Góc nhìn

BOT Việt Nam: Quyền và Tiền bắt tay nhau, xé rào cùng trục lợi

Cập nhật lúc 08-12-2017 07:33:43 (GMT+1)

 

BOT đến Việt Nam được vận dụng một cách “sáng tạo”, kết hợp “chặt chẽ” giữa Quyền và Tiền, tìm mọi kẽ hở “xé rào” để cùng nhau trục lợi…


BOT là gì?

BOT là viết tắt thuật ngữ tiếng Anh của cụm từ Build – Operate – Transfer, có nghĩa là Hợp đồng xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao trong kinh tế. Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao.

BOT là hình thức xã hội hóa, là sự hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại sao BOT có quyền thu phí?

Vì những dự án giao thông BOT đều là vốn của nhà đầu tư nên khi phương tiện vận chuyển qua đường hoặc cầu… thuộc công trình giao thông BOT, phương tiện vận chuyển tham gia giao thông đều phải trả tiền. Và để thu tiền của các phương tiện tham gia giao thông thì, chủ đầu tư có quyền xây trạm thu phí (BOT) trong phạm vi đường, cầu do mình bỏ tiền ra xây dựng. Chất lượng (tuổi thọ) công trình, thời gian thu phí và định mức thu phí trên mỗi loại phương tiện khi đi qua công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư ký kết bằng văn bản. Lời ăn lỗ chịu, khi hết hạn thu phí, chủ đầu tư phải giao công trình lại cho nhà nước quản lý. Từ đó về sau nhà nước duy tu bằng ngân sách (tiền thuế của dân) không còn thu phí.

BOT ở Việt Nam có gì đặc biệt?

BOT đến Việt Nam được vận dụng một cách “sáng tạo”, kết hợp “chặt chẽ” giữa Quyền và Tiền, tìm mọi kẻ hở “xé rào” để cùng nhau trục lợi. Cho đến giờ nầy, ngoài xổ số, BOT là một loại hình thu lợi lớn và nhanh nhứt. Bởi vậy, BOT ở Việt Nam trăm đang hoa đua nở, nhiều về lượng, kém về chất. Chỉ cần một dẫn chứng dưới đây cũng đủ thấy:

Trước năm 2013, bà Đỗ Thị Huyền Tâm, vợ sau của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh, là một đại biểu Quốc hội “làm ăn lớn” đã lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần tới mức bị Ngân hàng Nông nghiệp liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt.

Thế nhưng, không hiểu do đâu, dựa đâu, “tập đoàn” của bà vẫn được giao hai dự án BOT: Nâng cấp sửa chữa đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Đầu tư cải tạo, nâng cấp QL1 Hà Nội – Bắc Giang. Đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ, giai đoạn I chỉ “cải tạo, nâng cấp” vẫn 4 làn xe, được tính giá 1.974 tỷ đồng (hoàn thành 2015); giai đoạn hai, mở rộng thành 6 làn xe được tính 4.213 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành cuối quý II, 2018). Đoạn Hà Nội – Bắc Giang “nâng cấp” với tổng mức đầu tư cũng dược tính 4.213 tỷ đồng (hoàn thành 6-2016). Từ chỗ nợ như chúa chổm, tay đã chạm tới hơi lạnh của còng số 8, nhưng khi nhận được hai dự án BOT, các khoản nợ “nghìn tỷ” trở thành tiền lẻ. Hãy nhìn phòng khách của vợ chồng bà Tâm hiện nay, để thấy bản chất của BOT.

Tiền đấy là tiền của dân – tiền của chúng ta. Và đây cũng chỉ là một trong muôn ngàn dạng tham nhũng hiện đang tồn tại ở Việt Nam ta.

Loại cầu, đường nào không được thu thêm phí?

Nói chung, những cầu hay đường xây dựng, duy tu có nguồn gốc từ ngân sách quốc gia đều không được thu thêm phí với bất cứ hình thức nào, bao gồm cả BOT. Bởi vì, ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương đều là tiền do dân đóng thuế mà có. Phí xây dựng cầu hay đường từ ngân sách, duy tu chúng ngoài ngân sách dự trù hàng năm (được biết năm 2017 là 10 ngàn tỷ), còn nguồn thu phí giao thông đã tính trong nâng giá xăng dầu. Do vậy, thu thêm với bất cứ hình thức nào đều được xem là sai trái, lạm thu, bất hợp pháp.

Về quốc lộ, ở Việt Nam ta có Quốc lộ 1 xuyên quốc gia và những quốc lộ liên tỉnh, liên vùng, chúng như những động mạch chủ; chi xây dựng, duy tu chúng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Về tỉnh lộ hay huyện lộ, chúng như những động mạch phụ dẫn máu cung cấp cho từng bộ phận của cơ thể; xây dựng, duy tu chúng từ nguồn ngân sách địa phương.

Vì ngân sách bao giờ cũng có giới hạn, để mở mang hạ tầng giao thông, Chính phủ cho phép xã hội hóa những cầu/đường. Qua hình thức đấu thầu, kêu gọi tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng; được đặt trạm thu phí (BOT) nơi mình xây dựng; hết thời gian thu phí giao công trình lại cho cơ quan chức năng nhà nước quản lý theo giao kết (như đã nói ở phần BOT là gì).

Trạm thu phí BOT Cai lậy, Tiền Giang sai chỗ nào mà dân phản ứng gay gắt thế?

Trừ nhóm lợi ích, ai nhìn bào cũng thấy đặt trạm sai vị trí – thay vì đặt trạm trong phạm vi đường lộ tẻ do mình xây dựng lại đặt trên Quốc lộ 1. Người dân, nhất là những bác tài, phản ứng gay gắt vì BOT Cai Lậy đặt trạm thu trái phép ở Quốc lộ 1, ở đoạn độc đạo, chắn ngang “động mạch chủ” gây tê liệt toàn thân.

Thái độ người dân sở tại đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy thế nào?

Những ngày qua, người dân thay phiên nhau túc trực 24/24 để phản đối hoạt động của trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang. Một chủ quán nước kế bên trạm thu phí nói: “Mấy ngày nay tôi bỏ tiền túi để mua nước suối mang ra khu vực cabin thu phí. Khi thấy tài xế nào đưa tiền lẻ, mệt mỏi thì tôi và đứa con trai đem nước đến tặng cho họ uống”. Bà Tám, một chủ quán khác nói: “Nếu trạm thu phí đặt ở đây, bị ùn tắc thế nầy thì tôi được hưởng lợi, vì số tài xế và hành khách kẹt xe gần trạm ghé vào đây mua lạp xưởng, uống nước nghỉ ngơi, nhưng tôi không hề muốn có nạn kẹt xe như vầy, vì thấy hành khách và các bác tài phải khổ sở tội nghiệp quá”!

Ông Lê Văn Vĩnh, một trong số dân tham gia gây áp lực với trạm cho biết: “Hễ người dân rời khỏi khu vực trạm thu phí là nhân viên trạm thu phí trở lại. Chúng tôi là dân địa phương mà cũng bức xúc hoạt động của trạm nầy huống hồ tài xế. Việc phản đối là yêu cầu chính đáng”. Ông Tám đứng cạnh cũng xen vô: “Thấy xả trạm là tôi vui như trúng số!”.

Tài xế gây khó cho trạm thu phí bằng cách nào?

Tại BOT Cai Lậy , những ngày qua cánh tài xế đang ăn mừng thắng lợi chiến thuật “25 -1” Họ đã sáng tạo ra nhiều cách để phản đối trạm. Riêng về trả tiền lẻ họ áp dụng chiến thuật “25 -1” bằng cách: phí phải trả 25.000đ, họ đưa 24.500đ rồi đưa thêm 3 tờ 200đ, bảo thối lại cho họ 100đ (24.500 + 200 + 200 + 2.000 = 25.100). Bất ngờ trạm không có tờ 100đ để thối. Chưa thối thì họ không chịu cho xe đi, có trường hợp thu phí 1 xe phải tốn 14 phút, khiến ùn tắt giao thông khủng, buộc phải xả trạm. Hết chiêu này họ sẽ có chiêu khác (hàng triệu bộ não hoạt động nghĩ cách cơ mà), trạm khó ứng phó. Chỉ trong 4 ngày mà phải xả trạm hơn 20 lần. Thành công trong “chiến thuật 25-1”, 20 tài xế còn ra cách trạm khoảng 100m bày ra con heo quay 70 kg, cúng ăn mừng thắng lợi.

Lợi/hại của việc đặt trạm thu phí (BOT) Cai Lậy?

Phần lợi, chỉ dành cho phía đầu tư và quan chức có liên quan trong vụ.

Phần hại, cho cả cộng đồng, không chỉ khu vực mà cả nước: Phí BOT vô lý nầy cũng là đầu vào của mọi hàng hóa công/nông khi đi qua đây, khiến cho lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng, người tiêu thụ lãnh đủ. Giá tăng thì phải tăng lương cho cán bộ, viên chức, công nhân. Nếu không tăng lương, họ sống không nổi, bỏ việc thì sao? – Cán bộ, viên chức bỏ việc thì góp phần giảm bớt biên chế đang quá cồng kềnh, còn công nhân nghỉ việc thì nhà máy xí nghiệp công cũng như tư phải thu gọn hoặc giải tán, từ đó nạn thất nghiệp sẽ lan tràn. Những người không lãnh lương chỉ còn thắt lưng buộc bụng, họ chỉ mua sắm những mặt hàng “không có không được”.

Nhiều loại thuế dồn vào sản phẩm khiến nó đội giá lên cao và không cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài, dân trong nước nghèo khó, phải hạn chế trong tiêu dùng, khiến cho tiêu thụ nội địa giảm. Thất nghiệp, nghèo khổ dễ dẫn con người vào đường “bần cùng sinh đạo tặc”, khi quá thắt ngặt họ sẽ làm bất cứ chuyện gì có thể, gây rối loạn xã hội. Xã hội rối loạn thì phải tăng lực lượng phòng vệ, tăng lực lựng phòng vệ thì phải tăng thuế để có tiền phát lương cho họ, rơi vào vòng lẩn quẩn – đó là con đường dẫn chúng ta về địa ngục?!

Có người đặt câu hỏi: “Lái xe cũng chỉ là những người làm công cho những ông/bà chủ, phí BOT do ông/bà chủ chịu, cớ sao họ bức xúc, phản ứng với trạm thu phí quyết liệt như thế?”. Nói thế là suy chưa cùng, cũng bức xúc đối với họ quá đấy chớ: mối quan hệ giữa giới chủ và người làm công có cộng hưởng với nhau: “có thứ nầy phải có thứ kia, có thứ kia phải có thứ nầy, nếu khuyết một trong hai nó sẽ không còn là nó”. Lái xe cũng là một nghề, nếu chủ mất quá nhiều chi phí cầu đường vô lý họ sẽ cắt giảm lương lái xe bù vào, nếu chủ thua lỗ “dẹp tiệm” thì họ sẽ thất nghiệp. Vì vậy, sự phản ứng gay gắt của họ đối với trạm thu phí trái phép, như trạm Cai Lậy chẳng hạn, là hành động thiết thân đối với họ.

Kết thúc bài, người viết đề xuất 3 giải pháp:

1/ Trạm thu phí (BOT) Cai Lậy hãy di trạm thu phí của mình về con Đường t ránh “chất lượng cùi bắp” do mình thi công, trả Quốc lộ 1 lại cho người dân bá tánh, từ bỏ thói cướp đường – đây là giải pháp đúng đắn, hợp lý, hợp pháp

2/ Nếu thấy di trạm thu phí về đúng vị trí hợp pháp của nó khó thu hồi vốn, chủ đầu tư hãy thương lượng với nhà cầm quyền và các quan chức bảo kê để đòi lại tiền đã hối lộ, đút lót, ăn chia. Đồng thời đề nghị nhà nước mua lại các khoản nợ của các ngân hàng cho BOT vay, với giá 0 đồng (như đã từng làm).

3/ Còn muốn thu hồi vốn nhanh, chỉ còn một cách duy nhất, vẫn phải dời trạm thu phí về đúng vị trí cho phép, tìm mọi cách phá hỏng cầu hoặc đường Quốc lộ 1 ở đoạn nằm trong vòng cung Đường tránh để, không còn cách nào khác, mọi phương tiện vận chuyển phải chui vào Đường tránh do mình mới xây dựng, chừng đó trạm tha hồ hốt bạc – đây là giải pháp thí mạng cùi, thắng làm vua, thua “nhập kho”.

Nguồn: VietFact

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo