Góc nhìn

Lở đất Trung Quốc: Cái giá của phát triển quá nóng?

Cập nhật lúc 15-08-2010 15:20:38 (GMT+1)

 

Một số nhà quan sát cho rằng, thảm hoạ tự nhiên trở nên trầm trọng hơn chính vì những nỗ lực quá mức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt bậc ở những khu vực kém phát triển hơn của Trung Quốc.


Các nhân viên cứu hộ ở phía tây bắc Trung Quốc đang tiếp tục tìm kiếm người sống sót ở những vùng xa xôi thuộc huyện Chu Khúc - nơi bị nhấn chìm vì trận lở đất lớn ngày 8/8.

Số người thiệt mạng trong thảm hoạ đã tăng hơn 700 người với khoảng 1.148 người mất tích khi mưa lớn đã tạo thành những dòng bùn đất chôn vùi hoặc làm sập nhiều nhà cửa. Theo Bộ Dân sự Trung Quốc, lụt lội trong tháng qua đã cướp đi tính mạng của 1.454 người khác cùng 600 người mất tích. Đây là nạn lụt tồi tệ nhất xảy ra ở nước này trong hơn một thập niên.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo - người thường xuyên hiện diện tại những khu vực xảy ra thảm hoạ tự nhiên, đã có nhiều chuyến đi khắp Trung Quốc trong tháng qua, gần đây nhất là đến Chu Khúc. Ông đã thúc giục lực lượng cứu hộ làm tất cả những gì có thể để tìm kiếm người sống sót trong những giờ khắc quyết định sau khi thảm hoạ xảy ra. "Với những người bị chôn vùi trong đống đổ nát, đây là thời khắc quyết định để cứu sống họ", hãng Tân hoa xã dẫn lời ông nói với quan chức địa phương.

Thậm chí khi hoạt động cứu hộ đang tiến hành gấp rút, thì không ít người Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi tại sao nước họ lại hứng chịu những thảm hoạ tự nhiên tồi tệ đến vậy trong mùa hè này? Nguyên nhân trực tiếp ấy là lượng mưa kỷ lục. Quan chức Trung Quốc còn đổ lỗi cho cấu tạo đất xốp và tình trạng thiếu thảm thực vật ở tỉnh Cam Túc khô cằn cũng như những hậu quả rơi rớt lại sau trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 đối với độ ổn định của các sườn núi, sườn đồi.

Nhưng một số nhà quan sát lại cho rằng, thảm hoạ tự nhiên trở nên trầm trọng hơn chính vì những nỗ lực quá mức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt bậc ở những khu vực kém phát triển hơn của Trung Quốc. Miền tây Trung Quốc là mục tiêu của một chiến dịch "cân bằng mức độ phát triển" với các khu vực duyên hải của nước này. Giờ đây, tại Trung Quốc nhiều học giả nhà nghiên cứu đã kêu gọi việc kiểm tra khảo sát những ảnh hưởng từ phát triển.

"Tôi hy vọng điều này sẽ dẫn tới việc xem xét lại chính sách quốc gia, để cố gắng ngăn chặn một miền tây phát triển bùng nổ trở thành một cái hố khổng lồ miền tây", Mã Quân, giám đốc Học viện nghiên cứu Các vấn đề công cộng và môi trường tại Bắc Kinh cho biết. "Tôi nghĩ chúng ta nên công nhận hệ sinh thái mỏng manh ở miền tây Trung Quốc thế nào và sau đó cần thay đổi chính sách".

Thảm hoạ tự nhiên trở nên trầm trọng hơn chính vì những nỗ lực quá mức thúc đẩy tăng

Trở lại những gì xảy ra năm 1998, sau nạn lụt tồi tệ làm khoảng 4.000 người thiệt mạng, để đối phó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu xây dựng những công trình kỹ thuật kiểm soát lũ lụt lớn hơn, đặc biệt là dọc sông Dương Tử - nơi có một số tuyến đê xung yếu. Nhằm hạn chế xói mòn, chính phủ Trung Quốc trả tiền cho nông dân để họ từ bỏ những mảnh đất ở các sườn dốc, sườn đồi và cấm khai thác gỗ ở những rừng nguyên sinh. Theo ông Mã, tất cả những biện pháp này đã góp phần làm giảm độ suy thoái môi trường.

Nhưng khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, tăng gấp năm lần từ 1998 đến 2009 - những nguy cơ tự nhiên với các hệ thống sông đã thay đổi. "Giờ đây, người ta thấy hàng loạt công trình lớn xuất hiện trong khu vực như dự án đập thuỷ điện hay khai thác mỏ", Mã Quân nhấn mạnh. "Những dự án này là nguyên nhân gây ra một chu kỳ phá huỷ mới ở các khu vực đồi núi với mức độ ngày một lớn".

Một nghiên cứu năm 2006 của các học giả Đại học Lan Châu tại thủ phủ của tỉnh Cam Túc cho thấy, 50 năm với các hoạt động của con người gồm làm nông, đốn gỗ, khai mỏ, xây dựng đường sá, xây dựng đập thuỷ điện... đồng nghĩa với việc "những bất ổn ở sườn dốc, tuyết lở, đất lở, dòng bùn đất ngày càng trở nên thường xuyên hơn". Theo một báo cáo tháng 2/2009 của Văn phòng Khoa học và Công nghệ Chu Khúc, huyện này đã có 5 nhà máy thuỷ điện và lên kế hoạch xây thêm 6 nhà máy khác trong hai năm tới, nâng tổng sản lượng điện tăng gấp ba lần.

"Các khu vực miền tây như Cam Túc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong vài năm gần đây", Tô Dương, giáo sư thủy học Đại học Hồ Hải ở Nam Kinh cho biết. "Cùng lúc đó, các chính quyền địa phương không đặt nặng vào trọng tâm bảo vệ môi trường. Đó là một phần giải thích vì sao lở đất trở nên thường xuyên hơn trong thời gian gần đây. Kể cả khi chính phủ trung ương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường, thì chính quyền địa phương vẫn thường xuyên phớt lờ vấn đề này vì nó không sản sinh nhiều lợi nhuận".

Có nhiều học giả ở khắp Trung Quốc đưa ra những tuyên bố tương tự trong mùa hè này. Trung Quốc đã hứng chịu nhiều tai nạn công nghiệp và môi trường, trong đó có vụ tràn dầu kỷ lục tại cảng Đại Liên từ giữa tháng 7. Vụ việc mà giáo sư Richard Steiner của Đại học Alaska ước tính lớn hơn 40 lần so với báo cáo chính thức là khoảng 1.500 tấn. Ngày 28/7, một vụ nổ ở nhà máy nhựa tại Nam Kinh đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng. Cùng ngày, các công nhân đã phải vật lộn để thu hồi hàng nghìn thùng hoá chất bị nước lụt cuốn trôi xuống sông Tùng Hoa ở phía đông bắc Trung Quốc. Cũng trong tuần đó, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc thông báo, chất lượng không khí tại nước này đã sụt giảm trong nửa đầu năm nay.

Các nhà hoạt động môi trường hy vọng rằng, giống như năm 1998, khi Trung Quốc chứng kiến nạn lụt lịch sử, sức tàn phá của thảm họa tự nhiên sẽ là lý do khiến nước này phải xem xét lại cái giá của sự phát triển hay mở rộng ngoài tầm kiểm soát.

Thụy Phương (Theo TIME/TVN)

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo