Góc nhìn

Phải chăng ‘Lò’ của ông Trọng đã tắt hẳn?

Cập nhật lúc 01-12-2017 11:01:39 (GMT+1)

 

Có khá nhiều dấu hiệu và biểu hiện để chẳng quá võ đoán khi cho rằng “lò chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng – người được vài ba văn sĩ cận thần xưng tụng là “Minh quân” và “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” – đang nguội đi rất nhanh và quá khó để hun nóng trở lại.


Ngày 29/11/2017, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiến hành cuộc tiếp xúc cử tri thường lệ sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Việt Nam. Tại đây, những khẩu hiệu cũ được ông Trọng tiếp tục hô: “Lò đã nóng lên rồi thì tất cả phải vào cuộc”, “Không để các vụ tham nhũng chìm xuồng”…

Thế nhưng ông Trọng đang khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” có thể một lần nữa vỡ tim vì thất vọng. Triết lý mới nhất vào ngày 29/11 của ông Trọng là: “xử lý là để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải kỷ luật nhiều mới là tốt. Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa”.

Nếu so sánh “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” – một phát ngôn cảm xúc cao độ của ông Trọng vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú”, với “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm” – những phát ngôn của Tổng bí thư Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6, cho đến “Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa” gần đây nhất, thì khẩu khí lúc này của ông Trọng đã xuống dốc ghê gớm.

Trong suốt 7 ngày họp Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017, ngoài vụ “diệt ruồi” duy nhất đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, người ta hoàn toàn không thấy ông Trọng nói gì về vụ ông Đinh La Thăng. Dù trước Hội nghị trung ương 6 vài tuần lễ, khi phiên tòa xử Hà Văn Thắm kết thúc với án chung thân cho nhân vật này, Hội đồng xét xử còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) vào Ngân hàng Đại Dương để sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Cũng đã lộ ra một văn bản chứng minh rõ sự chỉ đạo của Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN về yêu cầu các đơn vị thành viên mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng Đại Dương. Thậm chí khi đó đã dậy lên một luồng đồn đoán về khả năng Đinh La Thăng có thể bị Bộ Công an bắt trước Hội nghị trung ương 6…

Một ngày sau Hội nghị trung ương 6, trước nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành và nhiều cử tri Hà Nội hỏi tại sao cho đến lúc đó Thanh tra chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bá, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì “không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được, Bác Hồ dạy cốt để cán bộ sửa sai, để tiến bộ trưởng thành…”.

Cần đối chiếu với quá khứ gần để nhận ra thực chất hiện tại và tương lai. Vào tháng Sáu năm 2017, khi quyết tâm “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh” đã dường như bị tụt xuống mức thật thấp, thấp đến mức vô vọng, tâm thế của ông Trọng cũng trở nên “hiền hòa” một cách bất ngờ. Ngày 23/6/2017, trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, ông Trọng có một phát biểu “lạ”: “Đối với Trịnh Xuân Thanh đã khai trừ đảng và khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” – một cách nói rất dễ khiến dư luận hiểu rằng ông đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong quyết tâm trước đó “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”.

Từ sau Hội nghị trung ương 6, nhiều dư luận xã hội đã đặt một dấu hỏi lớn về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị nào đó từ ngay trước hội nghị này, để khi vụ việc Đinh La Thăng “êm” thì những vụ tày trời khác như Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng Bộ Y tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà… cũng được cho “chìm xuồng”…

Với phát ngôn mới nhất của Nguyễn Phú Trọng “xử lý là để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải kỷ luật nhiều mới là tốt. Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa”, sự nghiệp “chống tham nhũng” của ông Trọng đã một lần nữa lộ rõ hình thể “đầu voi đuôi chuột”, để nếu có xử lý một số quan chức nào đó thì cũng đậm màu “chống tham nhũng một phe”.
 
Nguồn: Thiền Lâm/Cali Today

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo