Góc nhìn

Đường sắt cao tốc và những câu hỏi về chất lượng thể chế

Cập nhật lúc 02-06-2010 02:42:42 (GMT+1)

 

Xem xét đánh giá và thông qua Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam là một công việc hệ trọng. Nó không chỉ tác động đến cục diện phát triển và tâm thức người dân mà còn bộc lộ chất lượng thực chất của thể chế của chúng ta.


 

>>> Thủ tướng: Rút kinh nghiệm các nước làm đường sắt cao tốc

>>> Đường sắt cao tốc dành cho ai?

>>> Đường sắt cao tốc Bắc Nam - Chuyện đã rồi nhưng vẫn chưa xong

>>> Đường sắt cao tốc: Cứ cho Nhật Bản xây với thể thức BOT hay BOO

>>> Đường sắt cao tốc: Siêu bẫy nợ nần?

>>> Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Miếng to cần phải "xơi" gấp

 

Một dân tộc mạnh là dân tộc luôn khao khát với nỗ lực không mệt mỏi trong tìm kiếm chân lý từ thực tế cuộc sống. Một thể chế bền vững là thể chế có ý thức và năng lực khích lệ và khai thác các ý kiến trái chiều để làm sáng tỏ con đường đi tới tương lai. Một người lãnh đạo có tầm vóc là người lãnh đạo thành tâm và biết lắng nghe những lời phản biện thẳng thắn trước mỗi quyết định hệ trọng của mình. Bài viết dưới đây phản ánh kỳ vọng nói trên của tác giả vào dân tộc, thể chế, và những người lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đầy khó khăn thử thách đang tới.

1- Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Đâu là mục tiêu chiến lược và tiêu chí lựa chọn?

Dù chính kiến và cách nhìn nhận có thể rất khác nhau, mỗi người Việt Nam chúng ta đều chung mục tiêu chiến lược: một đất nước hùng cường, một dân tộc phồn vinh. Bởi vậy, mỗi nỗ lực và cố gắng hôm nay của chúng ta, dù của nhà nước hay hay của cá nhân, dù ở qui mô lớn hay qui mô nhỏ đều phải đau đáu một ý chí hướng tới mục tiêu tối thượng này.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Đâu là mục tiêu chiến lược và tiêu chí lựa chọn? Ảnh minh họa.

Kể từ ngày thống nhất đất nước năm 1975, chúng ta đã đi mất 35 năm nhưng chặng đường đi đến mục tiêu chiến lược nói trên mới ở chỉ ở bước khởi đầu. Chúng ta sẽ ở đâu trong dịp kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước (2025) và 100 năm ngày độc lập (2045)? Một quốc gia hùng cường hay một đất nước bị xiết nợ trong những đại dự án dở dang. Một dân tộc phồn vinh với niềm tự hào vì ước mơ của ngàn đời đang từng bước trở thành hiện thực hay một thế hệ bội bạc với quá khứ, vô cảm với tương lai, ngộ nhận trong sự phô trương, say sưa trong hưởng thụ, mặc cho tài nguyên quốc gia mỗi ngày một cạn kiệt, gánh nợ nước ngoài mỗi ngày thêm chồng chất.

Với trách nhiệm với tương lai đất nước trong những thập kỷ tới, các đại dự án mà chúng ta cân nhắc hôm nay, trong đó có "Dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc-Nam" có ảnh hưởng rất hệ trọng tới vị thế của đất nước và tâm thế của dân tộc ta trong những thập kỷ tới. Với một dự án quan trọng như vậy, chúng cần xem xét kỹ trên bốn tiêu chí tổng thể: (i) Hiệu lực chiến lược; (ii) Hiệu quả xã hội; (iii) Tính khả thi; và (iv) Hiệu quả kinh tế. Trọng số của mỗi tiêu chí tùy thuôc vào cơ cấu nguồn vốn. Nếu tỷ lệ nguồn vốn từ nhà nước là cao thì tiêu chí "Hiệu lực chiến lược" và "Hiệu quả xã hội" có thể có trọng số lớn hơn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, cả bốn tiêu chí đều cần được đặc biệt coi trọng.

Hiệu lực chiến lược bao gồm sáu tiêu chí nhỏ:

§ Tác động điểm huyệt. Nghĩa là, thực hiện dự án có tác động thay đổi cục diện phát triển, tạo sức đẩy cho cả nền kinh tế tiến nhanh hơn đến mục tiêu chiến lược như đã nói ở trên".

§ Tính ưu tiên cấp bách; nghĩa là, nếu không thực hiện dự án này thì nhiều dự án khác không thể triển khai được.

§ Khả năng chắc chắn thành công: vì dự án có vai trò "quả đấm thép" nên phải có khả năng thành công rất cao; vì vậy mọi tính toán tiên lượng và hoạch định phải hết sức cẩn trọng. Tuyệt đối không được thổi phồng trong dự báo, đại khái trong ước tính nguồn lực.

§ Tính gia cường. Nghĩa là dự án góp phần củng cố (chứ không được làm tổn hại) các yếu tố nền tảng của phát triển, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô và lòng tin của nhân dân.

§ Sức cải biến hạ tầng xã hội. Nghĩa là dự án góp phần đổi thay tâm thức, nếp sống, năng lực, và ý thức trách nhiệm công dân trong toàn xã hội.

Hiệu quả xã hội bao gồm ba tiêu chí nhỏ:

§ Tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo

§ Giảm bất bình đẳng xã hội

§ Giảm ô nhiễm môi trường

Tính khả thi bao gồm:

§ Các điều kiện thực thi (từ huy động vốn đến giải phóng mặt bằng)

§ Năng lực quản lý

§ Năng lực kỹ thuật

Hiệu quả kinh tế bao gồm:

§ Khả năng thu hồi vốn; thể hiện ở thời gian hoàn vốn không quá dài; tính chính xác của các số liệu dự báo cao.

§ Tỷ mức hoàn vốn

§ Khả năng cạnh tranh với các sản phẩm và dịchdự án hiện có; cụ thể là máy bay, đường bộ; và đường xe lửa thông thường.

Hàng loạt các bài viết rất có trách nhiệm của các chuyên gia kinh tế và đường sắt trong những ngày này cho thấy dự án ĐSCT được đánh giá rất thấp trên hai tiêu chí căn bản: "Hiệu lực chiến lược" và "Hiệu quả kinh tế". Bài viết này dùng số liệu về dự án ĐSCT của Hàn quốc và Đài loan, là hai quốc gia rất thành công trong phát triển kinh tế và dự án ĐSCT, để chúng ta tham khảo thêm.

Về "Hiệu lực chiến lược", quả thật, chúng ta đang có quá nhiều việc cấp bách, có tính quyết chiến chiến lược cần được ưu tiên hơn nhiều so với dự án ĐSCT. Đó là nâng cấp toàn diện thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố toàn cầu làm nền tảng và động lực cất cánh cho toàn bộ nền kinh tế. Đó là xây dựng hệ thống đường bộ; đường sắt; cảng biển và sân bay để Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với sức cạnh tranh cao về lĩnh vực hậu cần. Đó là đầu tư vào giáo dục, y tế, và hạ tầng khoa học kỹ thuật để con người Việt Nam-động lực căn bản của công cuộc phát triển - được dung dưỡng, chăm sóc, và phát huy đến mức cao nhất.

Hơn nữa, như chỉ ra ở bảng 1 dưới đây, chúng ta bước vào dự án ĐSCT quá sớm và quá cập rập. Cả Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu quan tâm và cho chuyên gia nghiên cứu về ĐSCT từ đầu những năm 1980 nhưng bộ GTVT của họ chỉ chính thức đệ trình phương án sau khoảng 10 năm bỏ sức nghiên cứu thấu đáo mọi khía cạnh kinh tế - kỹ thuật. Hàn Quốc và Đài Loan trình phương án này ra chính phủ và quốc hội vào khoảng năm 1990, khi họ đã ở trình độ phát triển cao hơn ta hiện nay rất nhiều (tính bằng GDP binh quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa).

Hơn nữa, qui mô đầu tư của dự án (tỷ lệ của tổng đầu tư so với GDP lúc đệ trình dự án) của Hàn Quốc (7%) và Đài loan (9,4%) là rất thấp so với Việt Nam (58%). Nghĩa là, dự án này thu hút một nguồn lực quá lớn của Việt Nam; và do đó, dù muốn hay không, nó sẽ có ảnh hưởng xấu tới nỗ lực gia cường các yếu tố nền tảng khác của công cuộc phát triển.

Những phân tích trên gợi ý rằng, trong năm 2010 này, Việt Nam chỉ nên khởi đầu sự quan tâm của mình đến dự án ĐSCT bằng việc giao cho chuyên gia nghiên cứu tìm hiểu để rồi xem xét tính khả thi của dự án vào năm 2020 vẫn chưa muộn.

Về "Hiệu quả kinh tế", theo kinh nghiệm quốc tế, một dự án ĐSCT chỉ có hiệu quả thực sự nếu nó nối liền hai thành phố có mật độ dân cư lớn (nhiều triệu người với mức thu nhập khá cao) với khoảng cách từ 160 km đến 800 km[1]. Dự án ĐSCT của Hàn quốc và Đài Loan đều đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn này (xem Bảng 2).

Trong khi đó, dự án ĐSCT của chúng ta không đáp ứng nhu cầu cự ly (1570 km) nếu xem xét cho toàn tuyến Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh; và cũng không đáp ứng điều kiện mật độ dân có thu nhập cao, nếu xem xét riêng từng phân đoạn Hà Nội - Vinh hay TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang.

Hơn nữa, chúng ta cần thấy rằng, tốn phí cho mỗi km ĐSCT của Hàn Quốc và Đài Loan đều ở mức xấp xỉ 40.000 USD ở thời giá cách đây hàng chục năm và chi phí đều bị đội lên khi quyết toán. Trong khi đó, dự báo về lượng khách, dù đã khá chính xác, chỉ đạt khoảng 50% trên thực tế.

Vì vậy, nếu triển khai dự án ĐSCT Bắc Nam, chúng ta nên tiên liệu rằng, tổng mức đầu tư có thể lên trên mức 60-70 tỷ USD chứ không chỉ dừng ở 56,8 tỷ USD, trong khi lượng khách vận chuyển thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo.

Phân tích này cho thấy rằng, dự án ĐSCT Bắc-Nam sẽ rất khó thu hút được nguồn vốn tư nhân. Tình trạng đã gặp phải ở nhà máy lọc dầu Dung Quất với qui mô gấp hàng chục lần sẽ có thể lặp lại. Trong khi đó, công cuộc phát triển của nước ta đang gặp trở ngại ngày càng lớn do môi trường kinh tế vĩ mô thiếu ổn định: bội chi ngân sách và nợ nước ngoài của nước ta đã có những dấu hiệu rất đáng quan ngại.

2- Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Những thách thức về chất lượng thể chế

Chúng ta sẽ cùng theo dõi việc Quốc hội có thông qua hay không Dự án ĐSCT Bắc Nam trong mấy tuần tới. Kết quả này sẽ bộc lộ một phần những thách thức về chất lượng thể chế của chúng ta. Trong một thể chế có chất lượng thấp, các thành viên có thể đồng thuận với một quyết định không sáng suốt cho dù họ không tin như vây. Trong lý thuyết phát triển, tình thế này được minh họa sinh động bằng câu chuyện cổ "Bộ quần áo mới của Hoàng đế" của nhà văn Andersen. Đại ý, chuyện kể rằng:

"Có một vị hoàng đế luôn ra sức tìm kiếm để có những bộ quần áo mới có tính năng đặc sắc chưa từng có. Một ngày kia, hoàng đế cảm thấy không còn bộ quần áo mới nào làm ngài hài lòng nữa, liền sai cáo thị tuyển thợ may. Có hai kẻ chuyên lừa đảo đọc cáo thị xong, vội vàng tới hoàng cung, tâu với hoàng đế rằng chúng có thể dệt ra một thứ vải tuyệt đẹp và vô cùng kì diệu. Nếu dùng vải này để may quần áo thì chỉ những người thông thái mới có thể nhìn thấy. Vua mừng rỡ giao cho tiền vàng để xúc tiến dệt cho vua bộ quần áo này.

Sau đó Vua liên tục cử các vị quan cao cấp đến kiểm tra công việc dệt may. Các vị quan nhìn vào khung cửi và bàn may đều không thấy gì cả, nhưng sợ bị coi là không thông thái nên đều về tâu với Vua là bộ quần áo tuyệt đẹp. Đến ngày hoàn tất, hai tên thợ may mang bộ quần áo ảo vào dâng vua. Vua cũng không thấy gì cả nhưng sợ rằng quần thần cho rằng mình không thông thái và đành công nhận là bộ quần áo rất đẹp. Thế là hai tên thợ may bịp bợm cởi hết quần áo của vua và thay vào đó với 'bộ quần áo mới' để vua diễu hành ra đường phố cho dân chiêm ngưỡng. Kỳ lạ thay, tất cả dân đường phố sau hàng tháng trời nghe tin đồn về tính năng đặc biệt của bộ quần áo (chỉ những ai thông thái mới có thể nhìn thấy) đều hân hoan khen ngợi 'bộ quần áo mới' mà nhà vua đang mặc"

Câu chuyện cho thấy, trong một thể chế có chất lượng thấp, một vài kẻ vụ lợi nhưng ranh mãnh có thể bóp méo cả một hệ thống. Bài học rút ra là, mỗi hệ thống phải không ngừng khuyến khích tính phản biện của quan chức và người dân cho dù ý trên hoặc lời khuyên bên ngoài có như thế nào.

Với dự án ĐSCT Bắc Nam, tác giả đề nghị các đại biệu quốc hội đánh giá vào bản khảo sát (Bảng 3) dưới đây để tập thể cùng suy ngẫm tham khảo. Phương pháp này có tác dụng tốt hơn phương pháp "bấm nút" vì nó có chiều sâu phân tích và ý thức trách nhiệm.

3- Lời kết

Dù chúng ta đang ở bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi, xin hãy đừng quên rằng nước ta còn nghèo trong khi thách thức trong chặng đường phía trước còn rất lớn với những bất trắc không thể lường hết được. Hơn nữa, cục diện phát triển kinh tế của nước ta đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại: chúng ta tăng trưởng ấn tượng nhưng trên nền móng vĩ mô đang bị suy yếu; Chính trị ở nước ta ổn định, nhưng lòng dân vẫn còn những day dứt chưa yên; Chúng ta có nhiều bè bạn giúp đỡ hợp tác nhưng mỗi ngày một thiếu vắng những lời khuyên thẳng thắn chân thành.

Vì vậy, xem xét đánh giá và thông qua Dự án ĐSCT Bắc Nam là một công việc hệ trọng. Nó không chỉ tác động đến cục diện phát triển và tâm thức người dân mà còn bộc lộ chất lượng thực chất của thể chế của chúng ta.


[1] "High-Speed Rail: Lessons for Policy Makers from Experiences Abroad", Daniel Albalate và Germà Bel, Research Institute of Applied Economics Working Paper 2010/03.


NguồnTuanvietnam

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo