Góc nhìn

Khi Trung Quốc giải quyết vụ Bạc Hy Lai

Cập nhật lúc 11-06-2012 08:24:50 (GMT+1)
Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh tháng 9/2011: Sự thể hiện quá lộ liễu khiến người ta nhớ lại thời Cách mạng văn hóa 40 năm trước

 

Trung Quốc trước bước ngoặt chuyển đổi quyền lực và cải cách chính trị, kinh tế không hề dễ dàng.


Có người đã ví vụ Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư Thảnh ủy Trùng Khánh, như một câu chuyện dài tập mà mạch truyện cứ vượt xa dần cấu tứ ban đầu. Và việc ban lãnh đạo Bắc Kinh xử lý vụ việc này chỉ đụng chạm đến một trong vô vàn các vấn đề khó khăn phức tạp của quá trình cải cách chính trị, kinh tế và hiện đại hóa Trung Quốc tại thời điểm quan trọng của chuyển giao quyền lực.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước trước những bất cập

Những biến động kinh tế-chính trị-xã hội những năm gần đây diễn ra vô cùng sâu sắc, mà vụ Bạc Hy Lai chỉ là một trong những biểu hiện của quá trình ấy. Chúng đòi hỏi đảng cầm quyền cần thiết phải thúc đẩy cải cách kinh tế-chính trị, một quá trình không hề thuận lợi. Những thúc đẩy gần đây của các nhà cải cách phản ánh niềm tin của họ rằng Trung Quốc đang ở gần thời điểm quan trọng buộc nước này phải bắt đầu thay đổi nếu muốn hướng tới mô hình phát triển bền vững hơn để vượt qua ngưỡng “phát triển trung bình”. Dù bản chất quá trình ấy là gì, những nhận xét của những nhân vật đứng ngoài hệ thống quyền lực như của đức Đạtlai Lạtma hay của luật sư khiếm thị Trần Quang Thành cũng thống nhất ở một điểm: Trung Quốc đang thay đổi.

Sau ba thập kỷ cải cách mở cửa, Trung Quốc đã tạo dựng được một mô hình phát triển thành công. Việc kiểm soát hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp lớn phần nào đã giúp cho Trung Quốc có những tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục. Song giờ đây, như nhận xét của báo Le Monde (Pháp), "Mô hình kinh tế Trung Quốc bị xói mòn từ bên trong”.

Nhìn từ bên ngoài, người ta rất dễ có cảm nhận là mô hình kinh tế tư bản theo kiểu “con lai” vẫn đang hoạt động suôn sẻ. Nhưng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gần đây đã lên tiếng chỉ trích trụ cột của tư bản nhà nước Trung Quốc: “Nói thẳng là các ngân hàng của chúng ta kiếm lời quá dễ. Một số ít ngân hàng chính đang chiếm vị trí độc quyền và chúng ta phải phá vỡ thế độc quyền đó”.


Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh tháng 9/2011: Sự thể hiện quá lộ liễu khiến người ta nhớ lại thời Cách mạng văn hóa 40 năm trước

Sự việc được bộc lộ qua sự sụp đổ hồi cuối năm ngoái của các tổ chức tài chính và kinh tế tư nhân ở thành phố Ôn Châu. Các ông chủ của thành phố này đã không thể vay vốn từ các ngân hàng lớn, vì những ngân hàng này thích dành ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước được bảo đảm. Họ buộc phải đi vay của các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất cắt cổ. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính quét tới thành phố năng động ở phía Đông Trung Quốc này, họ không trả được nợ, bị phá sản, bỏ trốn, một số đã nhảy lầu.

Giáo sư Michael Pettis của trường Đại học Bắc Kinh cho rằng, tư bản nhà nước Trung Quốc cũng chẳng sáng tạo được cái gì ghê gớm. Đây là mô hình chủ yếu dựa trên sự đầu tư, trong đó nguồn tín dụng do nhà nước chỉ đạo. Nhà nước chỉ đạo lãi suất, rủi ro tín dụng được xã hội hóa. Ban đầu mô hình này có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, sự việc sẽ trở nên phức tạp khi khủng hoảng nợ xuất hiện. Mô hình này chỉ có thể duy trì đến một thời điểm nhất định sau đó phải loại bỏ. Michael Pettis nhận xét, “ở Trung Quốc, nhiều người hiểu được điều này nhưng về mặt chính trị, rất khó có thể từ bỏ”.

Giáo sư Hoàng Á Sanh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định: “Điểm yếu kém của tư bản nhà nước là ở chỗ nó dẫn đến sự tập trung của cải vào tay một tầng lớp chính trị ưu tú hoặc có liên hệ về mặt chính trị, chứ không vì lợi ích tăng trưởng”.

Vụ Bạc Hy Lai chỉ là một phần của vấn đề

Bạc Hy Lai chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Sự nổi lên của Bạc Hy Lai được xây dựng bằng các kênh “quan hệ” truyền thống thông qua các đòn bảy kinh tế và chính trị. Bạc Hy Lai đại diện cho một kiểu quyền lực rất đặc biệt của Trung Quốc và một ý niệm cụ thể về việc Trung Quốc nên phát triển như thế nào. Mô hình Trùng Khánh dựa trên sự phát triển thái quá của bất động sản và sức mạnh kinh tế phần lớn do các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ. Để phát triển kinh tế Trùng Khánh, trong 3 năm, Bạc Hy Lai đã vay của các ngân hàng nhà nước số tiền trên 346 tỷ NDT.

Bạc Hy Lai tìm cách leo lên các nấc thang quyền lực bất chấp thủ đoạn, kể cả giết người bịt đầu mối. Có tin 5 tiểu ban đang tiến hành điều tra mối quan hệ giữa Bạc Hy Lai và các tướng lĩnh thuộc quân khu Thành Đô. Người ta nói về một âm mưu đảo chính và đặt nghi vấn về sự trung thành của quân đội đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà Mao Trạch Đông từng xác định là yếu tố then chốt cho sự tồn tại của chế độ do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.

Bằng cách đặt tội nghiêm trọng nhất của Bạc Hy Lai vào vụ hình sự giết một công dân Anh và điều tra tài sản khổng lồ của Bạc Hy Lai lên trang nhất của các phương tiện đại chúng Trung Quốc, Bắc Kinh có thể muốn tiêu điểm vụ này vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng vốn nằm trong chủ trương lớn của đảng. Do các mạng lưới bảo trợ ở Trung Quốc phức tạp và rộng lớn, đẩy quá xa vụ Bạc Hy Lai có thể phơi bày hành vi sai trái và tha hóa của một bộ phận cán bộ đảng viên thuộc tầng lớp trên. Theo kết quả điều tra hiện tại, kể từ khi Bạc Hy Lai giữ chức Thị trưởng Đại Liên, đã chuyển ra nước ngoài khoảng 6 tỷ USD dưới danh nghĩa của họ hàng, thân hữu. Một ủy ban điều tra đã được cử sang Hong Kong để đánh giá gia sản bất hợp pháp của Bạc Hy Lai. Vợ là Cốc Khai Lai đã thú nhận sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood do bất đồng phân chia hoa hồng về một vụ rửa tiền.

Ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị - được xem một trong 9 vị “hoàng đế” của Trung Quốc -  là ô hộ mệnh của Bạc Hy Lai. Cuộc điều tra chống tham nhũng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng điều hành cũng nhắm vào Chu Bân, con trai của ông Chu Vĩnh Khang. Chu Bân bị nghi là đã tham nhũng hàng chục triệu euro, sở hữu 18 cơ ngơi ở Bắc Kinh, trong đó có một dinh cơ ước tính trị giá 25 triệu euro và vô số tài khoản ở nước ngoài. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tiết lộ, cuộc điều tra tài sản Bạc Hy Lai ở Hong Kong còn nhắm đến các tài khoản của ông Chu Vĩnh Khang và gia đình. Các đảng viên lão thành đề nghị cách chức ông, nhưng do những đóng góp quan trọng của ông giữ vững ổn định chính trị những năm vừa rồi, có vẻ ông Chu đã được “hạ cánh an toàn”.

Các mối quan hệ của Bạc Hy Lai với một số tướng lĩnh quân đội gây nên mối lo ngại về khả năng lãnh đạo của Đảng đối với quân đội

Đào thải để cải cách

Theo nghĩa truyền thống, cải cách đảng là quá trình tự nhiên để đảng điều chỉnh cho phù hợp với môi trường đang thay đổi của đất nước. Cải cách đảng phản ánh nhu cầu giải quyết các khác biệt xã hội đang tăng lên giữa vùng ven biển và vùng nội địa. Sự bất ổn xã hội thách thức tính hợp pháp của đảng cầm quyền, là một trong “bốn thách thức lớn nhất”, được Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đề cập nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc tranh luận tại Trung Quốc trước đây từng xoay quang lựa chọn “mô hình xã hội dân chủ”, lần này xoay quanh “tính hợp pháp của đảng”.

Để cải cách, ban lãnh đạo mới phải vượt qua sự đối kháng từ những tập đoàn lợi ích và lực lượng bảo thủ trong hệ thống quyền lực. Nhân vụ Bạc Hy Lai, Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi Đảng Cộng sản phải đáp ứng nguyện vọng của dân chúng hơn nữa cho thấy có một cuộc tranh luận nội bộ về sự cần thiết cũng như phương pháp cải cách Đảng. Phải chăng việc loại bỏ Bạc Hy Lai và mô hình Trùng Khánh là một đòn giáng vào một thế lực đang ngáng đường cải cách đích thực? Dù bản chất là gì, đào thải các cặn bã là phù hợp với phép biện chứng về sự phát triển. Trước Đại hội 15, có vụ Trần Hy Đồng (Bí thư thành ủy Bắc Kinh). Trước Đại hội 16 có vụ Trần Lương Vũ (Bí thư thành ủy Thượng Hải). Lần này có vụ Bạc Hy Lai. Vụ này phức tạp hơn nhiều lần, vỉ còn liên quan đến quy mô mâu thuẫn xã hội rộng lớn hơn, không chỉ trong ban lãnh đạo, mà đã lan ra giữa lãnh đạo với nội bộ nhân dân quần chúng bất mãn.

Bài học Bạc Hy Lai cho thấy, dựa vào sự giàu có và quyền lực, “đặc quyền cha truyền con nối” đã trở thành một trong những biểu hiện kỳ quặc nhất của nạn tham nhũng và lạm quyền. Nhưng “cha truyền con nối” vốn nguồn gốc từ chế độ thế tập phong kiến. Sự phần biệt giữa các nhân vật “phái thế tử” và “phái đoàn thanh niên” chỉ mang tính tương đối. Liệu những người lãnh đạo hiện thời có vượt lên được cái trật tự “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa thì quét lá đa”, để tránh được sự tích tụ bất mãn của quần chúng, dẫn tới những đảo lộn mang tính cách mạng quần chúng?

Những tranh chấp phe phái sẽ không kết thúc cùng với vụ Trùng Khánh, mà sẽ tiếp tục tồn tại. Để dọn dẹp tòa nhà ngổn ngang các vấn đề, có thể cần có thêm thời gian. Tin tức cho hay ban lãnh đạo Bắc Kinh đang cân nhắc đẩy lùi thời gian tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, hoặc vào tháng 11/2012 hoặc đầu năm 2013./.

Nguồn: Hoài Nam/ Toquoc

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo