Góc nhìn

Nhà báo và Facebooker

Cập nhật lúc 08-12-2018 08:47:25 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Do cách vận hành Facebook, hiện tại có quá nhiều tin giả, tin sai sự thật, cho nên, tất yếu đến một ngày không xa, Facebook với tư cách một kênh thông tin sẽ chết, có thể nó biến tướng đến dạng mạng xã hội giải trí thuần túy, hoặc nơi vận hành các nhóm kín. Việc cạnh tranh giữa Facebook và báo điện tử được đặt ra là một việc quá lo xa.


Có tình trạng một số Facebooker tự nhận là “nhà báo”; một số Facebooker khác lại được gọi là “nhà báo” vì các status của họ trên Facebook. Vậy các Facebooker khác hay giống với nhà báo truyền thống và ở điểm nào?

Từ khi Facebook xuất hiện, khái niệm báo chí được mở rộng dù trước đó báo điện tử đã làm thay đổi sâu sắc báo chí in truyền thống; in ấn, phát hành cũng thay đổi. Hành nghề viết lách, truyền tin, chia sẻ thông tin được cá nhân hóa.

Tôi biết nhiều nhà báo, nhà văn có tài khoản Facebook; họ hiểu sâu sắc sự khác nhau giữa Facebooker và các nhà văn, nhà báo truyền thống.

Sản phẩm của các Facebooker có thể là dạng tổng hợp cả của văn lẫn báo, nó còn mở rộng hết tầm, bao trùm những nội dung của các mạng tán gẫu (chat) trước đây.

Các sản phẩm của Facebooker có thể bao gồm tất cả những thể loại văn chương, báo chí và thâm chí là những thể loại vượt thoát ra các phạm vi đó. Họ trao đổi, ta thán, tự sự, chửi bới, cười cợt, hư cấu, hay truyền tin một cách nghiêm túc…  Tóm lại là các facebooker xuất hiện như một dạng đại diện ảo của cá nhân con người facebooker.

Facebooker tồn tại trên Facebook thực chất là một người ảo trong cuộc sống ảo; thực tại ấy giống một phiên chợ mọi người cùng có thể nói bất cứ cái gì, bằng tất cả hình thức biểu hiện, không cần chờ đợi thứ tự.

Như vậy, Facebook có chức năng giải trí, chia sẻ lớn hơn so với báo chí. Về mặt trách nhiệm với sản phẩm, facebooker tự chịu trách nhiệm cá nhân với xã hội, tương tự các nhà văn, những người chịu trách nhiệm cá nhân với tác phẩm của mình; trong khi các nhà báo phải chịu trách nhiệm trước hết với tòa soạn vì đăng bài báo có phần trách nhiệm của tòa soạn.

Trong tình hình hiện nay, ai cũng có thể trở thành Facebooker nhưng không phải ai cũng có thể trở thành nhà văn, nhà báo do các nhà văn viết tác phẩm truyền thống, phải qua khâu thẩm định in ấn, thỏa mãn thị trường, cũng như các nhà báo còn có tòa soạn thẩm định bài báo.

Xét về quan niệm thông thường, các Facebooker không phải là một nhà báo theo cách hiểu truyền thống, nhưng nhà báo hoàn toàn có thể viết status để là một Facebooker. Facebooker có thể là kẻ nặc danh chỉ có người quản lý của Công ty Facebook “tóm” được, nhưng nhà báo với tòa soạn của anh ta thì  tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật.

Facebooker có thể nói những chuyện xấu xa, bị cấm, nhưng về nguyên tắc nhà báo không thể hành động ngoài pháp luật. Facebooker tự do hơn rất nhiều so với nhà báo.

Đến đây, có thể trả lời câu hỏi đặt ra: Tại sao phải phân biệt nhà báo với Facebooker? Để tránh tình trạng nhập nhằng, mỗi người viết Facebook đều ngộ nhận mình là nhà báo, và ngay cả nhà quản lý cũng dùng các luật lệ báo chí để ràng buộc, hoặc yêu cầu người viết Facebook phải tuân theo.

Khi không phân biệt các Facebooker và các nhà báo có thể khiến cho hoạt động của các báo chí điện tử và mạng xã hội lâm vào tình  hình khó kiểm soát, khó phân xử, dẫn tới hệ lụy rất khó lường, tạo ra phản ứng thái quá trên mạng xã hội.

Một ví dụ: một nhà báo viết trên Facebook ý kiến cá nhân phê bình một tờ báo, sau đó tờ báo đó gửi công văn đến tổ chức nhà báo để yêu cầu kỷ luật với lý do vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Ở đây cần rạch ròi các vấn đề luật lệ. Nếu tổ chức nhà báo có quy định nhà báo phải viết Facebook như thế nào, nếu vi phạm thì xử lý theo nội quy. Nếu tổ chức nhà báo chưa có quy định đó, thì người viết facebook chỉ tuân thủ luật pháp, họ hoàn toàn có quyền bày tỏ chính kiến, không vu cáo, không nói sai sự thật, không làm tổn hại an ninh quốc gia… tức là không vi phạm bất kỳ luật nào mà nước ta đã có đủ luật điều chỉnh hành vi của công dân.

Hiện nay, tổ chức nhà báo quan niệm việc viết Facebook cũng là hoạt động báo chí thì không thỏa đáng. Không thể quy một người đứng giữa chợ hét một tiếng, hoặc nói lảm nhảm là nhà báo, trong khi đó, trên Facebook nhan nhản hiện tượng đó.

Do vậy, cần quan niệm Facebook cũng như các mạng xã hội là các diễn đàn. Các nhà xã hội học, những người làm công tác chuyên môn về xã hội có thể thấy các diễn đàn ấy hữu ích vì nó mở rộng việc cung cấp thông tin cá nhân. Đó là một kênh thông tin bổ sung cho báo chí truyền thống và hoàn toàn không phải là báo chí với chức năng tuyên truyền và khai phóng.

Mạng xã hội chỉ có tuyên truyền, về mặt nào đó, nó quay lại cách vận hành đưa thông tin cách đây hàng trăm năm như các tuyền đơn nặc danh. Về mặt này, Twitter hữu ích hơn Facebook vì nó quy định số chữ, viết ngắn.

Các Tổng thống Mỹ từ Obama đến Trump đều lợi dụng mạng xã hội để phục vụ mục tiêu chính trị. Obama vận động bầu cử thắng lợi nhờ mạng xã hội. Trump thường thăm dò dư luận, đưa ra các ý đồ mới trên các Twitt. Có thể một câu nói, lập tức chứng khoán tăng hay giảm điểm, thị trường thế giới biến đổi hàng tỷ đô la. Sử dụng mạng xã hội làm cho nó có ích hay vô ích là tùy vào sự quản  lý mà thôi.

Do cách vận hành Facebook, hiện tại có quá nhiều tin giả, tin sai sự thật, cho nên, tất yếu đến một ngày không xa, Facebook với tư cách một kênh thông tin sẽ chết, có thể nó biến tướng đến dạng mạng xã hội giải trí thuần túy, hoặc nơi vận hành các nhóm kín. Việc cạnh tranh giữa Facebook và báo điện tử được đặt ra là một việc quá lo xa.

Thế hệ những người đang sống, tuổi khoảng U50 chứng kiến những sự kiện lịch sử truyền tin. Tôi còn nhớ cái máy nhắn tin nhỏ, dày bằng 2 hộp bao diêm, khi nhắn tin thì gọi vào tổng đài, người nhận đeo máy kêu tit tit, chỉ đọc mà thôi.

Rồi đến thế hệ điện thoại màn hình bé xíu, nhắn tin chỉ 16 ký tự. Khi đó, bắt đầu có mạng xã hội, tiên phong là Yahoo. Chat Yahoo nở rộ, cho đến khi Chat Yahoo chết, thì bắt đầu có blog, rồi có các trang web riêng…

Ngày nay, mạng xã hội và Internet là một phần tất yếu của cuộc sống. Nếu không có Google, không có Facebook, Twitter, thì xã hội hiện đại còn gì? Để thấy mạng xã hội và Internet là một tiến bộ tất yếu, nó đang tác động mạnh vào hoạt động báo chí hiện đại, nhưng đó chưa hẳn là báo chí với định nghĩa truyền thống về báo chí. 

Nguồn: Xuân Hưng/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo