Góc nhìn

Liều thuốc Việt Nam cho căn bệnh Hy Lạp

Cập nhật lúc 16-03-2012 17:21:39 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Lâu nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới và cả của Việt Nam cùng dư luận khắp nơi liên tục đưa tin, bàn tán về Hy Lạp, cái quốc gia ở vùng Nam Âu là thành viên của Liên minh châu Âu.


Ai bây giờ cũng biết rằng Hy Lạp đang rên xiết bởi món nợ công khổng lồ và thậm chí có thể khả năng phá sản của quốc gia này chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mới đây có người, mà theo nguồn tin riêng của giới báo chí cộng đồng thì là nhân vật có trách nhiệm, xưng danh cựu sinh viên Ngoại giao, viết bài trên báo Xa Xứ về một đề tài nào đó và có vận dụng câu chuyện ngụ ngôn về các thầy bói mù xem voi. Thấy cũng hay hay nên nay thử áp dụng phương pháp phân tích vấn đề của mấy ông thầy bói mù để xem cái „vận hạn“ mà Hy Lạp đang dính xem sao.

Bởi vì có người nhà lập gia đình và sinh sống ở Athens, nên người viết bài này cũng có điều kiện nhiều lần lân la đến cái xứ sở ấy. Thú thật là nó có rất chi là nhiều điểm hơi hơi tương đối giống với Việt Nam, từ phong cảnh thiên nhên, tác phong làm việc của con người, nhất là kiểu kinh doanh buôn bán chợ búa…

Nhưng nếu như cứ theo cách nhìn của các thông tấn viên nhiều phương tiện truyền thông ở tận Việt Nam, thì có lẽ phải hình dung ra Hy Lạp đang hoảng loạn đến thế nào, bất ổn ra sao và người dân cái đất nước ấy đang cuống cuồng lo sợ cho tương lai tới mức độ nào…Thế nhưng như đã nói, là bởi vì cũng có rất nhiều dịp lang thang ở đấy, nên mặc dù có kể như kiểu thầy bói mù xem voi, mình cũng thấy thực tế không tới mức như người ta vẫn miêu tả, mặc dù sự căng thẳng trong xã hội cảm nhận được trong tất cả mọi khía cạnh.

Năm ngoái, khi còn đang ở Hà Nội, nhớ có lần chăm chỉ giúp mẹ mang rác đi đổ, lúc về thấy cái thùng đựng rác là cái xô nhựa cũng méo mó xứt xẹo, nên mình tiện tay để luôn ngoài cửa. Đến lúc hỏi mới biết vậy, bà cụ cuống quít chạy ra mang vào nhà và giải thích, rằng như thế thì có khác gì „xe đạp không khoá để ngay Bờ Hồ“. Ôi, mỗi cái thùng đựng rác méo mó thì ai thèm lấy mà làm gì, tôi nghĩ vậy. Thế nhưng đúng là ở ta nó như thế đấy. Không cánh mà bay ngay, kể cả những thứ hầu như chẳng đáng giá gì.

Lần đầu tiên đặt chân đến Hy Lạp- xin lưu ý, rằng không phải là tới những nơi trung tâm du lịch, mà nó đầy rẫy khắp mọi nơi của cái quốc gia với nguồn thu nhập quốc dân dựa rất nhiều vào du lịch ấy đâu- mà là toàn ở những nơi tuyệt đại đa số là dân bản xứ thôi, mình lang thang ra bãi biển vào buổi chiều tà. Cẩn tắc vô áy náy, hành lí tư trang được mình bảo vệ rất chi là cẩn thận, đậy điệm tử tế và mắt luôn để ý theo dõi. Thế nhưng sau một hồi tĩnh tâm, nhìn xung quanh thấy thổ dẫn Hy Lạp hết sức cẩu thả hớ hênh. Ví tiền, chìa khoá xe thậm chí cả những chiếc điện thoại di động „khủng“ thấy lăn lóc đó mà các chủ nhân của chúng chẳng thấy đâu. Họ vẫn đang mải mê đùa giỡn với sóng biển hay vui đùa trên bãi cát. Vô tư lự như những đứa trẻ…Từ đấy, cái Nokia cổ lỗ sĩ với chiếc máy ảnh kỹ thuật số thời „Napoleon cởi truồng“ của mình không còn phải bị giấu kỹ dưới đáy túi nữa…Mà lạ, dân Hy Lạp có cái thói quen, ví dụ như khi dừng ô tô xe máy để chạy nhảo vào ví dụ cửa hàng chẳng hạn để mua cái gì đó, nhiều người họ vẫn cứ để nguyên chìa khoá trong ổ điện chẳng thèm mang theo, kể cả những con xế mà nếu mang về Việt Nam cũng bán được tiền tỉ.

Gã đàn ông Hy Lạp, mà theo tiếng Việt thì gọi là em đồng hao của tôi, có cái khách sạn mà xin cứ gọi nôm na là nhà nghỉ bình dân. Sang Hy Lạp bao giờ mình cũng chiếm một phòng ở đó, bởi nếu rủng rỉnh thì thanh toán tiền phòng, còn nếu không thì quên luôn. Sáng sáng, khi khách còn đang yên giấc nồng, bao giờ cũng thấy mấy người phục vụ đã dậy để xếp bàn ghế ra vỉa hè làm chỗ của cái quán cà phê giải khát hoạt động từ trưa đến tận đêm. Mình hay giúp họ một tay, cũng là một trong những cố gắng để thặt chặt tình hữu nghị. Sáng hôm ấy, như mọi khi, mặc dù chưa thấy ai làm nhưng mình cứ tự tiện vác bàn ghế kê ra vỉa hè, một cô nhân viên chạy ra líu lo xua tay. Chẳng hiểu gì, nên mình cứ tiếp tục sự nghiệp. Điện thoại trong túi quần rung chuông, giọng cô em vợ khê nồng vì ngái ngủ: „David ơi, dừng tay đi, hôm nay đến chiều mới mở cửa, tý nữa có biểu tình,“ rồi thị cúp máy. Sau mới biết, là quãng phố ấy sẽ có cuộc tuần hành của những người dân bất bình biểu tình chống chính sách hà khắc của chính phủ diễu qua. Vì thế cho nên, trong thời gian mà những người tổ chức đã đăng ký, tất cả những đường phố mà đoàn biểu tình đi qua sẽ cấm hết xe qua lại và mọi hoạt động có chiếm dụng vỉa hè đều phải tạm dừng. Và trong thời gian qua, những cuộc biểu tình tuần hành như vậy diễn ra thường xuyên ở Hy Lạp.

Đang mải loay hoay lấy góc độ cho vài kiểu ảnh chụp đoàn biểu tình, một bàn tay đặt lên vai tôi kéo lại. Đứng phía sau là cô cảnh sát. „Thôi, chắc về bót Hàng Trống rồi,“ trong đầu vọt ra ý nghĩ như thế và nhướng mắt có ý hỏi cô cảnh sát. Thị cười tươi  ra hiệu chỉ xuống dưới. Chút nữa tôi sa chân vào vũng nước bên lề đường. „Thanh kiu,“ tôi lí nhí. Nàng lại cười và tiếp tục đi áp tải theo đoàn người biểu tình.

Và chuyện về những cuộc biểu tình tuần hành đã và sẽ còn diễn ra tại Hy Lạp được thiên hạ nói đến nhiều nhất. Đơn giản là thế này; bao lâu nay Hy Lạp đã sống theo kiểu „bóc ngắn cắn dài“ và bây giờ hậu quả của nó bộc lộ. Song theo những gì mà tôi cảm nhận được, mặc dù chỉ theo kiểu „thầy bói mù xem voi“, thì với dân chúng Hy Lạp, đó là chuyện quốc gia đại sự, mà các ông „ở trên“ phải lo, bởi đẩy đất nước vào cảnh nợ nần thì có ai khác ngoài những người lãnh đạo. Họ ý thức được tình thế khó khăn, chủ yếu là vấn đề tài chính kinh tế liên quan trực tiếp tới gia đình và bản thân. Nhưng chế độ an sinh xã hội hào phóng mà người dân Hy Lạp được hưởng bao lâu nay, giờ bị hạn chế và thậm chí nhiều thứ bị xoá bỏ, thực chẳng dễ chịu chút nào. Và với nhiều người quả là khó chấp nhận. Nhưng nếu nói là xã hội đang bao trùm tâm lí tuyệt vọng thì quả là quá lời, mặc dù đúng thật tâm lí căng thẳng là có, người dân tiết kiệm chi tiêu hơn và biểu hiện tằn tiện rõ rệt hơn ở mọi nơi mọi chố. Khủng hoảng nợ quốc gia đe doạ trực tiếp khu vực công, còn khu vực tư nhân, nhất là thành phần kinh doanh tự do, họ quá hiểu rõ tình thế, nên chuyện làm ăn buôn bán khó khăn hiện nay, không chỉ là chuyện của riêng Hy Lạp, mà điều đó chắc cả những người Việt làm ăn buôn bán tại Séc cũng quá hiểu, chỉ có điều tại Hy Lạp thì hậu quả có phức tạp hơn.

Tuyệt đại đa số những người Hy Lạp mà tôi tiếp xúc, đều phê phán những cuộc biểu tình có xung đột bạo lực xảy ra, mà chủ yếu ở thủ đô Athens. Người dân Hy Lạp có ý thức đều đánh giá và biết, rằng chuyện xung đột xảy ra là có tổ chức của những nhóm phá phách mà không thể liệt vào khu vực đối tượng nào. Những nhóm này chỉ tận dụng cơ hội trà trộn trong tâm lí bất bình của những người biểu tình để hành động cướp bóc, phá phách. Thậm chí, trước những cuộc biểu tình như vậy đã có người tới các cơ sở kinh doanh buôn bán đặt vấn đề, là nếu không chịu biết điều đóng góp thì bom xăng sẽ bay vào cửa hàng. Giới kinh doanh và đa số dân Hy Lạp đều khẳng định và muốn là cảnh sát cần mạnh tay, cứng rắn hơn nữa khi trấn áp những hành vi phá hoại ăn ám theo các cuộc biểu tình. Thế nhưng hỡi ôi, Hy Lạp không phải là Việt Nam, nơi mà các quân binh chủng có thể dễ dàng phối hợp tác chiến trong một thế trận tuyệt vời đẹp, hay hơn cả các giáo trình quân sự, mang xe ủi đến san phẳng nhà của nghi phạm hình sự rồi lớn tiếng khẳng định „dân bức xúc họ làm“. Cảnh sát Hy Lạp rất „run tay“ khi can thiệp vào những cuộc „nổi dậy“ như vậy của dân chúng. Cơn ác mộng vẫn ám ảnh họ về vụ cách đây hơn ba năm, khi cảnh sát Hy Lạp đã vô tình bắn chết một thiếu niên 15 tuổi buồn tình giải sầu bằng cách ném bom xăng vào cảnh sát. Dạo đó Hy Lạp gần như đã xảy ra đảo chính vì chuyện đó. Giờ cảnh sát Hy Lạp cứ „hiền như ma- xơ“. Nhìn những vết đạn súng tiểu liên găm vào tường nhà của gã Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, mới thấy là cái bọn dân Hy Lạp họ nhờn quen rồi. Hồi tháng 7 năm ngoái, hình ảnh viên cảnh sát dùng dùi cui vụt một người biểu tình máu me đầy mặt được phát liên hồi kỳ trận trên tất cả các kênh truyền hình và trở thanh đoạn minh hoạ cho tất cả bất kỳ dòng tin nào nói về biểu tình.

Thế nhưng, có mặt chứng kiến tận nơi, thậm chí „vui chân“ đi cùng dòng người biểu tình, người viết bài này không hề cảm thấy cái không khí căng thẳng đặc quánh hay không hề nhìn thấy những ánh mắt dò xét vô cùng thù địch của các lực lượng an ninh chìm nổi bủa vây khắp nơi giống như trong những cuộc tuần hành hoà bình của người Việt Nam phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng sa, Trường sa. Một thằng đầu đen mũi tẹt thấp bé nhẹ cân là tôi lăng xăng giữa đoàn người biểu tình, lách giữa đám cảnh sát chống bạo động trang bị đến tận răng chỉ để chụp được những kiểu ảnh ưng ý mà không hề sợ bị ông cớm chìm nào đạp vào mặt như ở Bờ Hồ Hà Nội hay bị kẻ nào đó doạ móc mắt giết cả nhà như mấy cậu phóng viên ở Việt Nam nghe thấy mới đây khi tác nghiệp.

Đơn giản là, nếu phân tích tình hình theo kiểu thầy bói mù xem voi, người viết bài này thấy rằng, tỉ dụ như dân Hy Lạp mà cũng biết- hay cam phận- chịu đựng như người Việt Nam, thì những gì đang xảy ra với ngân sách nhà nước họ hiện nay cũng chỉ là chuyện „nhỏ như con thỏ“, bởi chẳng qua những người lãnh đạo đất nước Hy Lạp vung tay quá trán từ trước tới nay phần nhiều cũng chỉ là đổ vào chính sách an ninh xã hội hào phóng chứ chẳng phải là dùng để cứu chiếc tầu Vinashin nào đang bị đắm hay để cho ông to nào đó xây nhà thờ tổ cả. Còn ngược lại, nếu như mà người dân Hy Lạp bị lâm vào những hoàn cảnh như ở Việt Nam, thì chắc chắn rằng họ không chỉ liều mạng cho nổ một trái bom gaz tự tạo như anh nông dân Đoàn Văn Vươn, như tiếng kêu của một con chó cùng quẫn, mà họ đã xuống đường biểu tình „xin“ chính phủ từ chức lâu rồi. Chắc chắn là như vậy!

DN
gửi đăng trên Vietinfo.eu

Nguồn: Báo XX

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo