Gia đình

Nhiều trẻ đang cố gắng học thuê cho bố mẹ

Cập nhật lúc 09-05-2013 09:31:51 (GMT+1)
Ảnh minh hoạ.

 

"Bệnh thành tích" của gia đình, nhà trường áp đặt lên con trẻ khiến tâm hồn trẻ thơ bị tổn thương. Nhiều em chỉ vì bị ba mẹ, thầy cô mắng, phạt đã cảm thấy đất trời sụp đổ, không ai yêu thương mình nên bỏ nhà đi lang thang, thậm chí có em tìm đến cái chết.


Chuyện cháu bé học lớp 5 ở Hậu Giang bị mắng vì không học bài cũ đã viết thư tuyệt mệnh và nhảy xuống sông tự tử khiến người lớn hết sức đau lòng. Những sự việc ấy ngày càng nhiều hơn, báo động về phương pháp nuôi dạy con của một số phụ huynh. Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ với PV xoay quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ, có lẽ phụ huynh cũng nên đi học những lớp dạy kỹ năng sống để hiểu con cái.

Nhiều trẻ đang cố học thuê cho... cha mẹ

Ông suy nghĩ như thế nào khi nghe những câu chuyện học sinh bị áp lực tâm lý trở nên tự kỷ, thậm chí còn chia sẻ trên mạng xã hội muốn tự tử để buông xuôi?

Chuyện học sinh chịu áp lực tâm lý, tìm đến cái chết có rất nhiều nguyên nhân chứ không hẳn tất cả do cha mẹ, thầy cô... Cá nhân tôi cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta đang quá nặng về thi cử, thành tích. Con người Việt Nam rất hiếu học, sự học không phải chỉ danh dự, bước đường thăng tiến của con cái sau này mà còn là danh dự của bố mẹ, gia đình. Chính vì suy nghĩ như vậy nên cha mẹ phải chịu sức ép trước quan niệm của xã hội và chuyển sức ép ấy lên đầu con trẻ. Các nhà trường vì thành tích học sinh giỏi, thi đỗ tốt nghiệp, trường phát triển tốt hiệu trưởng được thăng chức... cũng đã tạo áp lực lên đầu học sinh trong khi các em lại không thể thực hiện được sự kỳ vọng ấy khiến các em bị ức chế và có những suy nghĩ thiếu đúng đắn.

Nghĩa là sự giáo dục, chia sẻ giữa gia đình, nhà trường với con trẻ đang đi lệch hướng, thưa ông?

Các bậc phụ huynh cũng hiểu rõ vai trò của sự gần gũi, quan tâm đến suy nghĩ của con trẻ. Nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã cuốn theo những lo toan của cuộc sống, nặng chuyện cơm áo gạo tiền. Họ cố làm nhiều tiền và chu cấp cho con để được bằng bạn bè, vô tình điều ấy đã đẩy con cái ra xa bố mẹ, thậm chí đến mức khó kiểm soát. 

Hệ lụy này đã được cảnh báo từ lâu, thế nhưng nó vẫn không có chiều hướng giảm, ông lý giải như thế nào về điều này?

Thực chất, có rất nhiều vấn đề liên quan đến bệnh trầm cảm ở trẻ mà các nhà tâm lý đã cảnh báo. Số trẻ mắc bệnh này do áp lực của người lớn ngày càng nhiều. Bây giờ xã hội phải cùng nhau tháo gỡ, chứ không thể đổ dồn lên đầu phụ huynh. Tôi cho rằng giáo dục của chúng ta mắc sai lầm lớn nhất là xa rời truyền thống, không bắt kịp hiện đại. Học đầu tiên để làm người chứ không phải chỉ để lấy kiến thức. Thời phong kiến học thành người quân tử, học làm quan, nhưng bây giờ người đi học chưa phải nghĩ đến chuyện kiếm nghề mà học theo phong trào, học theo nguyện vọng của bố mẹ.

Hãy biết coi con cái là hạnh phúc

Vừa qua, ông Hồ Ngọc Đại, hiệu trưởng trường thực nghiệm Hà Nội đã nêu quan điểm giáo dục "không có học sinh dốt, không có học sinh hư...", nghĩa là cha mẹ, nhà trường phê phán con là không đúng?

Tôi đồng tình với ý kiến này. Không có trẻ em hư, không có trẻ em dốt, chỉ có người lớn không biết giáo dục trẻ mà thôi. Tôi nghĩ rằng, người lớn phải biết bồi dưỡng, khích lệ, phải biết đối thoại với trẻ, tâm sự với nó. Cuộc chạy đua giữa các bố mẹ, thúc giục, ép con học thi vào trường này, trường khác thậm chí đánh đập con trẻ là phản giáo dục và không hiểu tâm lý trẻ.

Nếu coi việc tạo áp lực cho con trẻ là phản giáo dục, làm tổn thương con cái thì ông đã bao giờ tự trách mình về điều này chưa?

Bản thân tôi cũng đã từng tạo áp lực cho con cái. Có những lúc, tôi tự trách mình làm tổn thương con. Khi tôi còn đương chức, tôi đã từng nói với con: "Con là con của bố vừa hạnh phúc vừa bất hạnh. Con chỉ có một con đường là học cho giỏi, thi cho đỗ. Con không giỏi, bố không vác mặt đi xin cho con, người ta cũng không cho vì đó là luật. Bố thương con vô cùng nhưng nếu bố có tiền bố đưa cho người ta người ta cũng không dám cầm. Bố đưa tiền người ta không cầm, lệnh người ta không nghe". Cuối cùng, con tôi suốt ngày chỉ biết học, không biết chơi. Đến bây giờ, con tôi vẫn là gà tồ. Đôi khi tôi tự ngẫm và trách mình có lúc làm tổn thương con. Tại sao không nói: "Con là hạnh phúc của bố mà lại nói nó là bất hạnh"? Tôi làm gì mà nó bất hạnh, chẳng  nhẽ mình làm “quan” mà con nó bất hạnh? May đứa con của tôi chịu áp lực theo chiều hướng tích cực, chứ nếu nó chuyển sang hướng tiêu cực thì nguy hiểm vô cùng.

Trước áp lực đó, nếu trẻ không khẳng định được mình trong học hành thì phải khẳng định trong nghịch ngợm. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng việc giáo dục con trẻ theo hướng tích cực thì phụ huynh cũng phải đi học kỹ năng sống để hiểu con cái?

Có lẽ chúng ta cần phải làm như vậy. Các ông bố bà mẹ cũng  phải học cách ứng xử với con cái, học cách đưa con cái tiếp cận với cuộc đời. Điều này, mỗi bậc phụ huynh phải học cả đời, nhưng nhiều gia đình trẻ đã không hiểu, không đề cao việc giáo dục con cái. Cá nhân tôi đến khi tuổi già, tóc bạc mới thấm được những điều đó. Những ông bố, bà mẹ trẻ thì làm sao hiểu được. Tôi rất hoan nghênh một số trung tâm bây giờ đang cố gắng nâng cao kỹ năng sống của bố mẹ và trẻ em, nâng cao nhận thức xã hội để cha mẹ, nhà trường ngày càng hiểu con trẻ hơn. Chỉ như vậy, những vụ việc đau lòng mới giảm bớt.

Xin cảm ơn ông.

Sự vô tâm chết người của bậc phụ huynh

Ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ: Nhiều gia đình bố mẹ phải đi làm hết 8 tiếng sau đó đi làm thêm gì đó mới đủ sống. Họ mải mê với chuyện kiếm tiền nên "khoán" con cái cho nhà trường, không có nhiều thời gian kiểm tra việc học của con. Và khi ấy, thấy con không làm bài tập, bị điểm kém nên ứác chế la mắng, doạ nạt. Trong khi con thiếu sự quan tâm chia sẻ, coi việc học như học thuê cho cha mẹ, thầy cô. Trẻ học không tốt, bị áp lực từ nhiều phía dẫn đến rất nhiều chuyện thương tâm. Không đỗ vào đại học cũng tự tử, học không tốt cũng tự tử... Điều nguy hiểm, trong sự bi quan ấy, con trẻ tìm đến cái chết như sự cứu cánh.


Nguồn: Minh Khánh- Cao Tuân/NĐT

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo