Góc nhìn

Tượng Bác và người nghèo

Cập nhật lúc 05-08-2015 03:01:30 (GMT+1)
Tượng đài Hồ Chí Minh đặt tại quảng trường Đại đoàn kết - Gia Lai

 

Người phụ nữ có khuôn mặt đôi chỗ bị biến dạng, nụ cười với hàm răng chìa ra lởm chởm đang ra sức múa tay giải thích điều gì đó với ông già điếc bên cạnh. Ông lão với bộ quần áo nâu sòng như một người tu hành, ngồi trên một miếng carton và đôi dép nhựa xanh để bên cạnh. Ông cũng lẩm bẩm điều gì đó với người phụ nữ nhưng đôi tay, đôi mắt thì vẫn chăm chú nhìn xấp vé số và đang cố gắng xòe đống vé số ra, tỉ mỉ sắp xếp nó thành hình chiếc quạt một cách đẹp nhất để có thể thu hút sự được chú ý của những người đang vội vã đi lướt nhẹ qua họ…


Họ ngồi lọt thỏm, nép sát vào bức tường bạc màu sờn cũ bên cạnh bãi gửi xe của một siêu thị, cả hai trông đều nhỏ bé, khắc khổ và khốn khó đến mức tội nghiệp…

 

 

Tôi bất giác thở dài, đau xót nghĩ tới tượng đài Mẹ Việt Nam 411 tỷ đồng ở Quảng Nam và sắp tới đây là tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại TP. Sơn La 1.400 tỷ đồng!

Hai phận người nhỏ bé bên vệ đường, hai trong giữa muôn triệu phận người khốn khổ ở đất nước Việt Nam này và có lẽ sẽ còn nhiều hơn thế nữa chắc cũng chẳng đủ để lương tâm họ động đậy và dừng tay!

Bốn mươi năm đã qua, bốn mươi năm với rất nhiều ngày lễ kỷ niệm chiến thắng và quá nhiều tượng đài được dựng lên để tôn vinh những người anh hùng. Nhưng, bốn mươi năm lại không đủ để xóa đói giảm nghèo, bốn mươi năm không đủ để vực dậy một Việt Nam đáng lẽ đã phải có vị thế tương xứng với các nước trong khu vực nhưng thực tế là đang tụt dốc chứ đừng nói đến mơ ước trở thành cường quốc!

Tôi không hiểu tại sao đến giờ phút này người ta vẫn còn có thể trâng tráo và tàn nhẫn trên nỗi thống khổ của đồng bào mình đến vậy? Thay vì phung phí tiền thuế của dân để xây dựng những tượng đài xa hoa vô tích sự, thì sao người ta không xây dựng trường học, bệnh viện, triển khai những chính sách giúp dân an cư lập nghiệp, giảm thiểu số người buôn bán gánh bưng; người già, người khuyết tật đơn độc được vào nhà an dưỡng chứ không phải là lê la ngoài đường mưu sinh vất vả với sấp vé số!

Tôi chẳng hiểu người ta định hướng phát triển kinh tế XHCN kiểu gì mà thực tế không thấy giảm số người nghèo mà xu hướng ngày càng gia tăng hơn nữa những mảnh đời khốn khổ!

Tôi chỉ có hình ảnh đơn điệu của hai phận người nhưng tôi nghĩ chỉ cần thế thôi, cũng là quá đủ để tôi gửi một thông điệp đến những ông quan đang ngày đêm gậm nhấm xương máu của nhân dân, thật sự là nhân dân chẳng còn hy vọng mong các ngài có mắt để mà biết nhìn và có trái tim để mà trăn trở suy gẫm!

Tôi gửi hình ảnh lam lũ của hai người bán vé số dạo đến những người vẫn còn vô cảm, thờ ơ với xã hội và đồng bào để các bạn biết rằng, đã đến lúc các bạn phải dũng cảm mà đồng thanh cất tiếng nói. Đừng để người ta sử dụng đồng tiền nộp thuế của các bạn một cách vô nghĩa, vô tội vạ đến mức vậy! Có gì mà phải sợ hãi khi chúng ta sử dụng đúng quyền công dân của mình để ngăn chặn việc những việc làm vô đạo đức và góp phần cải tổ, xây dựng lại xã hội.

Còn gì ngại ngần mà không lên tiếng buộc những người có trách nhiệm phải thực thi đúng sứ mệnh mà họ đang nắm giữ. Hãy buộc những người đang sống bằng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cho việc họ đang làm. Hãy đề nghị họ phải thay đổi đường lối, buộc họ phải quan tâm đến các vấn đề dân sinh, họ không được phép phung phí tiền thuế của dân cho những mưu cầu và lợi ích vô đạo đức của riêng của họ!

Những tượng đài, đền đài hoang phí vẫn đang được dựng lên bất chấp dân tình còn nghèo đói, bất chấp tiếng rên la ai oán thống khổ của đồng bào. Trong mắt dân, đó không còn là những tượng đài cho dân ngắm nhìn để quên đi cái đói, cái khổ mà đã trở thành những tượng đài phi nhân và vô nghĩa!

P/S: Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2012, tổng cộng cả nước có 2.149.110 hộ nghèo (9,60%) và 1.469.727 hộ cận nghèo (6,57%) trong tổng số hơn 22,37 triệu hộ. Các tỉnh có số hộ nghèo cao nhất là Thanh Hóa 151.010 hộ, Nghệ An116.851 hộ, Sơn La 70.724 hộ, Quảng Nam 70.099 hộ, Sóc Trăng 62.682 hộ, Gia Lai 60.048 hộ, thấp nhất là Bình Dương 4 hộ, thành phố Hồ Chí Minh 6 hộ, Đà Nẵng 2.239 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước là Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng thuộc miền núi Tây Bắc và Đông Bắc, tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất đồng bằng sông Hồng là Hà Nam, Bắc Trung Bộ là Quảng Bình, duyên hải miền Trung là Quảng Nam, Tây Nguyên là Kon Tum, Đông Nam Bộ là Bình Thuận, và đồng bằng sông Cửu Long là Sóc Trăng.

 

Nguồn: Facebook Bạch Cúc

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo