Tín ngưỡng

Ai quản lý tiền công đức?

Cập nhật lúc 12-03-2012 21:37:49 (GMT+1)
Liên tục thu hòm công đức vì hòm đã đầy tiền, ảnh chụp tại đền Trình (chùa Hương) ngày 5 tháng giêng - Ảnh: Minh Sang

 

Văn hoá tâm linh thường đi đôi với việc đóng góp và cách quản lý tiền công đức. Không chỉ tại Vệt Nam, vấn đề này cũng bắt gặp tại các tổ chức tâm linh ở nước ngoài. Minh bạch tài chính là cần thiết và cấp bách để tôn trọng những người đóng góp, giữ được lòng tin cho các tín đồ trong Đạo.


Trong tháng 3 này, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) sẽ tổ chức hội thảo chủ đề Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý tiền công đức - thực trạng và giải pháp. Theo đó, câu chuyện quản lý tiền công đức một lần nữa được đưa ra cân nhắc.

Những con số khổng lồẢnh minh hoạ

Từ năm 2009, Bộ VH-TT-DL kiến nghị cần có thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn thu, chi từ lễ hội, tiền công đức, cung tiến. Song cho tới nay, thông tư mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu soạn thảo.

Chưa có văn bản thống kê tiền giọt dầu, công đức, cung tiến tại các di tích được công khai rộng rãi. Tuy nhiên, có thể nhẩm tính được những con số khổng lồ thông qua lượng du khách tới di tích, đặc biệt trong dịp lễ hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bộ VH-TT-DL, từ 23.1 - 9.2, ước tính lượng du khách tới đền Hùng là 2 triệu lượt, Yên Tử (Quảng Ninh) hơn 600.000, chùa Hương (Hà Nội) hơn 500.000, chùa Bà (Bình Dương) hơn 1 triệu, đền Bà Chúa Xứ (An Giang) hơn 300.000, đền Trần (Nam Định) hơn 250.000, đền Trần (Thái Bình) hơn 80.000… Còn theo thống kê năm 2011, có gần 4 triệu lượt khách về dự lễ hội đền Hùng; Yên Tử có 1,2 triệu; đền Trần 60.200; Côn Sơn, Kiếp Bạc 70.000; chợ Viềng và Phủ Giầy 700.000; chùa Bà (Bình Dương) hơn 1,5 triệu; lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) 1,5 triệu...

Một điều dễ nhận thấy, vào dịp đầu năm, tại những khu di tích sinh hoạt tín ngưỡng diễn ra các lễ hội lớn, các bàn ghi công đức làm việc luôn tay, hòm công đức được đặt ở nhiều chỗ. Chỉ tính riêng tại khu vực đền Trình (chùa Hương), vào ngày mùng 5 tháng giêng có tới khoảng chục người tham gia ghi công đức, số tiền được ghi với mệnh giá từ hàng chục nghìn cho tới hàng trăm nghìn. Các cụ cao tuổi trong ban quản lý di tích thường xuyên phải đi thu tiền giọt dầu và tiền trong hòm công đức vì lượng du khách quá đông. Tại khu vực đền Trần (Nam Định), số hòm công đức lên tới hàng chục, số lượng này tăng lên đáng kể vào ngày phát ấn. Tại đền Bà Chúa Kho, với hàng vạn khách tới đây chỉ riêng trong ngày 30.1, số tiền công đức cũng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hầu hết, những ai đi lễ đầu năm đều mang tâm lý “có chút lòng thành để lại”. “Tới mỗi đền hay chùa, tôi thường đặt tiền giọt dầu 10.000, và góp 50.000 đồng tiền công đức” - du khách Nguyễn Thị Vân (Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ. Số tiền công đức, cung tiến của du khách từ hàng nghìn cho tới hàng trăm nghìn, hàng triệu và theo lời một cán bộ quản lý văn hóa, có khi cả tỉ đồng. Như vậy, nếu nhân lên với số lượng du khách, ước tính số tiền thu được từ đây tại nhiều khu di tích lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Chỉ riêng tại đền Cửa Ông, theo ông Đỗ Quang Minh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Cẩm Phả (Quảng Ninh), trong khoảng một tháng tính từ đầu năm mới, số tiền công đức tại đây là 5 tỉ, còn trong cả năm 2011 là hơn 20 tỉ đồng.

Du khách tới ghi nhận công đức tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Ảnh: Ngọc Thắng 

Nhiều cấp quản lý

Hiện nay, mô hình quản lý di tích chưa thống nhất, vì vậy, mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý: cơ quan quản lý (như các UBND, Sở VH-TT-DL…), nhân dân (như Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…), cá nhân (sư trụ trì, thủ từ…). Do vậy, tiền quản lý công đức ở mỗi di tích cũng được quản lý khác nhau: nơi do cá nhân tự thu - chi, nơi do nhiều cấp thu và quản lý, tiền thu được chia theo những phần trăm khác nhau. Chẳng hạn như tại chùa Hương, ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý di tích Hương Sơn (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) - cho hay ban quản lý chỉ thu phí thắng cảnh, đò, thuê hàng quán…, còn tiền giọt dầu, công đức, cung tiến từ trước tới nay đều do nhà chùa tự thu và quản lý. Trong khi đó, tiền công đức tại đền Bà Chúa Kho do Hội người cao tuổi của phường (Cổ Mễ, Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh) thu và quản lý.

Ngoài việc dùng để lo các hoạt động hằng ngày của di tích, số tiền công đức, cung tiến thường được báo cáo vào sử dụng vào các mục đích như tu bổ, tôn tạo, các hoạt động xã hội, từ thiện… Tuy nhiên, hiếm có nơi nào kê khai cụ thể số tiền thu - chi một cách rành rọt. Khi được hỏi về số tiền công đức thu được trong năm ngoái, ban quản lý khu di tích đền Bà Chúa Kho từ chối cung cấp thông tin bởi đây là “chuyện bí mật”. Ở nhiều khu di tích, việc một cấp tự thu chia tiền công đức dễ dẫn đến chuyện nhập nhèm. Trong khi nhiều cấp cùng thu, hay được chia tiền công đức lại dễ dẫn tới phát sinh tranh giành quyền lợi. Ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN - từng bày tỏ việc cộng đồng quản lý di sản (trong đó có lễ hội) nảy sinh rất nhiều vấn đề, đặc biệt là những xung đột lợi ích rất phức tạp.

Trộm cắp và biển thủ

Với lượng tiền lớn như vậy, đã xảy ra không ít trường hợp trộm cắp, biển thủ tiền công đức. Theo thông tin báo chí phản ánh, năm 2010, chùa Hàm Long (xã Nam Sơn, Bắc Ninh) mất tới 4 tỉ đồng tiền công đức của phật tử. Cách đây 6 năm, một nguyên chủ tịch xã ở Hải Dương bị khởi tố về tội biển thủ tiền công đức ở Khu di tích An Phụ với số tiền 300 triệu đồng. Cán bộ tại Khu di tích đền Ngọc Sơn biển thủ tiền công đức bị khởi tố cách đây 3 năm.

Nguồn: TN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #3 hồng vân: ngủ mới đi cung với chả đức

    14-03-2012 17:00

    không làm thì không có cái nhét vào miệng,
    chẳng có phật hay chúa gì giúp hay cứu cả,

    kiếm tiền đã khó bổ mẹ ra rồi,
    có phải là trên cây,
    cát dưới đất đầu mà vứt đí,,

    vừa ngu và ấu trĩ mới đi cung với chả đức
  • #2 Ký danh: TIỀN CÔNG ĐỨC HAY TIỀN CHÙA

    13-03-2012 07:42

    Tôi không biết bên Công Giáo có hòm công đức không? Tiền công đức là tiền đóng góp của con dân nhà Phật với mong muốn làm việc thiện, ví như mở mang tu bổ đình, chùa, miếu...thờ Phật,thờ các bậc tổ tiên có công với nước, giúp đỡ những gia cảnh khó khăn hoạn nạn.
    Xong gần đây ý muốn cao cả thiện đức đó phần nào bị kẻ xấu lợi dụng, tiền công đức bị cá nhân chia chác (ở địa phương tôi bị mấy ông bà đảng viên lấy chia nhau)bây giờ cũng không thiếu sư "ÔNG", Sư "BÀ" sống vương giả xe đời mới, thịt chó tha phanh... buồn lắm thay.
  • #1 Giao Hưởng: Đừng làm Phật khóc

    13-03-2012 08:15

    Việc xào xáo vì đồng tiền diễn ra hằng ngày ngoài xã hội là sự thường, nhưng ở đây đồng tiền đã chen vào chốn đền chùa thiêng liêng, vào các di tích của đất nước.

    Đó là “tiền công đức” do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và nhằm để đóng góp xây dựng, trùng tu, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh như đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn. Thế nhưng, những đồng tiền này có nhiều trường hợp bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích.

    Đứng về mặt “đời”, “tiền công đức” là một loại công quỹ cần được công khai số thu và cách chi dùng rõ ràng. Nếu công quỹ này bị lạm dụng, mất mát, những vị có chức sắc trong công tác quản lý phải gánh trách nhiệm.

    Đứng về mặt “đạo”, “tiền công đức” cúng dường vào các đền chùa phải được dùng vào việc ích lợi chung cho nhà chùa và xã hội, như tu bổ, sửa chữa đền điện, tăng phòng và tham gia từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ neo đơn, bệnh tật...

    Song một số trường hợp cho thấy “tiền công đức” ấy từ hàng trăm nghìn, hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng, đã bị đánh cắp, như ở chùa Hàm Long mất tới 4 tỉ đồng, một cán bộ xã ở Hải Dương đã biển thủ tiền công đức ở khu di tích An Phụ 300 triệu đồng...

    Trong nhà chùa thường nhắc câu Phật dạy đại ý “một hạt gạo của người đem đến cúng dường nặng như núi Tu Di - ăn gạo ấy tu hành không rõ đạo thì kiếp sau phải mang lông đội sừng mà trả”. Bốn tiếng “mang lông đội sừng” có nghĩa là phải đầu thai làm súc sinh, làm các loài vật như heo, gà, ngỗng, vịt (loài có lông) hoặc làm trâu, dê (loài có sừng) để trả nợ cho những thí chủ đã cúng dường “tiền công đức”.

    Luật “đời” về việc biển thủ công quỹ tất nhiên phải bị xử lý, thậm chí bị khởi tố như trường hợp cán bộ xã ở Hải Dương nói trên. Còn về “đạo” có luật nhân quả bất biến, phải “mang lông đội sừng” vậy. Dù người đó là hòa thượng, là thượng tọa, là đại đức tu hành lâu năm mà xâm phạm “tiền công đức” vẫn rơi vào địa ngục như thường. Vì sao? Vì người tu hành vẫn phải chịu sự tác động của luật nhân quả. Và vì lẽ thập phương thí chủ đến cúng dường bằng vật thực như gạo cơm rau quả, dầu thắp thuốc men, hoặc bằng “tiền công đức” với mong muốn được sử dụng số tài vật ấy nhằm tạo chút phước báu cho mình. Nhưng khi biết tiền mình cúng dường bị rơi vào túi riêng của ai đó, hoặc bị mất mát, bị đánh cắp, bị xài phí ngoài mục đích, thì họ không buồn sao được. Nhưng nói cho cùng, họ cũng không buồn bằng đức Phật khi nghe Ma vương bảo rằng vào thời mạt pháp Ma vương sẽ cho quyến thuộc và đệ tử của mình cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, giả dạng vào chùa tu hành để phá hoại Phật pháp, tựa như một loại trùng sống trong thân sư tử để “ăn thịt sư tử”. Nghe vậy, đức Phật từ bi im lặng và rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được biết về nguyên do đức Phật đã khóc khi ngài còn tại thế. Đến nay, những hiện tượng không tốt liên quan đến “tiền công đức” khiến nhiều người lo lắng. Nếu là người quản lý di tích hãy có giải pháp chặt chẽ hơn nữa. Nếu là các vị chức sắc ở đền chùa, mong hãy đừng để “tiền công đức” đi sai mục đích phước thiện và hơn nữa - xin đừng làm Phật khóc...
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo