Góc nhìn

Phần Lan không chỉ có Nokia!

Cập nhật lúc 01-05-2012 03:50:05 (GMT+1)

 

Đó là khẳng định của một doanh nhân Phần Lan với người viết trong một cuộc nói chuyện khá dài tại phi trường Helsinki. Trong lúc cùng chờ đợi một chuyến bay nội địa, chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện thú vị.


Khi người viết hỏi về lịch sử phát triển gần đây của Phần Lan, vị doanh nhân cho biết: “Chúng tôi đi lên từ chiến tranh, đặc biệt là “Cuộc chiến mùa đông“. Chúng tôi bị bại trận và bị buộc “nộp tô” trong 8 năm sau cuộc chiến”. Và ông tiếp tục tâm sự: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn sau khi ra khỏi chiến tranh với tư thế của một “kẻ bại trận”. Đất nước không có nhiều tài nguyên (có thể họ chưa muốn khai thác – người viết). Khí hậu thất thường nên việc sản xuất cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể!” Tôi “an ủi” ông: “Nhưng bây giờ Phần Lan là ngôi sao phương Bắc rồi. Nhắc tới Phần Lan chắc người ta sẽ nghĩ ngay đến Nokia?”. Vị doanh nhân trợn mắt với tôi: “Phần Lan không chỉ có Nokia!”

Đúng vậy! Phần Lan không chỉ có Nokia, một nhà sản xuất dẫn đầu về thị trường điện thoại di động, mà họ còn có: Stora Enso, nhà sản xuất giấy lớn nhất trên thế giới; Neste Oil, tập đoàn chuyên về tiếp thị và lọc dầu; UPM-Kymmene, nhà sản xuất giấy lớn thứ ba trên thế giới; Aker Finnyards, nhà sản xuất tàu du lịch và đã từng sản xuất những tàu lớn nhất thế giới như Royal Caribbean’s Freedom of the SeasRovio Mobile, nhà phát triển các trò chơi video; KONE, nhà sản xuất thang máy và thang cuốn; Wärtsilä, nhà sản xuất nhà máy điện và động cơ tàu; Fazer, một trong những tập đoàn lớn nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm. “Phần Lan còn nhiều nhà sản xuất và tập đoàn khác, ngoài những nhà sản xuất hàng đầu trên”, đó là khẳng định của một anh bạn Phần Lan.

Do có những nhà sản xuất lớn như trên, chứ không chỉ là các công ty dịch vụ hay môi giới thông thường, nên kết quả là sản phẩm xuất khẩu chính của Phần Lan là thiết bị điện và quang học, máy móc và thiết bị điện tử, giấy và bột giấy, hóa chất, thiết bị vận tải, kim loại cơ bản, gỗ. Thu nhập bình quân của Phần Lan trong năm 2011 là 38.300 đô-la, theo CIA. Cần nhấn mạnh rằng sau 20 năm (1945 – 1965) ra khỏi chiến tranh thì thu nhập bình quân của Phần Lan đã là 1.882 đô-la, sau 30 năm 6.191 đô-la, và sau 40 năm là 11.253 đô-la. Hiện tại Phần Lan còn có những kết quả về xếp hạng rất ấn tượng trên toàn cầu:

Tại sao Phần Lan có những thành tựu xuất sắc như vậy? Tâm sự với người viết, một giáo sư của ĐH Aalto cho biết: “Phần Lan là nước nhỏ, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi và cũng không có nhiều tài nguyên nên chúng tôi phải phát triển con người và đầu tư cho khoa học công nghệ. Hiện nay chúng tôi đang hưởng lợi từ con đường mà chúng tôi đã chọn, cụ thể là hiện tại Phần Lan chuyên xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và thu được nhiều lợi nhuận.”

Một ủy viên của Hội đồng khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Viện hàn lâm Phần Lan, hiện là giáo sư của ĐH Oulu, tự hào nói: “Phần Lan không có cách nào khác là phát triển giáo dục. Chúng tôi đã làm như vậy cho đến ngày hôm nay. Nhờ có nền giáo dục tốt, chúng tôi đã đào tạo ra được một nguồn lực lao động cũng như một đội ngũ các nhà khoa học có chất lượng cho đất nước. Chính vì thế mà giờ đây Phần Lan có nhiều tập đoàn sản xuất có uy tín trên thế giới.”

Bài học của Phần Lan rất đáng cho các nước khác học hỏi, nhất là các nước có lịch sử chiến tranh. Phần Lan từng là nước từng bị xâm lược, từng là nước bại trận nên phải cắt đất cho nước khác và phải nộp “tô” cho kẻ thù trong 8 năm sau cuộc chiến. Nhưng Phần Lan biết khép lại quá khứ chiến tranh để tập trung vào phát triển đất nước. Sau 40 năm ra khỏi chiến tranh, họ đã vươn lên là nước có thu nhập thuộc hàng cao (11.253 đô-la) . Để rồi hiện nay, 65 năm sau chiến tranh, thu nhập bình quân của họ là 38.300 đô-la; nền giáo dục thì xuất sắc nhất thế giới và miễn phí hoàn toàn; các xếp hạng về khả năng cạnh tranh, thịnh vượng và minh bạch về tham nhũng đều thuộc tốp đầu của thế giới.

Khi người viết hỏi một anh bạn người Phần Lan, một kỹ sư cơ học tính toán: “Sao tôi thấy dân Phần Lan ít bàn về chiến tranh?”. Anh vui vẻ nói: “Có thể anh nói đúng! Chúng tôi ít nói về quá khứ, nhưng không có nghĩa là chúng tôi quên quá khứ! Chúng tôi vẫn biết và vẫn đang rất cảnh giác với kẻ thù của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ thể hiện qua hành động, qua cộng việc cụ thể. Chắc anh cũng biết rằng ở Phần Lan tất cả nam trên 18 tuổi bắt buộc phải đi bộ đội một năm và được huấn luyện một cách chính quy, và có thể tác chiến bất cứ lúc nào nếu có chiến tranh”. Anh hứng chí nói tiếp: “Hiện nay Phần Lan có một nền giáo dục tuyệt vời. Đầu tư cho khoa học công nghệ luôn là ưu tiên của chúng tôi. Chính vì thế mà chúng tôi có một nền kinh tế vững mạnh và đã hiện đại hóa trang bị quốc phòng. Hơn nữa, chúng tôi có các mối quan hệ quốc tế tin cậy. Chúng tôi không những không sợ kẻ thù (trước đây – NV) của chúng tôi mà còn đang thu hút chất xám của họ nữa!”

Tóm lại, kinh nghiệm Phần Lan cho thấy chúng ta nên khép lại quá khứ (không có nghĩa là quên hẳn), dù đau thương hay huy hoàng! Vấn đề quan trọng là những kết quả mà chúng ta đang có ở hiện tại là gì. Dân tộc của những đất nước có điều kiện thuận lợi hơn Phần Lan phải nghĩ sao nếu đất nước họ không được như Phần Lan sau 40 năm hay sau 65 năm ra khỏi chiến tranh? Chắc có lẽ dân tộc của những nước này phải tỉnh giấc! Phải phát triển giáo dục và khoa học công nghệ với phương châm làm thật, không làm giả, không làm hời hợt, không nên làm theo kiểu phong trào, mà phải làm theo chuẩn mực quốc tế, nếu thực sự muốn xây dựng một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Nguồn: TS. Lê Văn Út (Phần Lan)

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo