Góc nhìn

Khi mình cầm hộ chiếu Việt Nam

Cập nhật lúc 17-03-2014 03:55:19 (GMT+1)

 

Chỉ riêng chuyện đi du lịch, một người cầm hộ chiếu Việt Nam thường phải “phấn đấu” gấp đôi so với “Tây”. Đồng tiền của mình yếu hơn, thu nhập bình quân thấp hơn, đem ra ngoài tiêu đã bất lợi. Chuyện đi đâu cũng phải xin visa càng bất lợi gấp bội – vừa khó chủ động, vừa tốn kém cho visa – và tốn thêm cho chi phí đi lại vì không chủ động.


1/ Đến đi Mông Cổ cũng mắc mệt

Tôi có đến mấy người bạn gặp rắc rối khi xin visa du lịch Mông Cổ. Hồi 3 năm trước lúc tôi xin visa, tuy không lằng nhằng bằng bây giờ, nhưng cũng chẳng dễ chịu gì.

Hồi đó tôi ngạc nhiên lắm, chẳng hiểu mắc giống gì Mông Cổ mà bày đặt làm khó dữ. Lúc đó tôi chưa biết là rất nhiều người Việt trốn qua đó sửa xe.

Lúc làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi bị mời qua một bên. Họ gọi điện thoại kiểm tra với khách sạn tôi ở rồi mới chịu cho qua. Nhưng thật ra chuyện đó không quan trọng. Quan trọng là cùng bị giữ lại với chúng tôi có một anh người Việt khác. Anh ngồi đó trước bọn tôi, sơ mi trắng đóng thùng – có lẽ đó là bộ đồ vía nhất nhì của ảnh, ôm cái cặp da cũ sờn kiểu cán bộ và chiếc mũ cối xanh, rất đặc trưng miền Bắc. Và chắc là ảnh không long nhong đi chơi như chúng tôi. Ảnh ngồi im lìm trên băng ghế bên ngoài phòng.

Sau này, tôi thực sự hối hận vì lúc đó đã quá mải mê cãi nhau với nhân viên an ninh mà không hỏi thăm ảnh.

Chuyện về sau thế nào tôi không biết được. Nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh đó. Làm sao mà đến cái đất giá lạnh, ít cây cỏ như Mông Cổ mà dân xứ tôi vẫn phải bôn ba qua đó kiếm cơm?

2/ Ở lại nước Mĩ

Anh bạn tôi kể rằng rốt cục, cô bạn thân của ảnh đã khăn gói qua Mĩ. Cổ có bầu một mình, đã sang Mĩ để chờ sinh con, và chuẩn bị mọi thứ để ở lại, cho cả mẹ lẫn con. Ảnh nói: ý chí thiệt đáng nể!

Cô bạn của bạn tôi chắc chắn không giống cái anh ôm cặp da cũ ngồi một mình ở sân bay Mông Cổ. Cổ có tiền, có kiến thức. Chớ ý chí mãnh liệt thì tôi nghĩ người di cư hầu như ai cũng phải có. Nhưng hình dung hoàn cảnh của cô ấy, tôi chỉ thấy lạnh gáy.

Chưa nói chuyện sinh con một mình ở xứ lạ. Riêng chuyện chắc chắn sẽ có lúc bị hỏi thăm vì ở trái phép, và chắc chắn sẽ phải trình ra quốc tịch Việt Nam – riêng chuyện này, nói như mấy bạn trẻ hay nói, tôi thấy sao “đắng lòng” quá.

3/ Đi lại bằng hộ chiếu Việt Nam

Hồi tôi ở Couch Surfing ở Mĩ, có một chú chủ nhà hăng hái đến mức đề nghị giúp tôi vào quốc tịch Mĩ để dễ đi lại (xin chú thích là tôi không hề than; tôi rất sợ than vãn về những bất lợi do hộ chiếu của mình). Chú phân tích cho tôi rằng sau đó mày chẳng phải mất thời gian hay tiền bạc xin visa, mày được miễn hầu hết.

Nhưng cơ bản là tôi rất sợ giấy tờ. Để bớt thời gian làm giấy tờ cho mấy cái visa mà phải mòn mỏi làm giấy tờ cho một quốc tịch mới thì chịu! Người ta thường nhập cư vì những lý do lớn lao hơn nhiều, chớ đâu phải để đỡ xin visa.

Mà nghĩ mấy chuyện đó buồn lắm. Cái anh ôm cặp da ở Mông Cổ, hay cái cô chờ sinh con ở Mĩ, hay rất nhiều anh và cô tương tự. Họ khiến những người đi du lịch bình thường như tôi gặp khó khăn hơn nhiều khi xin visa. Nhưng tôi không trách họ, vì chỉ nghĩ thôi đã thấy buồn lắm.

Nguồn: Blog Mít Đặc

  • #1 ngoc lan: bat hop phap

    17-03-2014 04:25

    tai sao nguoi vn kho xin vía , tai vi ? tai vi ?
    1 / di du lich , tron o lai khap noi tren toan the gioi .
    2 / cac nuoc so tai phai chi phi nuoi an o v.v
    3 / tien chi phi cho nguoi nuoc ngoai tron o lai , do dan dong thue .
    4 / ngan sach cua cac nuoc chi phi cho thanh phan tren , hang trieu úsd noi chung con nhieu thiet hai cho cac quoc gia co nguoi nhap cu , tron o loai khi het han vía , hoac nhap cu bat hop phap .
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo