Góc nhìn

Bàn về quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ

Cập nhật lúc 21-05-2015 09:36:49 (GMT+1)
Nguồn ảnh: Internet

 

Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai nước đã trải qua quá trình diễn biến phát triển từ chậm chạp sang thúc đẩy nhanh chóng. Sau khi Mỹ trao cho Việt Nam quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), quan hệ song phương Việt-Mỹ lấy hợp tác kinh tế thương mại làm xu hướng chủ đạo; từ khi Mỹ thúc đẩy chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến nay, Việt Nam và Mỹ lấy lợi dụng chiến lược làm cơ sở, sự hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực an ninh quân sự đều được phát triển, đặt cơ sở cho hai bên xây dựng quan hệ đối tác toàn diện.


1. Từ bình thường hóa quan hệ song phương đến quan hệ đối tác toàn diện

Ngày 11/7/1995, tại Nhà Trắng Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt bày tỏ sự hoan nghênh đối với tuyên bố này của Mỹ. Ngày 5/8/1995, Việt Nam và Mỹ đã ký văn kiện chính thức về việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cử đại sứ. Việc Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ đánh dấu hai nước kết thúc trạng thái đối địch kéo dài trong Chiến tranh Việt Nam, từ đó mở ra chương mới cho quan hệ song phương.

Từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, sự phát triển của quan hệ song phương về cơ bản có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ năm 1995 đến năm 2006, tức là giai đoạn hội nhập từng bước sau khi bình thường hóa. Thời kỳ đầu hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, các doanh nghiệp Mỹ thể hiện sự nhiệt tình đối với thị trường đầu tư Việt Nam, đến mùa Xuân năm 1996, tổng mức đầu tư của Mỹ đã vượt 1 tỷ USD, đứng thứ 6 trong các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng sự giao lưu chính trị giữa hai bên vẫn giữ thái độ thận trọng và thăm dò. Ngày 6/8/1995, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher đến thăm Hà Nội, chính thức mở đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Việt Nam cũng đã mở đại sứ quán tại Washington, nhưng hai bên đến tháng 4 và tháng 5/1997 mới cử đại sứ sang nhậm chức.

Ngày 7/4/1997, tại Hà Nội Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin và Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng ký thỏa thuận về vấn đề Chính phủ Việt Nam trả khoản nợ 145 triệu USD của Chính quyền miền Nam Việt Nam trước đây cho Mỹ. Tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William S. Cohen thăm chính thức Việt Nam, hai bên đã thảo luận vấn đề tiếp tục tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam và vấn đề hợp tác trên các lĩnh vực quân sự khác. Tháng 11/2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam; tháng 6/2005, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải là thủ tướng Việt Nam đầu tiên đến thăm Mỹ, gặp gỡ Tổng thống Bush (con) tại Washington. Trong thời gian này, Việt Nam và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi về vấn đề Việt Nam gia nhập WTO và Mỹ trao cho Việt Nam sự đãi ngộ về quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn quan hệ Việt-Mỹ phát triển từ cuối năm 2006 đến nay, đây là giai đoạn hợp tác trên nhiều lĩnh vực phát triển, từng bước hướng tới quan hệ đối tác toàn diện. Tháng 11/2006, Tổng thống Mỹ Bush (con) đến thăm Việt Nam; ngày 20/12/2006, Tổng thống Bush đã ký dự thảo trao cho Việt Nam quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, ngày 29/12 ký thông cáo bình thường quan hệ thương mại với Việt Nam. Tháng 6/2007, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến thăm Mỹ, đã thảo luận về sự hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế và thương mại với Tổng thống Bush, nhìn lại thành quả đã giành được từ khi hai nước ký “Thỏa thuận thương mại song phương Việt-Mỹ” từ tháng 12/2001 đến nay. Ngoài chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, sự hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như trao đổi kinh tế thương mại, vấn đề còn sót lại của chiến tranh, khoa học kỹ thuật, tình báo… cũng được phát triển.

Thời kỳ đầu Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, do ảnh hưởng của bóng đen Chiến tranh Việt Nam, cũng do Chiến tranh Lạnh kết thúc không lâu, ý thức hệ của hai bên tồn tại sự khác biệt, quan hệ kinh tế thương mại phát triển chậm. Nhưng sau khi Mỹ và Việt Nam ký hiệp định thương mại, đặc biệt là Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ thương mại, trao đổi thương mại của hai nước tăng lên nhanh chóng. Tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu song phương Việt-Mỹ tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên 24,89 tỷ USD năm 2012, năm 2013 đạt đến 29,69 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đối với Việt Nam năm 2013 là 24,66 tỷ USD, tăng 21,7% so với tổng kim ngạch nhập khẩu 20,27 tỷ USD năm 2012, đứng thứ 20 trong các đối tác thương mại của Mỹ ở Đông Nam Á, chỉ đứng sau Malaysia và Thái Lan. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam năm 2013 là 5,04 tỷ USD, tăng 8,9% so với 4,62 tỷ USD năm 2012, 6 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Mỹ tăng lên rõ rệt. Hàng hóa thương mại song phương Mỹ-Việt bao gồm Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam nông sản, máy móc, hàng may mặc và ô tô, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình, nông sản, hải sản và sản phẩm điện tử. Hai bên tuy đôi khi cũng có va chạm thương mại, nhưng có tiềm năng hợp tác rất lớn.

Bên cạnh sự phát triển của quan hệ song phương Việt-Mỹ, sự hợp tác trong các tổ chức đa phương và khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), “Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong” do Mỹ chủ đạo cũng không ngừng phát triển. Năm 2009, Mỹ gia nhập “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á”. Mỹ phát triển quan hệ với ASEAN và các nước ASEAN, cũng phát triển quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN. Việt Nam và Mỹ cũng đang tích cực tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để tìm cách triển khai hợp tác trong khuôn khổ thương mại tự do khu vực có tiêu chuẩn cao hơn.

Năm 2009, “Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong” với sự tham gia của 6 nước gồm Mỹ và các nước hạ nguồn sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam được khởi động, mục đích của sáng kiến này là muốn thu nhỏ khoảng cách phát triển trong khu vực, cùng đối phó với các thách thức xuyên quốc gia trong các mặt như nông nghiệp, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, tài nguyên môi trường nước, vệ sinh… Đồng thời, thông qua Nhóm hạ nguồn Mekong và những người bạn (FLM) - cơ chế đối thoại chính trị và viện trợ hàng năm này, Mỹ cũng đang phát triển hơn nữa quan hệ với các nước như Việt Nam…, thúc đẩy viện trợ phát triển.

Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ đã được 20 năm, sự phát triển của quan hệ song phương cũng đã trải qua nhiều thách thức. Các vấn đề còn sót lại của chiến tranh như tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, ô nhiễm do chất làm rụng lá cây, cộng thêm sự khác biệt rất lớn về ý thức hệ và truyền thống văn hóa của hai bên, đều có những ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đối với quan hệ Việt-Mỹ. Sự khác biệt về ý thức hệ giữa Việt Nam và Mỹ khiến cho vấn đề “nhân quyền” của Việt Nam bị Mỹ chỉ trích. Nhiều năm qua, Việt Nam luôn coi việc đề phòng “diễn biến hòa bình” của Mỹ và một số thế lực thù địch của phương Tây là vấn đề quan trọng cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Hiện nay, Mỹ cũng chưa có ý định xin lỗi nhân dân Việt Nam về vấn đề phát động chiến tranh ở Việt Nam, mức độ hợp tác của hai nước vẫn tồn tại rất nhiều nhân tố không xác định. Ba “tuyên bố chung” mà hai bên công bố trước tháng 7/2013 cho thấy sự xác định của Việt Nam và Mỹ đối với quan hệ song phương, về cơ bản là “quan hệ hợp tác nhiều mặt mang tính xây dựng” hoặc là “quan hệ đối tác hợp tác nhiều mặt mang tính xây dựng”, tỏ rõ sự thận trọng của hai bên, quan hệ Việt-Mỹ vẫn chưa đạt đến tầm cao hơn.

Từ khi Việt Nam “cải cách mở cửa” đến nay, tích cực hội nhập cộng đồng quốc tế là sự theo đuổi nhất quán của ngoại giao Việt Nam. Và sau những năm 90 của thế kỷ 20 thực hiện bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, gia nhập ASEAN, Việt Nam lại từng bước phát triển quan hệ với Mỹ là sự theo đuổi ngoại giao và biểu hiện chủ yếu của việc Việt Nam hội nhập đi sâu hơn nữa vào cộng đồng quốc tế. Sự bất đồng giữa hai nước và vấn đề còn sót lại của chiến tranh có ảnh hưởng hạn chế đối với sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ. Từ năm 2007 đến nay, quan hệ Việt-Mỹ thể hiện xu thế tăng cường hợp tác, phát triển nhanh chóng. Việt Nam bắt đầu thực thi chiến lược biển tổng thể trên phương diện quốc gia, Mỹ thì có những điều chỉnh tương ứng đối với chiến lược toàn cầu của mình, đồng thời sau năm 2009 thực thi chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ đó, Việt Nam và Mỹ có tương đối nhiều sự đồng nhất và nhu cầu hiện thực trong lợi ích chiến lược.

Chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những năm gần đây tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị chậm lại, sức ép tăng lên, còn kinh tế Mỹ thì đang dần dần phục hồi, việc phát triển hợp tác kinh tế thương mại với Mỹ có ý nghĩa nhiều hơn đối với Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số đông ở Đông Nam Á, tháng 10/2013 đã vượt 90 triệu người, nguồn lao động giá rẻ phong phú, có ưu thế đầu tư. Theo báo cáo do Chính phủ Mỹ công bố tháng 2/2013, Việt Nam có hơn 52 triệu người ở độ tuổi lao động, tỷ lệ biết chữ là 94%, lực lượng lao động dưới 40 tuổi chiếm 69%, hơn nữa yêu cầu tiền lương không cao (thấp nhất 80-112 USD/tháng). Hàng hóa do Việt Nam gia công, “sản xuất tại Việt Nam” có nguồn tiêu thụ tương đối lớn ở Mỹ, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vẫn có tiềm năng phát triển tương đối lớn.

Về việc kiềm chế sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và lợi dụng vấn đề trên biển tạo ra phiền phức, mục đích của Việt Nam và Mỹ là giống nhau. Vấn đề Biển Đông nóng lên, có mối liên hệ chặt chẽ với tuyên bố mạnh bạo “Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia Mỹ” của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN, cũng không thể tách rời “Chiến lược biển đến năm 2020” mà Việt Nam đang từng bước thúc đẩy. Trên cơ sở này, sự hợp tác về chính trị, kinh tế và quân sự giữa Việt Nam và Mỹ tăng lên rõ rệt, từ việc tàu chiến Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam, đến cán bộ quân sự Việt Nam lên tàu giao lưu, tiến hành diễn tập như tìm kiếm cứu nạn trên biển…; từ việc Việt Nam và Mỹ ký thỏa thuận hợp tác quân y, đến gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, xu thế hợp tác quân sự, ngoại giao Việt-Mỹ đáng để quan tâm. Quân đội Mỹ dự định trước năm 2020 duy trì 6 tàu sân bay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bố trí 60% tàu chiến đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đầu tư sức mạnh quân sự và vũ khí công nghệ cao nhiều hơn, để thực hiện chiến lược “tái cân bằng”, đồng thời đầu tư vào các mặt như ngoại giao châu Á đã tăng 7%. Điều này sẽ thúc đẩy sự điều hòa phối hợp và lợi dụng lẫn nhau giữa Mỹ và các nước như Việt Nam, Philippines… trong vấn đề Biển Đông, đem đến những biến số mới cho sự phát triển của tình hình khu vực Biển Đông.

2. Nội hàm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ

Để thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại mà “Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11” năm 2011 đã xác định, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác định năm 2013 là “năm ngoại giao Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, sự đột phá mới quan trọng nhất trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam chính là phát triển quan hệ với Mỹ. Việc Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước, và xây dựng quan hệ đối tác ở tầm tương đối cao với Mỹ, sẽ nảy sinh ảnh hưởng lớn hơn đối với Việt Nam.

Tháng 7/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang dẫn đoàn thăm chính thức Mỹ. Đây là Chủ tịch nước Việt Nam thứ hai sang thăm Mỹ từ khi bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Trong thời gian đến thăm Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần lượt tiến hành gặp gỡ trao đổi với các nhân vật quan trọng của Chính phủ Mỹ, nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện, lãnh đạo giới kinh doanh, các học giả nổi tiếng, quân nhân xuất ngũ và các nhà phụ trách của một số tổ chức quốc tế. Ngày 25/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, sau đó ra “tuyên bố chung”, tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, bày tỏ mong muốn trong khuôn khổ tổng thể này tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu. Sự hợp tác và trao đổi của quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ bao gồm các mặt như quan hệ về chính trị và ngoại giao, trao đổi thương mại và kinh tế, khoa học kỹ thuật, đào tạo giáo dục, môi trường và vệ sinh, vấn đề còn sót lại của chiến tranh, an ninh phòng vệ, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, cũng như bảo vệ và thúc đẩy văn hóa, thể thao và du lịch…

Có những đánh giá khác nhau về chuyến thăm này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sự đánh giá của Việt Nam là: Chuyến thăm này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được tiến hành trong diễn biến bối cảnh quốc tế vừa có thuận lợi vừa có thách thức, sự hợp tác cụ thể của Mỹ và Việt Nam trong tương lai có thể giành được những thành quả tích cực. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Mỹ Loretta Sanchez cho rằng giữa Mỹ và Việt Nam cần phải có một hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định giống như TPP. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Ed Royce cho rằng việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Mỹ là cơ hội quan trọng để phát tín hiệu tới người dân khát vọng tự do của Việt Nam. Các nhà báo của phương tiện truyền thông Trung Quốc thì cho rằng thông qua chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, “từ nội dung của mối quan hệ này cho thấy hai bên sẽ từng bước thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, nhưng từ tên gọi cho thấy cấp độ của mối quan hệ này lại chưa đủ cao”. Thực chất, cho dù đánh giá như thế nào đối với chuyến thăm Mỹ này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thì việc Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ song phương thành quan hệ đối tác toàn diện phải nói là thành quả mới của ngoại giao Việt Nam, đánh dấu quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến mới.

Quan hệ đối tác toàn diện khiến cho nội hàm của quan hệ song phương Việt-Mỹ có sự phát triển mới. Một là tăng thêm cấp độ trao đổi, tăng cường cơ chế hợp tác. Obama bày tỏ Mỹ ủng hộ độc lập, chủ quyền, phồn vinh và nỗ lực hội nhập cộng đồng quốc tế của Việt Nam; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì hoan nghênh Mỹ tăng cường hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có những đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực. Lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa ngoại trưởng hai nước, và khuyến khích duy trì đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan chính đảng hai nước. Đồng thời, hai bên bày tỏ sẽ nhanh chóng thực hiện thỏa thuận xây dựng sứ quán, cơ quan đại diện để phản ánh mức độ phát triển của quan hệ song phương.

Hai là tăng cường hợp tác và phối hợp trong cơ chế song phương và trường hợp ngoại giao đa phương. Việt Nam và Mỹ đồng ý tăng cường hợp tác song phương và trong các cơ chế đa phương như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong (LMI)…, sẽ cùng với các nước thành viên khác và Nhóm hạ nguồn Mekong và những người bạn, nỗ lực tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực, đối phó với các thách thức xuyên quốc gia.

Ba là quan hệ kinh tế và thương mại song phương giành được động lực thúc đẩy mới. Điều mà hai bên đặc biệt coi trọng là phải nhanh chóng thúc đẩy đàm phán TPP. Mỹ chú ý đến những nỗ lực cải cách của Việt Nam, bày tỏ sẽ ủng hộ nhiều hơn đối với công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam. Hai bên nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ thương mại ngày càng tăng lên giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ, đặc biệt chú ý bản ghi nhớ mà Tập đoàn dầu khí Việt Nam ký với Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ, thỏa thuận khung giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Exxon Mobil về việc thực thi dự án khai thác mỏ Cá Voi Xanh, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy, cũng như tiến triển hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trên lĩnh vực bảo hiểm và các dự án nông nghiệp…

Bốn là tăng cường hợp tác trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật và vệ sinh môi trường. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy ủy ban hợp tác khoa học và kỹ thuật Việt-Mỹ, hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học, triển khai hợp tác trên các lĩnh vực như đối phó với biến đổi khí hậu, công nghệ không gian và nghiên cứu biển... Nếu Việt Nam có thể vận chuyển các thanh nhiên liệu urani được làm giàu ở cấp độ cao một cách an toàn ra nước ngoài, thì Mỹ sẽ ủng hộ dự án sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thực hiện dự án năng lượng sạch và chương trình đầu tư rừng để đối phó với biến đổi khí hậu của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), tăng cường nghiên cứu dự án tài nguyên dòng chảy nước trong khuôn khổ LMI. Mỹ sẽ tài trợ chăm sóc y tế nhiều hơn cho người tàn tật của Việt Nam, thông qua “Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống AIDS của Tổng thống Mỹ” (PEPFAR), tiếp tục tài trợ cho Việt Nam xây dựng hệ thống phòng ngừa, điều trị và phục hồi HIV/AIDS. Hai bên còn tiếp tục thúc đẩy dự án xóa bỏ dioxin.

Năm là tiếp tục tiến hành hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự hài lòng đối với bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011, một lần nữa xác nhận nội dung của bản ghi nhớ này sẽ được thực hiện hoàn toàn. Hai bên sẽ tiếp tục triển khai đối thoại về chính sách phòng vệ Việt-Mỹ, cũng như đối thoại an ninh và quốc phòng song phương, mở rộng hợp tác cùng có lợi, nâng cao năng lực về các mặt như tăng cường hợp tác chấp pháp trên biển, tấn công cướp biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển và đối phó với thiên tai. Hai bên đồng ý cùng tấn công các hoạt động khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, đối phó ổn thỏa với tội phạm công nghệ cao và vấn đề an ninh mạng, Mỹ sẽ giúp Việt Nam huấn luyện lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

Sáu là tăng cường giao lưu nhân văn, tăng cường tìm hiểu lẫn nhau. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đều nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch, tăng cường giao lưu và tìm hiểu lẫn nhau giữa nhân dân hai nước là vô cùng quan trọng, cũng chú ý đến những thành công mà người Mỹ gốc Việt đã giành được và những đóng góp quan trọng của họ đối với sự phát triển của quan hệ song phương Mỹ-Việt. Việt Nam và Mỹ đều khuyến khích thông qua biểu diễn nghệ thuật, liên hoan âm nhạc, triển lãm và hoạt động văn hóa và thể thao khác giữa hai nước, để thúc đẩy giao lưu nhân văn.

Sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, sự trao đổi qua lại giữa hai nước tăng lên, giao lưu nhiều hơn. Tháng 8/2013, Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Mỹ; tháng 9/2013, tại Hà Nội hai nước đã tổ chức hoạt động kỷ niệm 25 năm “Hành động chung về tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam” (1988-2013); đồng thời, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dẫn đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Mỹ tham gia Hội nghị thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 68, gặp gỡ Bộ trưởng Thương mại và các đại diện thương mại của Mỹ, kêu gọi Mỹ thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Việt Nam; tháng 10/2013, tại Wasington hai nước đã tổ chức Đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ 6; trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23, Việt Nam và Mỹ đã ký “Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình”, sau đó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry; tháng 11/2013, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew đến thăm Việt Nam, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao thành quả hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Tài chính của hai nước. Tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Việt nam, lần lượt gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Ngoại trưởng Kerry bày tỏ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách tổng thể châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, hy vọng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực với Việt Nam.

Đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà hai nước cùng tham gia cũng có tiến triển. Ngày 8/10/2013, Hội nghị các nhà lãnh đạo TPP được tổ chức tại Bali, Indonesia đã thông qua “Tuyên bố các nhà lãnh đạo” mới, tuyên bố cho rằng các nước TPP bao gồm cả Mỹ và Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán để hoàn thành thỏa thuận; tháng 9/2014, Phiên đàm phán cấp trưởng đoàn TPP được tổ chức tại Việt Nam, hơn 400 đại biểu đến từ 11 quốc gia cam kết sẽ tiến hành phiên đàm phán mới tại Hà Nội. Phiên đàm phán này có thể giành được những tiến triển mang tính đột phá, để hoàn thành đàm phán, ký kết thỏa thuận cuối cùng.

Cho dù quan hệ Việt-Mỹ có tiến triển mới, nhưng sự chênh lệch rất lớn về phát triển kinh tế và xã hội hai nước, đặc biệt là quan niệm giá trị và vấn đề “nhân quyền”, ô nhiễm do chất làm rụng lá cây và vấn đề bồi thường bên bị hại…, còn nảy sinh những ảnh hưởng bất lợi đối với sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ trong những năm tới. Điều quan trọng hơn là Việt Nam làm thế nào để có thể vừa xích lại gần Mỹ, dựa vào Mỹ nhiều hơn, mà vẫn bảo đảm ổn định xã hội và chính trị trong nước, bảo đảm sự kế thừa văn hóa và an ninh ý thức hệ của nước mình, đây là vấn đề hiện thực mà tầng lớp lãnh đạo Việt Nam phải xem xét một cách thiết thực.

3. Một số nhận thức về sự phát triển sau này của quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, để đối phó với sự phát triển của toàn cầu hóa, đa cực hóa và trào lưu thời đại phát triển hòa bình, “một xu thế rõ rệt trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, đó là rất nhiều nước căn cứ theo nhu cầu lợi ích trong nước và nhu cầu vị trí trong hệ thống quốc tế, kết thành quan hệ đối tác nào đó với nước khác”. Về tổng thể, quan hệ đối tác là quan hệ qua lại bình đẳng, nhấn mạnh chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng, có đặc điểm rõ rệt so với quan hệ đồng minh chia sẻ lợi ích, giá thành và trách nhiệm. Khi phân tích quan hệ đối tác mà Trung Quốc thiết lập với các nước khác, có học giả cho rằng “quan hệ đối tác khác với quan hệ đồng minh, là quan hệ không mang tính ràng buộc”, “là quan hệ phi đối kháng, tức là quan hệ hiệp thương, cùng chung sống”. Trong thế giới hiện nay, việc thiết lập quan hệ đối tác là thuận theo trào lưu thời đại. Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác sẽ thúc đẩy hơn nữa sự nâng tầm và phát triển của quan hệ song phương. Đồng thời, nó còn bao hàm sự theo đuổi lợi ích địa chính trị của Việt Nam và Mỹ đối với nước mình, chắc chắn sẽ nảy sinh những ảnh hưởng nhất định đối với quan hệ địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và xung quanh Biển Đông.

Thứ nhất là quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ vẫn có không gian nâng cao, hai bên sẽ hướng tới đối tác chiến lược hay là đồng minh lợi ích, đây là điều đáng để quan sát

Năm 2013, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với các nước lớn và nước láng giềng khu vực. Trong năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) và Anh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Trung Quốc và Mỹ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Pháp… Bên cạnh đó, lần lượt đến thăm Việt Nam có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Nga Putin. Việt Nam còn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước là Pháp, Italy, Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Từ sự xác định trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam và các nước khác cho thấy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ vẫn là quan hệ song phương có cấp độ tương đối thấp, chỉ là nhấn mạnh tính rộng rãi và trên nhiều lĩnh vực của hợp tác. Nhưng nó vẫn thể hiện rõ sự phát triển mang tính thực chất, điều này cho thấy quan hệ lợi dụng chiến lược Việt-Mỹ đã được nâng lên tầm cao mới. Có học giả Việt Nam cho rằng quan hệ song phương Việt-Mỹ cho dù là dùng đối tác chiến lược, đối tác toàn diện hoặc phương thức khác để xác định, thì nội hàm hợp tác thực tế mới là biểu hiện trọng tâm nhất của quan hệ song phương.

Thông qua sự xác lập của quan hệ đối tác toàn diện, mong muốn hợp tác của Việt Nam và Mỹ tăng lên, con đường mở rộng. Khi trả lời phỏng vấn của phương tiện truyền thông Mỹ về việc Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng “Việt Nam sẽ tiếp tục coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu, Mỹ cũng rất coi trọng Việt Nam trong chính sách khu vực của Mỹ”, việc hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện “đã xác định khuôn khổ cho quan hệ song phương trong thời kỳ mới, đồng thời vạch rõ phương hướng phát triển của quan hệ hợp tác trong vài năm tới”.

Trong bối cảnh Mỹ thực thi chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam đang xích lại gần nhau, đồng thời tìm thấy điểm kết hợp lợi ích chiến lược mang tính nhất trí tạm thời, động hướng phát triển của hợp tác quân sự, hợp tác biển đáng được quan tâm. Trải qua một thời gian phát triển, quan hệ Việt-Mỹ rất có thể nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Nhưng đúng như học giả Australia từng cho rằng quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt “chủ yếu thể hiện mối quan hệ thận trọng từng bước mở rộng ra các lĩnh vực giữa hai nước. Bên cạnh theo đuổi các lợi ích, hai nước đều tránh các bước đi quá lớn”. Trong ngắn hạn Việt Nam sẽ cải cách hoàn toàn chính sách ngoại giao độc lập tự chủ và đa nguyên hóa, đa dạng hóa của nước này, khả năng hướng tới kết thành đồng minh và xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược công khai với Mỹ vẫn rất nhỏ. Khả năng có thể xảy ra nhất là trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, Việt Nam từng bước triển khai một số thăm dò có tính chất hợp tác kết thành đồng minh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà tháng 8/2014 Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin E. Dempsey đến thăm Việt Nam nhận được sự quan tâm của bên ngoài.

Thứ hai là sau khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ ở khu vực Biển Đông sẽ tăng lên, sự liên kết của hai bên sẽ khiến cho sự thay đổi của tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp hơn

Nội dung của “Tuyên bố chung Việt-Mỹ” cho thấy mong muốn hợp tác của hai bên về Biển Đông chủ yếu được thể hiện ở 5 mặt: Một là nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ không thể sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ toàn diện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm khởi động đàm phán về việc hoạch định “Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC), điều này phản ánh Việt Nam luôn lôi kéo Mỹ, tìm cách gây ảnh hưởng lớn hơn đối với tình hình Biển Đông và vấn đề Biển Đông. Hai là ra sức thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại thăm dò khai thác dầu khí trên biển giữa Việt Nam và Mỹ, thực hiện thỏa thuận hợp tác các dự án liên quan, đẩy mạnh mức độ thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông và vùng ven biển Việt Nam. Điều này sẽ gây nên sự căng thẳng và va chạm mới trong hoạt động thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ba là tăng cường hợp tác chấp pháp trên biển, tấn công hoạt động cướp biển, lấy danh nghĩa đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống để tìm kiếm sự hợp tác trên biển nhiều hơn. Điều này sẽ có lợi cho việc Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát biển. Bốn là triển khai hợp tác về nghiên cứu kỹ thuật khoa học về biển, tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật biển cho Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực đối phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và thiên tai. Năm là thông qua việc thực hiện chương trình hợp tác vùng hạ lưu sông Mekong có mối liên hệ nhất định với việc hợp tác trên biển do Mỹ khởi xướng, ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò tích cực trong một số dự án cụ thể của chương trình hợp tác này, tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và Việt Nam ở Biển Đông.

Mỹ từ lâu nay luôn lấy “tự do hàng hải trên Biển Đông, quan hệ mở cửa trên tuyến đường châu Á, lợi ích quốc gia của Mỹ với tư cách là quốc gia Thái Bình Dương” làm lý do, liên tiếp đưa ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông, đồng thời lợi dụng Việt Nam để kiềm chế sự trỗi dậy hòa bình trên biển của Trung Quốc. Tháng 11/2013, sau khi Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, một số học giả của Việt Nam và Mỹ lại bắt đầu nói về tự do hàng hải trên Biển Đông. Cùng với sự thay đổi của tình hình Biển Đông, Việt Nam và Mỹ còn tìm kiếm sự hợp tác mới trong vấn đề Biển Đông, thông qua các hình thức khác nhau để thách thức quyền lợi biển của Trung Quốc.

Thứ ba là tuy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ không nhằm vào nước thứ ba, nhưng sẽ nảy sinh những ảnh hưởng tế nhị đối với sự phát triển của quan hệ Trung-Việt
Quan hệ đối tác được coi là trào lưu của quan hệ quốc tế hiện nay, chủ yếu phản ánh sự phát triển của quan hệ song phương, đồng thời không nhằm vào nước thứ ba. Nhưng sự phát triển của quan hệ giữa nước này và nước kia và sự xác định của quan hệ tăng lên, rất có thể sẽ làm tiêu hao nguồn tài nguyên ngoại giao của các nước liên quan, ảnh hưởng đến hiệu quả nỗ lực ngoại giao các nước liên quan. Từ ngày 19-21/6/2013, nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tiến hành thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Hai bên đã ký “Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt”, đưa ra tuyên bố chung, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước giành được những tiến triển mới. Sau khi đến thăm Trung Quốc chỉ một tháng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Mỹ, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, hành động này phản ánh rõ chiến lược cân bằng nước lớn của Việt Nam. Việt Nam tìm cách lấy chiến lược này để thể hiện ngoại giao Việt Nam luôn cố gắng làm cho mọi việc đều thuận lợi, thực hiện chiến lược hai mặt, tìm kiếm tối đa hóa lợi ích cho nước mình.

Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt đã được thiết lập từ năm 2008, nhưng quan hệ Trung-Việt cũng có thể là quan hệ song phương phức tạp nhất và có tương đối nhiều mâu thuẫn, vừa có quan hệ giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa, vừa có quan hệ quốc gia dân tộc láng giềng, hai nhân tố chủ yếu là ý thức hệ và lợi ích quốc gia cũng đang phát huy vai trò. Nhưng từ căn bản, điều quyết định quan hệ giữa hai nước vẫn là lợi ích quốc gia và dân tộc của từng bên. Khi xử lý quan hệ quốc tế, Việt Nam xưa nay đều đặt chủ nghĩa dân tộc lên vị trí hàng đầu, sau đó mới là chủ nghĩa xã hội. Việc Mỹ phát triển quan hệ với Việt Nam cũng chính là nắm bắt được điểm mấu chốt này. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong buổi chiêu đãi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ cho rằng “Hiện nay, khi người Mỹ đề cập đến Việt Nam, điều mà họ nghĩ đến là một quốc gia, chứ không phải là một cuộc chiến tranh… trong lịch sử của mình, nhân dân hai nước đều hiểu rõ rằng: Chúng tôi không có kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có bạn bè chưa kết giao”. Nhận thức này thể hiện “tính bao dung” vốn ít ỏi của Mỹ, từ đó để lại không gian rất lớn cho Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ song phương, cũng để lại không ít khoảng trống xem xét cho sự phát triển của quan hệ Trung-Việt.

Nguồn: Facebook Việt Hoàng

 

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo