Gia đình

Hội chứng cô đơn giữa gia đình (9): Con bơ vơ vì cha mẹ mải khẳng định đẳng cấp sang chảnh

Cập nhật lúc 11-04-2018 14:55:15 (GMT+1)
Đứa con thành bơ vơ chẳng biết bám víu vào ai ngoài người giúp việc trong nhà. Ảnh chỉ mang tính minh họa

 

Sẵn tiền, lại muốn khẳng định đẳng cấp sang chảnh nhàn hạ của mình, không ít bậc làm cha làm mẹ hiện nay đã để việc chăm sóc nuôi dạy con cái lại cho giúp việc, gia sư. Hệ quả là có những đứa trẻ trở nên bơ vơ bởi sự giàu có của cha mẹ mình.


Trong khu tập thể nơi tôi ở có một cặp vợ chồng còn trẻ, người chồng 39 tuổi, vợ 35 tuổi. Họ có 2 đứa con, 1 trai 1 gái. Cô con gái đầu năm nay học lớp 5. Cậu con trai thứ 2 khoảng 5 tuổi đang học mẫu giáo.

Vợ chồng họ nhìn bề ngoài là một cặp đôi giàu có, sang cảnh. Còn trẻ nhưng đã có nhà lầu trong con ngõ rộng, ô tô đỗ cửa. Hai vợ chồng ngày đi làm, tối dắt nhau đi bộ, sáng sớm đạp xe đạp, chồng đi đánh tenis, vợ đi bơi bể bơi 4 mùa. Mọi việc nhà và con cái đã có giúp việc lo.

Sự giàu có sang chảnh đó có lẽ ai cũng mơ ước. Tuy nhiên có một điều khiến nhiều người thấy lạ là không bao giờ thấy họ chơi với các con của mình. Hai đứa con đều do chị giúp việc đưa đón đi học.

Chị giúp việc chở hai đứa con của cặp vợ chồng này trên một chiếc xe đạp cà tàng. Sáng chị làm hai lượt đi: chở đứa lớn đi học trước, đứa bé đi lượt sau. Chiều, chị cũng làm hai lượt để chở hai đứa bé đi học về trên chiếc xe đạp cà tàng của mình.

Hai đứa nhỏ thỉnh thoảng ra sân tập thể chơi thì người đưa các bé đi cùng cũng là chị giúp việc, tuyệt nhiên không phải là bố mẹ của chúng. Tôi ở cùng dãy nhà với cặp vợ chồng này đã 7 năm nay nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy một nụ cười ấm áp của họ với những đứa con của mình.

Hai đứa bé này mỗi lần mang xe hay ván trượt ra chơi với trẻ trong xóm cũng có biểu hiện hết sức lạ lùng là chúng không nói một lời nào. Chúng chỉ lặng lẽ chơi và nhìn mọi người. Chúng rất hiếm khi trả lời khi người khác hỏi. Thích thì đứng nhìn, không thích thì bỏ đi một cách lặng lẽ.

Tương tự với cặp vợ chồng này, câu chuyện của chị Trần Thị Mơ, từng có thời gian đi làm giúp việc gia đình tại Hà Nội cho thấy, những đứa trẻ trong gia đình mà chị giúp việc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bố mẹ chúng mặc dù chẳng đi đâu xa nhưng dường như họ chẳng mấy khi tiếp xúc chuyện trò với những đứa con của mình. Kết quả là những đứa trẻ chỉ quấn quýt với người giúp việc mà không có chút tình cảm gì với bố mẹ của mình.

Theo những gì chị Mơ kể thì người chồng làm công chức nhà nước nhưng tối nào cũng bia bọt, tiếp khách khứa đến tận khuya mới về. Người vợ thì bán hàng ở một trung tâm thương mại giữa nội thành, cũng đi từ sớm tới tối. Đóng cửa hàng, bà chủ còn đi tập thể dục, tập nhảy hoặc spa để giữ dáng, dưỡng da. Việc dọn dẹp, chợ búa, nấu nướng, đưa đón con đi học, ông bà chủ đều khoán cho người giúp việc. Mỗi tuần, cả nhà ăn cơm với nhau không được 2 bữa.

Việc dạy dỗ con cái, ông bà chủ phó mặc cho giáo viên dạy thêm. Mấy sinh viên đến kèm thằng lớn học lớp 11 đều lắc đầu, phàn nàn cậu ta vừa lười, vừa dốt, chỉ mê chơi điện tử. Đứa con gái thứ 2 học lớp 8 nhưng suốt ngày tô son, đánh phấn, “buôn” điện thoại. Mấy lần chị Mơ bắt gặp cô bé đưa bạn trai lên tận phòng riêng. Nhưng khi chị ngăn cản, không cho hai đứa lên phòng thì cô bé lườm nguýt, chê chị “nhà quê”, rồi chúng leo lên xe máy chở nhau đi, còn nói lại một câu “đi ra ngoài hoạt động cho thoải mái không có mẹ già lại động lòng”. Ở nhà hầu như chỉ có chị Mơ và đứa bé gái 5 tuổi. Vốn là giáo viên mẫu giáo nên chị Mơ cố gắng uốn nắn, dạy dỗ bé về ứng xử, hướng dẫn cháu cầm bút, tô tranh, viết chữ. Chị phải giấu, vì bà chủ mà bắt gặp thế nào cũng mắng chị “đừng có nhiễm thói nhà quê cho con tôi”. Đứa bé chẳng mấy khi gần gũi bố mẹ nên quấn quýt chị Mơ, bố mẹ về cũng chẳng thiết. Có lần, bà chủ về sớm, muốn chơi với con nhưng bé không chịu, cứ đòi về phòng bác Mơ để nghe kể chuyện. Bực tức, người mẹ mang con ra đánh. Chị Mơ cũng bị vạ lây vì “rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, nói xấu bố mẹ nó nên nó mới hư hỗn như vậy”.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 thì hiện tượng các cặp vợ chồng có chút của ăn của để có cách nuôi dạy con theo kiểu “đi thuê” như hai trường hợp kể trên là không hề hiếm. Họ chỉ nghĩ một điều đơn giản rằng, đã mất tiền thuê người giúp việc thì không việc gì mà phải trực tiếp làm những công việc chăm sóc nuôi dạy con vất vả làm gì. Họ xem việc chăm sóc nuôi dạy con là vất vả, là nhọc nhằn nên mới đẩy công việc đó sang cho người giúp việc.

Một lý do nữa là những cặp vợ chồng đó xem việc khẳng định bản thân như có đời sống quý tộc sang chảnh nhàn nhã, có vóc dáng đẹp... là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình khá giả như vậy bỗng nhiên bị “ra rìa” về mặt đời sống tinh thần, tình cảm.

Có một thực tế không thể phủ nhận là việc chăm sóc nuôi dạy con cái quả thực là một công việc khá khó khăn vất vả của đời người. Tuy nhiên dù có vất vả cơ cực thì đó là vẫn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các bậc làm cha làm mẹ. Sự “bỏ rơi” con trẻ về mặt tình cảm, tâm lý, giao tiếp chính là sự lệch lạc trong cách sống của một số gia đình khá giả hiện nay.

Nguồn: Ngân Khánh/ Giadinh.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo