Góc nhìn

Vì sao ta ghét cay ghét đắng những kẻ chen ngang?

Cập nhật lúc 29-03-2017 06:37:01 (GMT+1)
Một số nhà bình luận nói rằng thói quen kiên nhẫn xếp hàng của người Anh có từ thời Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, khi người d

 

Biết chờ đợi một cách kiên nhẫn khi xếp hàng thường được coi là một phẩm chất tốt đẹp của người Anh. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu xa hơn, ta sẽ thấy rằng việc xếp hàng cho biết rất nhiều về quá trình phát triển của lòng vị tha.


Việc phải xếp hàng hẳn là một trong những thứ khiến ta bồn chồn nhất. Nhưng đứng một cách kiên nhẫn trong hàng dài là một trong những niềm kiêu hãnh của người Anh, bên cạnh tình yêu của dân xứ này với món trà, cá tẩm bột ăn với khoai tây chiên, và thói quen đi quán rượu.

Một khảo sát gần đây được thực hiện trên 2.000 người Anh cho thấy việc chen ngang là điều bị coi là đáng ghét nhất, và dân Anh ưa nghĩ rằng họ trội hơn so với người nước ngoài trong chuyện kiên nhẫn xếp hàng.

Nỗi ám ảnh này có từ ít nhất là hồi giữa thế kỷ trước, khi George Orwell cố tìm hiểu tâm lý của một du khách tới thăm Anh lần đầu tiên.

"Vị quan sát viên người nước ngoài mà chúng ta tưởng tượng ra hẳn đã bị ấn tượng mạnh về nét lịch sự của chúng ta: những đám đông người Anh cư xử một cách trật tự, không có cảnh chen lấn xô đẩy, cãi cọ, tâm lý sẵn sàng xếp hàng chờ đến lượt," ông viết trong bài luận về người Anh, The English People.

Trang web hướng dẫn cách ứng xử phải phép Debrett ngày nay cũng nêu quan điểm tương tự, trong đó viết rằng: "Với người nước ngoài, nghệ thuật xếp hàng nếu đánh giá một cách tốt đẹp nhất thì hẳn là một bí mật, còn nói một cách tồi tệ nhất thì hẳn là điên rồ: chen ngang khi mọi người đang xếp hàng là lỗi tồi tệ nhất mà một người ngoại quốc có thể phạm phải. Thậm chí một người Anh kiệm lời nhất cũng sẵn sàng khoát tay về phía cuối hàng cho những ai định chen ngang."

Trong một bài luận khác viết hồi giữa thập niên 1940, Orwell nói rằng việc không chịu chờ đợi xếp hàng chính là nền móng tạo nên một số những vết nhơ của chủ nghĩa bài Do Thái.

Các tường thuật trên báo chí ngày nay cho thấy điều này tiếp tục là nguồn gốc của tâm lý bực bội chống lại các sắc tộc thiểu số và người nhập cư.

Peter Hitchens, một nhà bình luận chuyên viết cho tờ the Mail trong các số ra Chủ Nhật, còn đi xa hơn khi nói rằng "những kẻ cầm dao chuyên chen ngang" đang tìm cách vào Anh xin tị nạn - một cách nói ít nhiều có ý so sánh với chủ nghĩa khủng bố.

Nghệ thuật xếp hàng đã được coi là trung tâm của tính cách Anh, khiến nó thậm chí còn được chính phủ đưa vào nội dung bài thi nhập tịch.

Điều trớ trêu ở đây là bản thân từ xếp hàng cũng chính là một từ được du nhập từ nước ngoài vào, mà cụ thể là từ nước láng giềng, Pháp.

Vậy đằng sau sự bí hiểm này thì sự thật là gì?

George Mikes, một người nhập cư từ Hungary, có đúng không khi nói "một người Anh kể cả khi chỉ có một mình cũng sẽ xếp hàng một cách trật tự"? Hay đây là giá trị phổ quát mà nhiều nền văn hóa khác trên thế giới cũng có?

Việc xem xét kỹ về thói quen việc xếp hàng không chỉ đem lại cho ta câu trả lời, mà nó còn nhìn nhận một cách sâu sắc hơn những câu hỏi về bản chất lòng vị tha ở con người.

Getty Images

Hãy bắt đầu với việc đánh giá chuyện này ở bên kia Đại Tây Dương, với thử nghiệm của nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Stanley Milgram.

Milgram được biết đến nhiều nhất với các nghiên cứu về chủ đề tuân theo mệnh lệnh và khả năng kiểm soát, được ông thực hiện hồi thập niên 1960, theo đó những người tham dự được yêu cầu chích điện gây sốc ở mức ngày càng tăng lên người khác (người bị chích điện thực ra là diễn viên, giả vờ là bị đau).

Những người tham dự được nói rằng đó là một phần cần thiết của cuộc thử nghiệm và được yêu cầu hãy phớt lờ những lời gào thét đau đớn của đối tượng bị chích điện.

Milgram nhận thấy rằng những người tham dự sẵn lòng một cách đáng kinh ngạc trong việc tuân theo mệnh lệnh của các khoa học gia, với đa số đồng ý thực hiện hành vi chích điện ngay cả khi điện thế được tăng tới mức cao nhất là 450 volt.

Cuộc thử nghiệm cho thấy chúng ta dễ dãi tới mức nào trong việc bỏ mặc cho ý thức đạo đức của mình bị giật dây bởi người có quyền lực cao hơn.

Tới thập niên 1980, Milgram quay sang tìm hiểu điều cấm kỵ trong lĩnh vực chen ngang khi xếp hàng. Ông gửi nhóm nghiên cứu tới các ga tàu ở New York và các địa điểm cá cược, nơi họ sẽ lén chen vào dòng người đang xếp hàng, giữa người đứng thứ ba và thứ tư, đứng đó trong chừng một phút rồi bỏ đi.

Người New York rất thích thú trong việc thấy ai đó bị đẩy ra ngay trước mắt. Trong 15% các trường hợp, họ thể hiện thái độ bằng cái nhìn khinh bỉ hoặc thù hằn, 20% lên tiếng, "Không thế được! Chỗ cuối hàng ở đằng kia kìa" hoặc "Này anh kia, chúng tôi đang xếp hàng. Đi ra và xuống phía dưới đi." Trong khoảng 10%, sự giận dữ được thể hiện bằng hành động mang tính vũ lực, như tóm áo kẻ chen ngang hoặc đẩy người đó ra khỏi hàng.

Nhưng điều thú vị hơn lại chính là cảm giác của chính những người chen ngang. Milgram ghi nhận là các đồng nghiệp người Mỹ của ông thường mất khoảng nửa tiếng để lấy can đảm trước khi thực hiện hành vi chen ngang, và họ thường căng thẳng tới mức mặt trở nên xám ngoét, bản thân họ cảm thấy buồn nôn.

Thí nghiệm của Milgram tuy không đưa ra sự so sánh trực tiếp, nhưng nó dường như cho thấy người New York cũng khó chịu với tình trạng chen ngang không kém gì người Anh.

Còn có nhiều ví dụ tương tự khác nữa, theo Dave Fagundes, giáo sư luật từ Đại học Houston. Ông nhắc tới tính kỷ luật trong việc xếp hàng ngày càng cao tại các trận bóng rổ rất được ưa chuộng của Đại học Duke, nơi sinh viên sẽ vui vẻ cắm trại trong nhiều ngày tại 'thành phố lều trại' để kiếm được vé vào xem.

Getty Images

Ở bên ngoài nước Mỹ, các bằng chứng cho thấy những nước Bắc Âu như Đức và Thụy Điển cũng nghiêm túc không kém trong việc xếp hàng. Thế nhưng điều này không tạo thành cách ứng xử chung cho tất cả các nước ở phía bắc.

Hãy nhìn lại cuộc khủng hoảng khan hiếm dầu hỏa Nigeria hồi thập niên 1970: mọi người đã xếp hàng vô cùng trật tự tại các trạm xăng bất chấp nỗi lo sợ khan hàng. "Điều đó cho thấy là việc duy trì xếp hàng một cách trật tự không phải chỉ duy nhất có ở các xã hội Anh-Mỹ," Fagundes nói.

Tất nhiên, còn có những hình thức khác nhau trong những nền văn hóa khác nhau nữa. Chẳng hạn như Fagundes mô tả rằng trong hệ thống “¿Quién es último?” tồn tại phổ biến tại Tây Ban Nha và các nước Latin khác, nơi mà khi vào quán cà phê người ta thường hỏi một cách đơn giản "ai là người cuối cùng?" để biết liệu khi nào sẽ đến lượt mình. Điều bất lợi trong trường hợp này là bạn sẽ không biết được chính xác là sẽ phải chờ đợi trong bao lâu.

Cũng phải thừa nhận là người dân ở một số nơi, chẳng hạn như Trung Hoa lục địa, thường dễ tạo thành những đám đông hỗn loạn trong những tình huống nhất định, khiến chính phủ nước này phải chỉ dẫn cho công dân cách xếp hàng có kỷ cương hơn trước kỳ Olympics Bắc Kinh.

Tuy nhiên, xét từ quan điểm toàn cầu thì Anh quốc có vẻ như không phải là nơi 'đặc quyền sở hữu' phẩm chất xếp hàng.

Fagundes cho rằng việc xếp hàng trật tự chứng minh cho thuyết tiến hóa về 'tính tương hỗ mạnh mẽ'. Theo thuyết này, hầu hết con người ta đều có lòng vị tha, với bản năng mạnh mẽ trong việc hợp tác với nhau, miễn là những người khác đều có đóng góp hợp lý.

Đáng nói là theo thuyết này thì chúng ta sẽ trừng phạt những người muốn 'ăn không' ngay cả khi điều đó có thể khiến cá nhân chúng ta bị thiệt hại; tâm lý muốn có sự công bằng trội hơn so với quyền lợi cá nhân trước mắt.

Điều này ngược là với các thuyết khác về lòng vị tha, theo đó nói chúng ta hợp tác với người khác chỉ để nhằm có lợi hơn so với việc làm một mình. Trong những trường hợp đó, chúng ta sẽ không trừng phạt người khác nếu như việc trừng phạt sẽ khiến chúng ta bị tổn hại.

Thuyết về tính tương hỗ mạnh mẽ từng được áp dụng để xác định kết quả trong một số trò chơi mang tính lợi lộc kinh tế, trong đó một người tham dự được trao một số tiền nhỏ để chia sẻ với đối tác của mình.

Đối tác đó có thể nhận hoặc chối phần chia mà người kia đề nghị trao cho họ. Vấn đề nằm ở chỗ nếu họ từ chối thì cả hai người sẽ ra về trắng tay.

Như vậy, về lý thuyết thì mọi người cần phải chấp nhận phần họ được mời chào nếu muốn thắng được một khoản tiền, thế nhưng các nhà tâm lý học đã liên tục chứng minh rằng con người ta sẵn sàng vứt bỏ những gì mình có thể nhận được nếu họ cho rằng đó là khoản không công bằng, chấp nhận phần thiệt chỉ để trừng phạt đối tác cùng chơi, đúng như những gì mà thuyết 'tính tương hỗ mạnh mẽ' dự đoán.

Với Fagundes, việc xếp hàng minh chứng cho nguyên tắc này trong xã hội văn minh. Tất cả chúng ta đều vui vẻ chờ đợi tới lượt, không xô đẩy người khác nếu như tất cả mọi người đều được đối xử công bằng. Nhưng nếu như có ai đó làm khác đi, ta sẽ cảm thấy tức giận. Và đúng như thuyết tương hỗ mạnh mẽ dự đoán, tất cả chúng ta nhiều khả năng sẽ cùng từ bỏ việc xếp hàng khi cảm thấy những người khác không còn muốn hợp tác trong việc xếp hàng nữa.

Luke Treglown từ Đại học University College London cũng đồng ý vậy. Ông chỉ ra rằng chúng ta rất nhạy cảm với 'công lý' trong việc xếp hàng, và mọi người sẽ phản ứng một cách giận dữ ngay cả khi không có ai gian dối.

Chẳng hạn như chúng ta khó chịu khi thấy hàng bên cạnh di chuyển nhanh hơn hàng của mình khi làm thủ tục tại sân bay; hay tại nhà hàng, chúng ta cảm thấy tức giận nếu nhóm thực khách xếp hàng phía sau lại được xếp bàn cùng lúc với mình. "Chúng ta cho rằng mọi người xếp hàng đều cần phải chờ đợi một khoảng thời gian giống như bản thân bạn đã phải chờ, bất kể là điều đó có ảnh hưởng gì tới việc chờ đợi của bạn hay không," ông nói.

So sánh giữa các quốc gia với nhau, Treglown chỉ ra rằng tiếng thơm về văn hóa xếp hàng nghiêm ngặt thường đi kèm với những xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, như Anh, Châu Âu, và Hoa Kỳ, là những nơi mà con người ta thường rất nhạy cảm trước tình trạng bất bình đẳng giữa mọi người.

Tuy nhiên, nhìn chung thì ông đồng ý rằng những khác biệt trong các nền văn hóa không liên quan nhiều tới vấn đề này như mọi người vẫn nghĩ. "Chẳng hạn như sự khác biệt giữa bạn và tôi rất có thể còn lớn hơn giữa tôi với một người Thụy Điển bình thường nào đó," Treglown nói.

Trong nhiều cách đánh giá khác nhau, danh tiếng của người Anh trong việc xếp hàng cũng giống như mối quan tâm của người dân nước này đối với thời tiết: tuy người Anh có lẽ không thực sự nói về khí hậu nhiều hơn so với người dân nước khác, nhưng ý nghĩ rằng người Anh bị ám ảnh về chuyện thời tiết đã trở thành điều được thiên hạ coi thành mặc định.

Và điều đó thể hiện về cách nhìn nhận vấn đề của người Anh đối với bản thân họ và nền văn hóa của họ, về cách họ muốn được người ngoài nhìn nhận, thay vì về cách hành xử thực sự của họ. "Không ai thích xếp hàng cả, nhưng người Anh thì biết trân trọng tình trạng duy trì trật tự và sự bình đẳng quanh vấn đề này," Treglown nói. "Họ có ý tưởng lãng mạn về việc xếp hàng."

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo