Chuyện phiếm

Ác mộng

Cập nhật lúc 07-07-2016 13:19:41 (GMT+1)
Ảnh minh họa: Internet

 

Ở xứ Cù lần, có một lão nông, họ Tập. Tham và ác, nổi tiếng. Ngứa mắt, là lão đánh người – Không thích, là có thể, giết người ta như ngóe. Dòng tộc, cũng chẳng từ. Riêng cái khoản ngu, lão vô đối thủ. Ngu lâu – dốt bền. Ngu từ đời này, sang đời khác và chưa hề có dấu hiệu, sẽ hạ nhiệt.


Quê lão, “chó ăn đá – gà ăn sỏi”. Thu hoạch, thất thường – Đói, triền miên. Đã thế: chồng, rượu chè – vợ, cờ bạc – con, nghiện ngập. Lấy đâu ra, của ăn – của để. Nghèo, kiết xác. Nhưng cả nhà, vẫn thường xuyên đi vay nặng lãi, để ăn chơi. Ăn, tàn bạo – chơi, ngông cuồng. Đã thế, ăn và chơi cái gì, cũng phải, “xứng tầm khu vực và thế giới”. Quí ai, lão đem mấy hòn đá ra, đục sơ – đẽo vội, làm thành tượng. Sau đó, đặt cùng đường. Thiếu chỗ trang trọng, cầu ao và chuồng lợn, cũng có thể được huy động, để đặt những “hình nhân thế mạng” đó.

Ra ngoài đường, mắt la – mày lét. Nhìn thấy của cải và tiền bạc của thiên hạ, là tối mắt lại. Từ cha tới con – từ vợ tới chồng, đông đàn – dài lũ, gọi nhau kéo đến. Quanh ra – quanh vào, bằng mọi cách, phải lừa đảo và ăn cướp cho bằng được, mới thôi. Đã nghèo, lại còn vô giáo dục. Cho nên, ai cũng chỉ nghĩ đến mình và chỉ nghĩ đến tiền. Họ, giành giật nhau miếng ăn và đánh nhau vỡ đầu, chỉ vì chỗ ở. Việc chung, chẳng ai ngó ngàng.

Đẻ con ra, không cho chúng đi học. Nhưng lại mơ, chúng sẽ có tiền bạc và danh vọng, Vì thế, dùng Kim Ngân, để đặt tên cho con gái. Với mong muốn, nó sẽ có nhiều vàng bạc làm của hồi môn. Để, dễ lấy chồng – Đặt tên cho con trai, là Phú Trọng. Với mong muốn, sau này, nó vừa giàu sang, vừa phú quí. Tam khoanh – tứ đốm, chỉ dám mạnh bạo xó nhà. Bước chân ra khỏi cửa, so vai – rụt cổ, hèn đến mức, không thể hèn hơn. Nhưng, vẫn chọn những cái tên Hùng – Dũng, để đặt cho con của mình. Hy vọng hão huyền, “cái áo, sẽ làm nên thày tu” – cái tên, sẽ giúp chúng, đổi đời (!). Những lúc nông nhàn, cả nhà xúm vào đan lờ. Rồi, treo lên ngọn cây đa cuối làng. Để, đơm cá. Dân gian, vì thế, tránh xa các con của chàng. Họ, gắn thêm cái biệt danh “lờ”, vào sau tên của mỗi đứa. Cho khỏi lẫn, với Thiên hạ. Tỷ như, Trọng lờ.

Hùng – Dũng – Sang – Trọng, tuy là 4 anh em ruột thịt. Nhưng, chúng tranh nhau ăn, như chó và chỉ bằng mặt, chứ chẳng bằng lòng với nhau, bao giờ.

Trong 4 anh em, Trọng lờ, là thằng tinh ranh nhất. Mắt lờ đờ, nhưng mũi thính hơn chó. Làm thợ xây, cho đến gần chót đời. Nhưng, nó không xây hoàn chỉnh được, bất cứ 1 cái gì. Cho dù, đó chỉ là, cái chuồng gà. Bù lại, những trò đá cá – lăn dưa và những mánh mung của bọn ma cà bông – ma cà chớp, nơi đầu đường – xó chợ, nó thạo lắm. Nó biết, gia tài lớn nhất của cả nhà, là cái quyển Sổ đỏ, mà bố nó, đang nắm trong tay và anh em nó, đừng có hòng, xơ múi gì ở đó. Nó nung nấu quyết tâm: Triệt cho bằng hết, cùng 1 lúc, cả bố mẹ, lẫn 3 thằng em. Để, giành lấy quyển Sổ đỏ đó. Một ngày kia, nó nghĩ ra 1 kế.

Nó mang rượu thịt, sang kết nghĩa anh em, với thằng Hoa du côn. Trùm băng đảng, ở cái làng, có tên là Thành Đô. Vừa khéo, thằng Hoa kia, cũng đang tính kế, thôn tính nhà nó. Lưu manh, gặp kẻ cướp. Chúng quấn nhau, như vợ chồng sam. Thằng Hoa nhận lời, sẽ cho nhân sâm, à quên, nhân-ngôn (Trong chữ Hán, hai chữ nhân  và ngôn ghép lại thành chữ tín  ; nhân- ngôn, ám chỉ thạch tín), vào giếng nước ăn của nhà Trọng. Đổi lại, thằng Hoa, sẽ được chia một phần, miếng đất hương hỏa nhà Trọng. Với công thức: “16+4”. Tan cuộc, thằng Hoa, y kế và y ước, thi hành. Bố mẹ Trọng lờ, dùng nước giếng ấy, bị ngộ độc và lăn đùng ra chết. Ba đứa em, nhất định, không chịu uống. Trọng sai con, vật ngửa 3 chú ra, rồi đổ nước vào mồm. Ba chú, giẫy đành đạch. Rồi theo nhau, về với ông bà – ông vải. Vật nuôi, dùng nước giếng ấy, ngẹo đầu – ngẹo cổ, mà chết. Cây trồng, tưới nước giếng ấy, thối gốc – trốc rễ, mà chết. Khiến cho, chuồng nhà Trọng lờ, bị bỏ không – ruộng nhà Trọng lờ, bị bỏ hóa. Cả nhà Trọng lờ, vô kế sinh nhai. Chẳng ai, còn thiết tha với ruộng vườn. Ai cũng muốn, bỏ đi biệt xứ. Kết quả, trên cả mức trông đợi. Cả thằng Hoa lẫn thằng Trọng, đều “múa tay trong bị”. Chúng hẹn nhau, sau lễ thất tuần của ông bà Tập, sẽ chia, “chiến lợi phẩm”. Trọng lờ còn muốn, dạm bán nốt cho thằng Hoa, cái phần còn lại của mình.

Thất tuần của bố mẹ, Trọng lờ, vay nóng của thằng Hoa, để làm rềnh rang và linh đình. Rạp, bắc từ đầu làng, tới cuối xã – Cỗ bàn, cùng với ruồi nhặng, ê hề. Chỗ này, là các bà già, với áo tứ thân, ngồi bổ trầu và nghe quan họ – Chỗ kia, các chú choai choai, mồ hôi nhễ nhại, quay cuồng trong tiếng nhạc Disco tưng bừng – Kèn tây, thi thanh cùng sáo nhị. Hàng Tổng và hàng Huyện, kéo đến chật ních. Ai cũng muốn xem, Trọng lờ, “báo Hiếu” cho bố mẹ nó, như thế nào. Trong cái đám đông ấy, chẳng thể thiếu, thằng Hoa và con vợ mắt lác của nó. Chúng, cũng mang lễ sang cúng bái và tiện thể, hỏi thằng Trọng, định bán nốt phần còn lại của mình, với giá bao nhiêu. Nhưng, vừa đặt lễ lên ban thờ, chưa kịp khấn vái, nó chợt giật nảy mình: Trong cái đám khói hương nghi ngút, nó và những người dự lễ, nhìn rõ mồn một, Bao công hiện về. Cạnh đó, là ông bà Tập. Nó sợ đến mức, ngã khuỵu xuống. Nó biết, giờ phán quyết, đã tới.

Lần đầu tiên trong đời, nó mở miệng, xin lỗi nạn nhân. Có bao nhiêu tiền lẻ trong túi, nó lập cập, móc ra bằng hết, để trên ban thờ của 2 ông bà. Coi như, đền bù cho những tội lỗi, mà nó đã cố ý gây ra. Về sự cố, đã bỏ thuốc độc, vào giếng nước nhà ông bà Tập, nó vừa khóc lóc – vừa thanh minh:

– Chủ mưu, là thằng Trọng. Tôi, chỉ là kẻ thừa hành. Tội tôi, nhẹ hều. Tôi chỉ bỏ thuốc độc vào giếng. Đâu có múc nước đó, đổ vào mồm nạn nhân. Chính nạn nhân, tự giết mình. Bởi, không uống nước đó, họ đâu có chết. Tương tự, vật nuôi – cây trồng chết, cũng chính bởi người nhà của ông bà Tập, dùng nước giếng ấy, mà gây ra. Đâu có bàn tay trực tiếp của tôi. Tóm lại, tôi chỉ nhận tội, đầu độc cái giếng nước, nhà ông bà Tập. Suy cho cùng, cái giếng nước ấy, chỉ là vật vô tri – vô giác. Tôi không có tội, gây ra những cái chết của nhà họ và không nhận tội “hủy hoại môi trường” nhà họ. Chính vì, những lẽ đó: Tôi chỉ có trách nhiệm, đền bù, cho việc tẩy độc cái giếng và “hỗ trợ”, cho thằng Trọng lờ, chuyển nghề. Thợ xây như nó, vất vả quá. Dùng tiền đền bù của tôi, sau “ba bảy – hai mốt ngày”, nó sẽ lột xác, để trở thành… Kiến trúc sư. Chuyên đi thiết kế chuồng xí, cho cái loài chó – lợn. Lĩnh vực ấy, chưa có ai làm. Một mình – một chợ, tha hồ mà phát tài. Ăn trắng – mặc trơn, sung sướng trọn đời. Xin Bao Công, mở lượng hải hà, mà tha bổng. Và, xin ngài làm chứng, bắt gia đình nhà thằng Trọng y ước, mà chia đất cho tôi.

Đến lượt, thằng Trọng. Mắt nó, đảo như rang lạc. Nó xiêu vẹo, tiến đến gần cái ban thờ. Việc đầu tiên, nó vươn tay, quơ hết số tiền mà thằng Hoa vừa đặt lên đó, cho vào túi. Đoạn, nhổ nước bọt vào ngón tay, rồi chấm lên mắt. Sau đó, nỉ non:

– Thưa Bao Công, thưa bố mẹ, cùng toàn thể chư vị. Tập Phú Trọng tôi, tuy thất học, nhưng hiểu câu, “một lời nói, một đọi máu” của giới giang hồ. Tôi mà không chia đất cho thằng Hoa, cả nhà tôi, sẽ sạch sành sanh, không còn 1 mống. Cái nhà này, ở vào thế “cù địa”. Nơi giáp giới của nhiều Quốc gia. Ai đến trước, sẽ dễ dàng, khống chế được cả Thiên hạ. Thế đất, đẹp như thế. Đương nhiên, bị nhiều kẻ nhòm ngó. Thằng Hoa, hay chú Sam mũi lõ, cũng đều muốn độc chiếm. Không trước – thì sau, nhà ta, cũng phải bán. Ai bán được và bán cho ai, với cái giá cao hơn, người ấy tài. Tuy bất tài và thất Đức, nhưng bán cho thẳng Hoa, tôi vẫn còn giữ lại được 4 phần gia sản của Tổ tiên. 16 phần còn lại, nhường cho nó. Đó là cái giá, để giữ “môi trường Hòa bình và Hữu nghị”. Giúp tôi, có được sự “ổn định về chính trị”, để hưởng trọn vẹn, cả 4 phần kia. Mà, không phải chia cho bất cứ 1 ai trong dòng tộc. 4 phần đó, nếu nhường nốt, vợ chồng thằng Hoa, cam kết: Sẽ nuôi không, cả lò – cả ổ nhà tôi. Cái giá ấy, rất hời. Xin đừng lên án tôi, “mại gia cầu vinh”. Tôi thề, không bao giờ, táng tận lương tâm, để làm cái việc đó. Đơn giản, tầm của tôi, chỉ biết mại gia để mà ăn chơi. Chứ nào có biết, vinh – nhục, nó là cái gì. Lên án tôi, trong cuộc mua bán – đổi chác này, thì dễ. Nhưng, hãy chìa bàn tay của quí vị, ra trước mặt và hãy nhìn vào đó: Chúng ta, rặt 1 lũ mặt ngay – tay đờ. Chơi với chú Sam mũi lõ, chú ấy bắt chúng ta, phải tự làm lấy mà ăn. Có mà, bỏ mẹ.

Thằng Hoa kia, bỏ thuốc độc, định giết hết cả nhà ta. Về lí, “sát nhân giả tử” (giết người, phải đền mạng). Nhưng do cảnh giác cao độ, nên tôi vẫn còn sống nhăn – sống nhở. Nhà ta, chưa bị tuyệt diệt. Vả lại, thằng Hoa đã nhận lỗi và đã đền bù xứng đáng. Từ xưa đến nay, cả họ Tập nhà mình, ai ai cũng có lòng nhân nghĩa– khoan dung – độ lượng. Chúng ta, chỉ đánh người chạy đi. Chúng ta, quyết không đánh kẻ chạy lại. Cho dù, mục đích chạy lại của chúng, là ăn cướp hay giết người. Người chết, thì cũng đã chết rồi. Bao Công có giết thêm 2 chúng tôi, cũng chẳng thể, làm cho bố mẹ – anh em – gà chó… nhà chúng tôi sống lại. Với tất cả những lí lẽ đó, xin Bao Công tha chết cho chúng tôi. Và, xin chứng thực, cho cái hợp đồng, mua bán – đổi chác của chúng tôi.

Nghe, chuyện thằng Trọng nói – Nhìn, việc thằng Trọng làm: Bao Công, uất nghẹn. Ngài, cho ông bà Tập, nói lời cuối. Cả đám Hiếu, nín lặng.

Ông bà Tập, luống cuống. Ngồi ở đây, nhưng tâm trí của họ, còn để ở tận đẩu – tận đâu. Cờ bạc, là nghiệp chướng của họ. Xuống Âm phủ, vẫn không thể dứt ra được. Mọi ý nghĩ, chỉ hướng về số tiền lô đề, mà họ đang nợ đầm đìa và đám chủ nợ, đang vây quanh, bắt phải trả. Liếc xuống, thấy thằng Trọng, nhấm nháy ra hiệu, sẽ tắc tế vàng mã cho ông bà. Thế là, quên hết. Cả hai, quỳ xuống. Xin Bao công, tha chết cho thằng Trọng. Với cớ, nó là thằng cùng đinh duy nhất còn lại, để lo việc cúng tế cho ông bà. Tiện thể, xin tha nốt cho thằng Hoa du côn. Với cớ, không có nó, thằng Trọng, lấy cứt mà đổ vào mồm. Cuối cùng, xin Bao Công, nói với Diêm vương, mỗi ngày, mở Xổ số, 2 đận.

Bao Công lắc đầu: “Ti tiện, đến chết, vẫn là đồ ti tiện”. Đoạn, Ngài quay xuống, phủ dụ đám đông:

– Ngồi trên Thiên đình, nhưng hàng ngày, ta vẫn nghe đài và đọc báo của nhà Sản, ở xứ Cù lần. Có lần, ta nghe 1 thằng mặt dầy, nói rằng: “Sống nghèo – hèn, trong công bằng – yên bình. Vạn lần tốt hơn giàu sang – phú quí, trong bon chen và hỗn loạn”. Nghèo – hèn, khoan nói. Ta cứ tưởng, ít ra, các người cũng được sống trong yên bình. Bởi vậy, từ lâu, không đáo qua đây. Hôm nay, vô tình ghé qua, ta mới biết, sự thực, không phải là như vậy. Ta đã nhìn thấy: trong đám dân chúng, ai cũng bị dán băng keo vào mồm. Đó, là cái giá phải trả, để có được, cái gọi là “yên bình”. Ta, xấu hổ thay, cho cái sự hèn hạ của các ngươi. Môi trường sống của các ngươi, đã bị nhiễm độc toàn diện và nặng nề. Các người, sắp chết cả nút đến nơi. Thế mà, vẫn nghe lời phỉnh phờ của thằng Trọng: im lặng, để giữ “sự ổn định chính trị”. Sao không biết bảo nhau, đập chết, hai cái thằng súc sinh đó đi. Cùng lắm, cũng phải biết, tự gỡ cái băng keo ở mồm ra. Rồi, đem cái nỗi oan ức này, kêu đến Cửu trùng? Bây giờ, ta sẽ thay các ngươi, đem 2 thằng Trời đánh – Thánh vật này, về phủ Khai Phong. Để, điều tra. Các người yên tâm, ta sẽ không điều tra trong “ba vạn – chính nghìn” ngày, như bọn nhà Sản, nơi Hạ giới đâu. Ngay ngày mai, ta sẽ đem chúng, ra sân vận đông Hàng Chiếu. Để, xét xử công khai. Cửa, ta mở tự do. Các người, rủ nhau đến, mà dự. Đến đó, các người, sẽ chứng kiến Chân lý: “lưới Trời lồng lộng – thưa mà khó lọt”. Tiện thể, ai có oan ức gì, gửi đơn cho Công Tôn Sách. Ta sẽ cứu xét luôn, cả thể.

Nghe thế, cả đám đông ào lên. Thoáng cái, Công Tôn Sách, đã bị đẩy đi, tít tận đằng nào. Gớm, yên bình gì, mà lắm oan khiên đến thế. Mình cũng muốn nhảy lên, để gửi đơn. Khốn nỗi, người thì bé – tính lại ngờ nghệch. Bởi thế, bị giẫm đạp tơi bời và bị đấm đá túi bụi.

Đau qua, mở choàng mắt ra. Trước mặt mình, là Sư tử. Mắt sáng quắc – tóc dựng ngược. Mụ thượng cẳng chân – hạ cẳng tay, đánh mình không thương tiếc. Vừa đánh – vừa la hét, như đang lên cơn điên. Mụ tóm tóc, hỏi mình: “Tối qua, lão đã mua thuốc liều chính hiệu, ở tiệm nào?”. Té ra, trong cơn mơ, mình đã đạp nàng, văng ra khỏi giường.

Đành phải thanh minh, bằng cách, kể lại giấc mơ. Kể thì dứt, nhưng chuyện, nào đã hết. Nàng tức giận, hỏi mình:

– Tóm lại, lão có gửi được đơn của nhà mình, hay không?

– Cậu đánh tớ, như đập mẹt. Đau quá, phải tỉnh. Tỉnh rồi, sao gửi được nữa?

Sư tử vồn vã:

– Thế thì, “anh ơi hãy ngủ, em hầu quạt cho”. Mơ tiếp đi, rồi nhớ chen thật lực vào. Đứa nào cản đường, anh cứ đánh bỏ mẹ nó đi. Tội vạ đâu, anh chịu nhé. Em, ứ chịu thay anh. Và, nhớ cho kĩ, câu này: Không gửi được đơn, đừng về.

Trời đất – Quỷ thần ơi! Lười nhác như mình, mà được ngủ tiếp, thì thích lắm. Nhưng, tỉnh dậy, mà nói rằng, “không tìm thấy Bao Công”, có mà no đòn.

Trở đi, mắc núi – trở lại, mắc sông. Ai ơi, cứu mình với.

Nguồn: Nguyễn Tiến Dân/Anhbasam

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo