàng trăm mét để lo hậu sự cho cả nhà, cả dòng họ.

Nhưng việc mua đất xây mộ ngày càng khó khăn, nhất là ở thành phố. Ví như Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (xã Tân Lập, huyện Ba Vì, Hà Nội) mỗi mộ an táng cần 10m2 đất, 1 mộ cải táng 3m² đất và chỉ tiếp nhận người chết có hộ khẩu Hà Nội. Nhưng sau 5 năm mở bán đã hết đất, giờ chỉ còn đất mộ đã mua, và một số loại đất chia ô từng ngôi mộ nhỏ xếp từng hàng cạnh nhau, gọi lóng là “chung cư”. Những ngôi mộ này cũng từ 14 - 25 triệu/1m2.

Theo các nhà khoa học Viện Tài nguyên Môi trường, địa táng gây hại môi trường, hại sức khỏe con người vì đa số người chết đều mang mầm bệnh trong xương cốt, khó tiêu hủy. Tử khí ở các nghĩa trang sinh thái thực ra vẫn tồn tại, dễ nhận thấy là khí lân tinh bốc lên nhiễm vào không khí (dân gian gọi là ma chơi). Việc cải táng, vứt bỏ những thứ chưa phân hủy ngoài môi trường làm lượng lớn vi sinh vật phát tán làm môi trường, ô nhiễm ngầm không thể thấy bằng mắt thường.

Hỏa táng - người chết có bị nóng, con cháu có bị “oán”?

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, hỏa táng là việc làm khoa học, văn minh và vệ sinh. Thủ tục hỏa táng cũng đơn giản, đỡ tốn kém thời gian tiền bạc nhất. Các loại vi khuẩn gây bệnh bị tiêu hủy, giảm mầm bệnh lây lan ra môi trường, hay ngấm sâu vào đất, ô nhiễm nguồn nước.

Hiểu được lợi ích của hỏa táng, nên ngày nay nhiều người già bảo con cháu đưa đi hỏa táng, đỡ phiền phức vất vả. Giá hỏa táng cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, ở Đài Hóa thân Hoàn Vũ Hà Nội là 2.950.000 đồng. Tổng chi phí hỏa táng (cả tang lễ, đưa đón, chôn cất…) của Nhà tang lễ Phùng Hưng là 25 triệu đồng. So với giá mua đất 3 năm, hay an táng vĩnh viễn rẻ hơn rất nhiều, lại an toàn, vệ sinh, không vất vả tốn kém các công đoạn cho con cháu.

Lợi ích hỏa táng cũng thích hợp với cộng đồng Phật giáo, với quan niệm nên dành đất cho người sống ở, hơn là xây quá nhiều những mộ chí, nghĩa trang cho người đã mất.

Về vẫn đề nhiều người lo sợ hỏa táng làm thân xác nóng, cháy, khiến người chết oán trách, vong linh cũng không về được với con cháu, cố Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác (chủ nhiệm Bộ môn Dự báo Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) đã từng có phân tích rằng, các nhà ngoại cảm đã có nghiên cứu và cho thấy không có sự khác biệt về tâm linh. Nhiều nhà tâm linh cũng cho rằng, hỏa táng hay địa táng chỉ là quan niệm và thói quen, tập quán, tín ngưỡng vùng miền, không ảnh hưởng tới sự linh thiêng của những người đã chết, còn giúp người chết siêu thoát được tốt hơn. Quan điểm của Phật giáo cho rằng, người sống hay luyến tiếc thân thể, khi chết thần thức dễ cố chấp, bám víu vào thân xác. Hỏa táng là một trợ duyên giúp thần thức của họ không chấp nhặt, bám víu và mau được vãng sinh hơn.

Quan niệm tiêu cực về hỏa táng của một số ít người dân cho sức nóng khiến vong linh bị ảnh hưởng, sẽ oán người sống chỉ là lời đồn. Còn theo các nhà tâm linh, thân xác con người do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, khi chết lại trả về tứ đại. Phần linh hồn (thần thức) khi chết đã tách ra, nên dù hỏa táng hay thủy táng thần thức sẽ không sợ nóng hay lạnh... như lời đồn.

Tro cốt đặt ở đâu?

Các dịch vụ hỏa táng ngày nay sử dụng gas, điện... rồi thu tro cốt vào hũ, bình cho người thân đem về. Nhưng gửi tro cốt ở đâu?

Do các hũ, bình tro cốt hiện nay được làm nhỏ đẹp, vệ sinh nên nhiều người muốn đặt thờ ở nhà để vong linh không bị hương lạnh, khói tàn. Họ cũng ngại việc gửi cốt ở các nghĩa trang sinh thái thủ tục phiền phức, phải trả phí mặt bằng và trông coi hàng năm (khoảng từ 15 triệu đồng cho 50 năm tại các nghĩa trang sinh thái; 10 triệu đồng là giá lưu cốt vĩnh viễn ở Đài hóa thân Hoàn Vũ Hà Nội) hoặc quá xa nên mất thời gian đi lại. Nếu gửi ở chùa thì cũng phải "công đức", và không phải chùa nào cũng nhận.

Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Tiềm năng Con người), việc để tro cốt, thờ cúng tro cốt ở đâu là tùy ý nguyện của người đã khuất, tùy mỗi nhà, mỗi địa phương, không có gì ảnh hưởng đến người chết. Ở phía Nam hay xây am, đưa tro cốt về thờ cúng, có di ảnh rất đẹp. Nhà không có am thì đặt ở nơi thờ tự dòng tộc, có nhà đặt ở ban thờ. Miền Bắc thì thuê lưu cốt ở nghĩa trang thành phố, hoặc đem về nghĩa trang gần nhà xây mộ, phủ cỏ xanh như mộ chí. Nhà không có người thờ phụng, hương khói mới gửi vào chùa, nhà thờ, nghĩa trang.

Nguồn: Uyển Hương/ giadinh.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo