Vấn đề BOT, phải chăng Chính quyền chọn cách hi sinh quyền lợi của dân?
![]() |
Cuối tuần qua, một sự kiện chấn động lịch sử thể thao Việt Nam: đội bóng đá U23 Việt Nam lọt vào bán kết U23 Châu Á năm 2018 sau khi giành chiến thắng trước đội U23 Iraq bằng loạt đá luân lưu. Việc ăn mừng chiến thắng diễn ra khắp mọi nơi với muốn hình vạn kiểu, đặc biệt là có cả những cô nàng cởi trần, vú căng tròn diễu hành ngoài phố. Báo chí, truyền thông và mạng xã hội thì khỏi phải nói, đầy ắp những bài viết, những Stt ca ngợi.
Tôi cũng mừng cho chiến thắng đó nhưng đó không phải là vấn đề tôi quan tâm. Tôi đang suy nghĩ về vấn đề BOT. Một vấn đề không chỉ liên quan trực tiếp đến miếng cơm manh áo của người dân mà còn vấn nạn quốc gia.
Cách đây hơn một tháng, trước tình hình căng thẳng ở các trạm thu phí BOT trong cả nước nói chung và BOT Cai Lậy nói riêng, ngày 4/12/2017 trong phiên họp trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quyết định tạm dừng thu phí 1-2 tháng tại trạm BOT Cai Lậy, yêu cầu Bộ trưởng GTVT có báo cáo toàn diện, đề xuất phương án trình Thủ tướng. Thông tin trên làm người dân vui mừng, hi vọng vấn đề BOT sẽ được Chính phủ giải quyết một cách thấu đáo, triệt để theo hướng tôn trọng sự thật và công bằng.
Nhưng mới đây (18/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT.
Sau khi đọc nội dung công điện, tôi nghĩ rằng sẽ có một cuộc đàn áp đối với với phong trào phản đối BOT. Chỉ không rỏ cách nào, phương pháp là gì.
Lo lắng trên của tôi là có cơ sở vì nội dung công điện không nói rỏ cụ thể về những tồn tại, bất cập của các dự án BOT là gì, và cách xử lý những trạm BOT đặt sai vị trí ra sao mà chủ yếu là chỉ đạo giải quyết theo hướng “trấn áp”. Theo đó, chính quyền sẽ mạnh tay trừng phạt những hành vi phản đối của người dân về vấn đề thu phí BOT mặc dù hành động của người dân hoàn toàn hợp pháp và ôn hoà.
Liệu đó có phải là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề? Nếu mạnh tay trấn áp thì điều gì sẽ xảy ra ? Người dân có sợ hãi và chấp nhận nộp phí hay phong trào sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn ? Theo tôi, nếu chính quyền xử mạnh tay như đối với các phong trào phản đối chặt cây xanh, phong trào biểu tình chống Trung Quốc, phong trào biểu tình phản đối Formosa v.v... thì chẳng mấy chốc phong trào phản kháng BOT sẽ xẹp xuống.
Những vấn đề của BOT đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, các chuyên gia cũng đã phân tích rất rỏ ràng, rành mạch và đưa ra các phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi giữa người dân và nhà đầu tư. Nhưng không hiểu vì sao Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng lại thiên về phương án trấn áp.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề của BOT, đàn áp là một sự lựa chọn thiếu khôn ngoan và có thể gây ra những hậu quả khó lường, nhất là trong lúc người dân đang mất niềm tin vào cách xử lý của chính quyền trước những vấn đề “nóng bỏng”. Chính phủ với vai trò quản lý, điều tiết, giám sát việc cung ứng dịch vụ BOT phải khách quan và công tâm trong giải quyết vấn đề. Muốn làm được điều đó phải:
- Chính phủ phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và công bằng, xét cụ thể từng dự án BOT. Đặc biệt làm rỏ các nghi vấn lợi ích nhóm, tham nhũng trong các dự án BOT đường bộ.
- Phương án đầu tư BOT là chủ trương đúng nhưng thực hiện lại chưa đúng, nói thẳng ra là sai. Vậy sai từ đâu, ai sai?
- Rà soát lại tất cả các dự án BOT đường bộ. Công khai mức đầu tư, chi phí dự án, thời gian thu phí, năng lực nhà thầu. Tại sao nhà thầu không đủ năng lực tài chính vẫn được chỉ định thầu dẫn đến việc BOT toàn tiền ngân hàng?
- Đối với những trạm thu phí BOT đặt sai (nhầm) thì phải đưa nó về đúng vị trí, đường làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Còn đối với những dự án cải tạo đường cũ (quốc lộ) thì phải dùng tiền ngân sách, không được đặt trạm thu phí để tận thu.
- Kiểm tra, đánh giá lại chất lượng tất cả các dự án BOT đường bộ để tránh trình trạng đến khi bàn giao thì đường đã hỏng. Theo phản ánh báo chí, hiện nay một số đường đầu tư BOT đang trong thời gian thu phí nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng.
- Việc người dân phản đối trạm thu phí BOT là do vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý (sai), thiếu minh bạch và cũng là do bức xúc trong quản lý của nhà nước. Đây là phản kháng dân sự, nên phải giải quyết bằng dân sự, không được đàn áp bằng vũ lực.
Thực ra, từ nhiều năm trước các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo về “lỗ hổng” trong quản lý các dự án BOT. Trong đó nổi lên các vấn đề: vốn đầu tư, chất lượng, chỉ định thầu, lãng phí, rủi ro khi vay ngân hàng…Và hệ luỵ thì như chúng ta đã thấy, khắp cả nước người dân phản đối các trạm thu phí BOT. Vấn đề bây giờ là phải sữa sai lầm chứ không phải là đẩy những tồn tại, bất cập của BOT cho người dân gánh chịu. Nó quá phi lý và bất công.
Nên nhớ, một Chính phủ không thể gọi là kiến tạo, liêm khiết, hành động khi mà chọn cách hi sinh lợi ích của người dân, bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư và che đậy những việc làm sai trái của mình.
|
Nguồn: Trọng Hà/Dân luận