Góc nhìn

Ông Trọng bắt đầu lo sợ nạn cát cứ quyền lực và sứ quân?

Cập nhật lúc 31-01-2018 08:23:45 (GMT+1)
Lần đầu tiên sau 6 năm ngồi ghế Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng không còn quá che giấu khi phải đề cập một cách đầy lo ngại

 

Lần đầu tiên sau 6 năm ngồi ghế Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng không còn quá che giấu khi phải đề cập một cách đầy lo ngại về chủ đề “kiểm soát quyền lực” - vấn đề mà trước đây được xem là “hết sức nhạy cảm” và giới quan chức cao cấp thường rất tránh né đề cập.


Nguy cơ lớn nhất

Bối cảnh thể hiện sự đề cập về “kiểm soát quyền lực” của ông Trọng là tại “Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng” ngày 19/1/2018, do một trong “bộ tứ quyền lực mới” của thể chế chính trị Việt Nam là ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức trung ương, chủ trì.

“Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?… Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành tổ chức xây dựng đảng trong việc này thế nào?” - báo đảng dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị trên.

Mặc dù từ trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào cuối năm 2015 cho đến nay, Ban bí thư đã được Tổng bí thư Trọng chỉ đạo ban hành khá nhiều văn bản quy định liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là “tiêu chí lãnh đạo” và “luân chuyển cán bộ”, nhưng một lỗ hổng quá lớn có thể khiến biến mất quyền trung ương tập quyền mà ông Trọng đang hướng tới và như sự thừa nhận công khai của ông Trọng - là “chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực”.

Thực ra, “phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực” là một chủ đề mà một cận thần của Tổng bí thư Trọng - ông Vũ Ngọc Hoàng - cựu phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - đã đặt ra suốt từ trước đại hội 12 cho đến giờ. Vào lúc đó, tình trạng sứ quân ở các địa phương đã manh nha nổi lên, với biểu hiện chủ yếu là các nhóm lợi ích và kéo theo một số quyền lực chính trị theo kiểu “lãnh chúa”. Hệ quả mà ông Vũ Ngọc Hoàng thật sự lo lắng là đảng sẽ mất quyền lãnh đạo và “đất nước sẽ đi về đâu” nếu để cho các sứ quân này tự tung tự tác.

Cũng khi đó, đã bắt đầu rộ lên phong trào “đánh nhau lớn” ở Yên Bái, Thanh Hóa, Đà Nẵng và “đánh nhau nhỏ” ở nhiều tỉnh thành khác. Cũng vào thời gian cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không phải là nạn tham nhũng hoành hành từ Bắc chí Nam, “thế lực thù địch” hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.

Đến năm 2017, Nhị Lê - Phó tổng bí tập Tạp chí Cộng sản và cũng là một trong những cận thần của ông Trọng - đã công khai nói đến tình trạng “hàng trăm sứ quân ở Việt Nam”.

Kể từ sau đại hội 12 đến nay, bất chấp việc Tổng bí thư Trọng đã phần nào “trấn” được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông này, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương không những không giảm mà còn tăng lên. Những bóng ma mới đang mau chóng thay thế những bóng ma cũ. Ở nhiều địa phương, mỗi bí thư tỉnh hay chủ tịch tỉnh, hoặc cả hai, đã trở thành những ông vua không ngai. Khái niệm “vua tập thể” mà cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An ví von trước đây 10 năm đã trở nên quá lạc hậu. Giờ đây, quyền hành và lợi ích nhóm không còn là đặc quyền của cấp bộ chính trị mà còn ăn sâu xuống các ủy viên trung ương là người đứng đầu tỉnh thành.

Theo đà tiến công liên tục để thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm quyền lực và lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực và lợi ích cũ, cùng não trạng “kiêu ngạo cộng sản thời kỳ cuối” dẫn đến nạn kiêu binh trở về thời phong kiến dã man, một tương lai rất có thể xảy đến là sẽ xuất hiện những “lãnh chúa” tham vọng và liều lĩnh nhất khi nghĩ đến việc tự trang bị cho địa phương mình một “lực lượng vũ trang riêng”, bao gồm vừa công an vừa quân đội. Vào năm 2017, hiện tượng một số trạm thu phí BOT huy động lực lượng cảnh sát cơ động có cả súng ống như một cách khủng bố tinh thần lẫn trấn áp cánh lái xe phản đối tình trạng lạm thu là một minh họa điển hình cho những dấu hiệu bắt đầu manh nha “lực lượng vũ trang riêng” ở một số tỉnh thành.

Tuy nhiên, chính Tổng bí thư Trọng lại đã đóng góp một phần không nhỏ vào nạn hình thành và tung tác sứ quân ở các địa phương. Đó là một chủ trương mà có thể phóng tác thành cái tên “nhất thể hóa 3 thành 1”.

Biến thái của “nhất thể hóa 3 thành 1”

Hội Nghị Trung Ương 6 của đảng cầm quyền diễn ra vào nửa đầu tháng Mười năm 2017 đã xoáy mạnh vào chủ trương “nhất thể hóa.” Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, chủ đề “nhất thể hóa” được đảng chi tiết hóa một cách ráo riết.

Theo đó, “nhất thể hóa” theo cách “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân” - một dạng “chính ủy chuyên quyền 3 thành 1” - sẽ không chỉ dừng ở cấp xã, huyện mà còn được phát triển lên thẳng cấp tỉnh thành. Nếu trước đây ở một số tỉnh thành còn thí điểm cơ chế bí thư tỉnh kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, nhưng cơ cấu quyền lực vẫn còn phân nhánh theo phương thức “nhị quyền phân lập” - tức bí thư tỉnh và chủ tịch tỉnh là hai nhân sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau, thì nếu thực hiện cơ chế “3 thành 1,” các “chính ủy” sẽ “quyết” hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế - xã hội, và cả những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không có chuyện “chính ủy” phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia.

Một cách chính xác và rất có thể là chính thức, chủ trương “nhất thể hóa 3 thành 1” sẽ làm biến mất vai trò của tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp, kể cả cấp Quốc hội. Hội đồng nhân dân và Quốc hội - trong dĩ vãng vốn bị người dân xem là “cánh tay nối dài của đảng” và “vô tích sự” với một thao tác duy nhất là “gật theo đảng”, thậm chí sẽ không còn cơ hội để “gật” nữa. Sẽ có nhiều vấn đề mà một khi giới “chính ủy” do đảng bố nhiệm vào những vị trí then chốt của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ quốc hội, khi đảng thông qua sẽ được triển khai luôn mà chẳng cần đến cơ chế “bấm nút thông qua” tại Hội đồng nhân dân hay Quốc hội, dù chỉ cho có.

Nhưng một xung đột rất lớn chính trong “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” là chỉ sau khi tung ra chủ trương “nhất thể hóa”, ông Trọng mới chợt nhận ra là đáng lẽ trước đó ông ta phải có được một cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát quyền lực, không để tản quyền biến thành cát cứ mà sẽ khiến định hướng cơ chế trung ương tập quyền của ông ta có nguy cơ bong bóng.

Còn giờ đây, “nhất thể hóa” đang đi vào quỹ đạo thực hiện và nhiều nhân sự cao cấp đang nhấp nhổm để tranh giành chiếm ghế của nhau, trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực vẫn chẳng thấy đâu.

Chẳng mấy chốc, ông Trọng sẽ phải chứng kiến những “đồng chí ưu tú” mà ông đã luân chuyển và ưu ái cho nắm vị trí “3 thành 1” biến thái và trở thành những lãnh chúa địa phương, tạo ra một nhóm lợi ích riêng và tích tụ cả quyền lực riêng, để chỉ ngày trước ngày sau là sẽ quên phắt cái đảng “còn đảng thì còn mình”, cũng quên luôn cả ai đã bổ nhiệm họ, theo một tư duy không thể thức thời hơn: không phải đảng, mà tiền mới mua được tất cả.

Nguồn: Phạm Chí Dũng/Blog VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo