Biển Đông

Việt Nam có chiến lược mới chống Trung Quốc ở Biển Đông

Cập nhật lúc 22-02-2017 11:04:33 (GMT+1)
Tàu ngầm lớp Kilo tại xưởng đóng tàu ở St Petersburg, Nga. (Hình: Getty Images/Olga Maltseva)

 

Giới chuyên gia quân sự tin rằng đối sách quân sự của Việt Nam chống lại Trung Quốc ở Biển Đông là tránh đụng độ ngoài biển mà chỉ dùng phương tiện thông thường, ngăn chận sự xâm nhập của lực lượng đối phương.


Tuy nhiên theo RFI, một bài phân tích của ông Koh Swee Lean Collin, chuyên gia Hải Quân Đông Nam Á thuộc trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam tại Singapore, đăng trên báo mạng National Interest, cho rằng Hải Quân Việt Nam đã thay đổi đối sách, chuyển sang sử dụng chiến lược chống can thiệp mà chủ lực là sáu tàu ngầm lớp Kilo trang bị hỏa tiễn hành trình Klub-S, đã được Nga chuyển giao toàn bộ.

Loại hỏa tiễn hải đối địa này có tầm bắn 300 cây số, có thể đánh vào các căn cứ và sân bay Trung Quốc, như căn cứ hải quân Tam Á (Sanya) ở phía Nam đảo Hải Nam, nơi tập trung các lực lượng Trung Quốc phụ trách vùng Biển Đông, hơn là nhắm vào các thành phố trải dọc theo bờ biển phía Nam của Trung Quốc.

Theo Giáo Sư Carlyle Thayer, nhà quan sát kỳ cựu về quân đội Việt Nam, việc có thêm một khả năng tấn công như vậy rõ ràng là một bước chuyển ra khỏi chiến lược chống tiếp cận trên biển.

Việt Nam không thể hy vọng ngăn chặn sự xâm lăng của Trung Quốc nếu không có phương tiện bắt Bắc Kinh trả giá đắt, như nguy cơ lực lượng Hải Quân tiền phương của họ ở Tam Á bị tiêu diệt chẳng hạn.

Vào lúc này, Việt Nam chưa có năng lực tấn công Trung Quốc sâu trong đất liền. Tuy nhiên, sự thiếu hụt đó không cản trở khả năng phản công của Việt Nam chống lại các mục tiêu ven biển.

Căn cứ Hải Quân Tam Á của Trung Quốc chẳng hạn, có thể bị tấn công một cách dễ dàng bằng các loại hỏa tiễn bay trên mặt nước không cần đến hệ thống định vị vệ tinh tinh vi mà Việt Nam chưa có.

Hà Nội chú ý đến việc tăng cường khả năng trừng phạt Bắc Kinh và bắt Trung Quốc trả giá nặng nề nếu xâm lăng Việt Nam.

Hồi năm 2014, một giới chức quân sự Việt Nam nói, tàu ngầm Kilo là một phần trong số vũ khí mà họ đang phát triển để bảo vệ tốt hơn chủ quyền.

Thủy quân lục chiến Việt Nam từng tập trận “tái chiếm đảo” tại khu vực Trường Sa, điều không thể tưởng từ năm 1988.

Trong Tháng Năm, 2016, Việt Nam đàm phán với Nga để mua thêm hai chiến hạm Gepard 3.9 trang bị hỏa tiễn dẫn đường và đặc biệt sẽ được trang bị thêm hỏa tiễn Klub.

Tóm lại theo ông Collin, Việt Nam đang từng bước chuyển hướng chiến lược, từ chống tiếp cận trên biển qua một chiến lược mới sẽ làm tăng chi phí mà Trung Quốc phải trả cho hành động xâm lăng của họ.

Nguồn: TP/nguoi-viet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo