Gia đình

Hội chứng cô đơn giữa gia đình (10): Chứng bệnh lạ trẻ khi bố mẹ quẳng cho con chiếc Ipad

Cập nhật lúc 18-04-2018 09:59:13 (GMT+1)
Bố mẹ quẳng cho con chiếc ipad để tránh bị phiền nhiễu là một dạng bỏ rơi con. Ảnh minh họa

 

Theo các chuyên gia, việc cha mẹ phó mặc con mình cho giúp việc (được phản ánh trong bài Trẻ bơ vơ vì bố mẹ mải khẳng định đẳng cấp sang chảnh), hay quẳng cho con chiếc Ipad để chúng đỡ quấy nhiễu …là một hình thức “bỏ rơi” con về mặt tình cảm, tinh thần.


Khi bố mẹ quẳng cho con trẻ chiếc Ipad cũng là lúc mà đứa trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.

Theo TS-BS Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám sàng lọc, tư vấn, điều trị và dự phòng các rối nhiễu tâm lý thuộc Phòng khám Tuna (Hà Nội) thì ngày càng nhiều đứa trẻ được đưa đến phòng khám chữa bệnh vì chứng “nói chuyện một mình”, mê điện tử, thích đồ công nghệ như ti vi, điện thoại, iPad hơn là nói chuyện với bố mẹ, chơi với bạn bè.

Có em mới 13 tuổi được đến chữa bệnh “nói chuyện một mình”. Em là con một, bố mẹ em đi làm từ sáng tới tối mịt, có khi về chỉ ghé vào phòng con hỏi: “Có việc gì không?” rồi về phòng. Cơm có giúp việc, học có cô giáo, di chuyển có xe ôm. Buồn thì có iPad, iPod, laptop, ti vi, chỉ thiếu người nói chuyện. Suốt ngày, em chỉ còn đối diện với 4 bức tường và người bạn tưởng tượng.

Sau một thời gian chữa trị, em viết lá thư đau đớn: “Mẹ là ai. Mẹ là người lúc nào cũng trách mắng mình không chịu học hành, không làm bố mẹ tự hào. Mẹ là người lúc nào cũng kêu bận nếu mình muốn lân la nói chuyện. Mẹ là người cho mình ăn, mình mặc. Nhưng vật chất mà làm gì? Học tập mà làm gì khi lúc nào mình cũng thấy cô độc, chán ghét? Sao cứ yêu cầu mình phải học giỏi khi chẳng ai có thời gian giúp mình?”...

TS. Lã Thị Bưởi cho biết, em gái đó bị rối nhiễu tâm lý sau một thời gian buồn phiền, u uất. Em cho rằng mình chẳng ra gì nên không được cha mẹ yêu thương, dẫn đến mặc cảm, tự ti, thậm chí không muốn tiếp xúc với mọi người.

Theo một điều tra của Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng, 20% trẻ em ở độ tuổi lớp 2, lớp 3 bị rối nhiễu tâm lý vì học quá căng thẳng và cô độc trong chính gia đình mình.

Theo các chuyên gia, việc cha mẹ phó mặc con mình cho giúp việc (được phản ánh trong bài Trẻ bơ vơ vì bố mẹ mải khẳng định đẳng cấp sang chảnh), hay quẳng cho con chiếc Ipad để chúng đỡ quấy nhiễu …là một hình thức “bỏ rơi” con về mặt tình cảm, tinh thần.

Kết quả nghiên cứu về bệnh rối nhiễu tâm lý ở trẻ em cho thấy: Ngày nay có những gia đình không quan tâm đầy đủ, cẩu thả trong quan hệ với trẻ, dẫn tới trẻ cô đơn trong gia đình mà đôi khi một thời gian dài không được phát hiện. Các nhà khoa học cho rằng, thiếu hụt tình cảm và cô đơn trong gia đình được xem là một hình thức ngược đãi trẻ em, đòi hỏi những can thiệp y tế – xã hội thích hợp.

Thiếu thời gian, nhiều cha mẹ phó mặc cho người giúp việc hoặc làm hộ con cho nhanh. Lâu dần, đứa trẻ trở thành “gà công nghiệp”, ăn, chơi, học, sinh hoạt đều bị nhồi nhét một cách máy móc. Đó là những đứa trẻ “gà tồ” có lớn mà không có khôn, thiếu kỹ năng chăm sóc bản thân, không biết đương đầu với khó khăn, thất bại. Đến khi gặp chuyện thất vọng, buồn bã, chúng thường tìm đến hành động tiêu cực hoặc là yếu đuối, a dua, dễ bị rủ rê vào các tệ nạn xã hội…

“Những đứa trẻ thừa dưỡng chất, thiếu yêu thương sẽ phát triển không hoàn thiện, thậm chí méo mó về tâm hồn, lệch lạc trong nhận thức. Việc cha mẹ quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với con hàng ngày mới chính là “thức ăn” cần thiết để đứa trẻ phát triển hoàn thiện”. TS Lã Thị Bưởi nói.

Nguồn: Ngân Khánh/ Giadinh.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo