Gia đình

Hội chứng cô đơn giữa gia đình (2): Có những đàn ông khổ vì định kiến

Cập nhật lúc 10-03-2018 18:58:34 (GMT+1)
Quan niệm "đàn ông thì không được phép mềm yếu" là một dạng định kiến giới. Ảnh minh họa

 

Xã hội càng hiện đại thì đàn ông lại càng cô đơn hơn khi phụ nữ ngày càng phủ nhận giá trị và vai trò của người đàn ông. Điều này khiến họ càng phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa, phải gồng mình lên để chứng tỏ bản thân vì vốn dĩ từ khi sinh ra, chỉ vì là đàn ông mà đã bị đặt quá nhiều kì vọng.


Cô hàng xóm thân thiết với tôi có một cậu con trai nhỏ, năm nay mới gần hai tuổi. Cậu bé rất đáng yêu, hiếu động và ngoan ngoãn nhưng hay mau nước mắt. Chỉ cần hơi có chút xúc động là nước mắt cậu bé đã chảy ngang lưng chừng gò má, dù không thút thít, không nức nở hay ăn vạ. Mỗi lần như thế, mẹ cậu bé lại bĩu môi: Con trai gì mà kém cỏi thế, hơi một tí đã khóc.

Rất nhiều lần tôi thấy cậu bé bị ngã đau, muốn òa khóc lên nhưng nhìn mẹ lạnh lùng phàn nàn thì lại lau nước mắt chứ không dám khóc, dù rằng nghe tiếng thở vẫn thấy run run. Cậu bé ấy không phải trường hợp ngoại lệ.

Hầu hết đàn ông trên khắp thế gian này đều phải chịu những định kiến khắt khe từ khi họ mới chỉ là một cậu bé lững chững tập đi. Họ phải chịu đựng những nỗi lòng riêng mà khó có thể nói cùng ai. Bởi vì "đàn ông thì không được than phiền".

Qua cái thời định kiến bắt phụ nữ thì phải dịu dàng nữ tính, đi nhẹ nói khẽ nhưng định kiến với đàn ông thì vẫn còn nguyên đó. Đàn ông thì phải mạnh mẽ, phải ăn to nói lớn. Phụ nữ mà ăn mặc kiểu nam tính, người ta khen là mạnh mẽ. Nhưng đàn ông chỉ mặc áo hơi có chút họa tiết hay có màu nổi bật là liền bị chế nhạo chê cười hay bị nghi ngờ giới tính ngay.

Đàn ông cũng ít được tự do thể hiện cảm xúc hơn, họ thường phải che đậy những nỗi buồn và âu lo riêng. Phụ nữ buồn bực chuyện gì thì có thể ngồi lê với bạn bè, với cô hàng xóm hay với một người tình cờ gặp trên xe buýt để giải tỏa hết nỗi lòng nhưng đàn ông thì không được như vậy. Dẫu họ có người bạn thân đến mấy thì những điều sâu kín nhất, họ vẫn cứ phải giấu giếm trong lòng. Câu chuyện đàn ông trò chuyện với nhau chỉ mang nội dung hàm chứa thông tin, hầu như không bao giờ có nội dung hàm chứa cảm xúc cá nhân.

Đàn ông thường có áp lực phải trở thành người thành đạt hết mức có thể để gánh vác, làm trụ cột cho gia đình. Có thể là vì tình cảm, có thể là vì sĩ diện nhưng đàn ông thì phải có chỗ đứng nhất định trong xã hội. Họ phải cố gắng để trở thành (hoặc tỏ ra) là người giỏi giang hơn người phụ nữ của mình.

Định kiến xã hội không cho phép đàn ông được thua kém phụ nữ, không được nương tựa hay phụ thuộc vào vợ, cho dù chỉ là trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Phụ nữ được nhờ đàn ông thì gọi là có phúc. Đàn ông mà phải nhờ phụ nữ thì gọi là "bám váy đàn bà". Định kiến ấy ăn sâu vào từng tế bào, suy nghĩ của bất cứ ai như một chân lý bất di bất dịch.

 

Phụ nữ được nhờ đàn ông thì gọi là có phúc. Đàn ông mà phải nhờ phụ nữ thì gọi là "bám váy đàn bà". Ảnh minh họa

Nhưng nhiều khi, chúng ta quên mất rằng đàn ông cũng có những sự hạn chế và yếu kém không phải do thiếu cố gắng mà ra. Học vấn, khả năng hay trí thông minh của họ không đủ để có thể làm được những công việc to lớn hơn, hoặc không phù hợp với tính cách và đam mê.

Tôi có người quen làm viên chức nhà nước còn vợ buôn bán nhỏ ở chợ. Mặc dù anh không cờ bạc, rượu chè, trai gái, về nhà là lo cơm nước cho vợ con nhưng vẫn bị vợ khinh thường ra mặt chỉ vì góp thu nhập ít hơn. Đi đâu chị cũng than phiền vì mình phải gánh vác gia đình chứ chồng không giúp được gì cả. Chị còn gieo vào đầu hai đứa con ý nghĩ rằng chỉ có một mình mẹ lo cho gia đình chứ còn bố chúng thì hầu như vô tích sự.

Đàn ông lúc nào cũng canh cánh trong lòng về chuyện mình kiếm được bao nhiêu tiền, công việc mình thăng tiến được đến đâu, mọi người coi trọng mình như thế nào. Không chỉ những áp lực về tiền bạc, sự gánh vác gia đình, đàn ông còn phải chịu áp lực lớn về chuyện sức khỏe. Họ thường phải lo lắng cho sức khỏe để có thể cáng đáng được công việc trụ cột cũng như sức khỏe sinh lý, vì họ sợ bị người phụ nữ của mình chê bai và coi thường.

Xã hội càng hiện đại thì đàn ông lại càng cô đơn hơn khi phụ nữ ngày càng phủ nhận giá trị và vai trò của người đàn ông. Điều này khiến họ càng phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa. Họ phải gồng mình lên để chứng tỏ bản thân vì vốn dĩ từ khi sinh ra, chỉ vì là đàn ông mà đã bị đặt quá nhiều kì vọng.

Làm phụ nữ quả thực vất vả để có thể đón nhận được sự công bằng của xã hội nhưng ngay cả đàn ông cũng khốn khổ vì chuyện định kiến về giới. Suy cho cùng thì đàn ông cũng khổ sở chứ có sung sướng gì đâu.

Nguồn: Hàn Băng Vũ/ Giadinh.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo