Biển Đông

Ván bài Trung Quốc ở Biển Đông chưa ngã ngũ

Cập nhật lúc 13-05-2018 10:15:49 (GMT+1)
Ảnh chụp Đá Xu Bi (Trường Sa, Biển Đông)

 

Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 12/05/2018 là tờ tuần báo hiếm hoi quan tâm đến Biển Đông với một bài phân tích của phóng viên tại Washington mang tựa đề khá châm biếm : « Quậy phá : Trung Quốc đã bố trí tên lửa trên các đảo ở Biển Đông ». Điểm đáng chú ý là tác giả bài báo đã có một cái nhìn khác với xu hướng hiện nay theo đó Mỹ đã để mất Biển Đông vào tay Trung Quốc. Đối với The Economist, mọi sự chưa hẳn đã được an bài.


Bài báo mở đầu bằng lời báo động vào tháng Tư (2018) vừa qua của đô đốc Philip Davidson, người được tổng thống Donald Trump đề cử lãnh đạo lực lượng vũ trang Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo viên tướng này, sau gần 5 năm nạo vét và bồi đắp các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Philippines, Malaysia và Việt Nam, « Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ ».

Đô đốc Davidson đã nêu bật việc Trung Quốc đã đưa lên các thực thể đủ loại thiết bị quân sự, điều duy nhất chưa thấy là « lực lượng đồn trú ». Theo viên tướng Mỹ, một khi lực lượng này được triển khai, các tiền đồn của Trung Quốc sẽ có thể thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và « áp đảo dễ dàng » các đối thủ châu Á đòi chủ quyền trên các vùng biển đó.

Vào đầu tháng Năm, toàn cảnh mà đô đốc Davidson vẽ ra đã được tình báo Mỹ chi tiết hóa bằng thông tin, theo đó Bắc Kinh dường như đã triển khai tên lửa trên ba thực thể - Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) - từ các loại tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B với tầm bắn 295 hải lý (545km), đến tên lửa địa đối không HQ-9B có thể tiêu diệt phi cơ có người lái và không người lái trong phạm vi 160 hải lý.

Khi được hỏi về điều này, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định rằng chính quyền Trump « biết rất rõ về hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc » và đe dọa Bắc Kinh về « những hậu quả » phải gánh chịu.

Đối với The Economist, cho đến những năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, nhiều sĩ quan quân đội và quan chức Nhà Trắng đã xem nhẹ việc Trung Quốc cải tạo các rạn san hô đang tranh chấp. Theo họ, các căn cứ mà Bắc Kinh bồi đắp không có gì đáng ngại, và có thể bị tiêu diệt nhanh chóng trong một cuộc xung đột thực thụ.

Theo chuyên gia Andrew Erickson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, ngay cả vào lúc này, các cơ sở đó cũng không đáng sợ hơn bao nhiêu, thế nhưng mục tiêu của Trung Quốc không phải là khởi động một cuộc chiến tranh với Mỹ, mà là giữ thế thượng phong trong thời bình, hoặc trong các cuộc khủng hoảng ở trong « vùng xám », giữa hòa bình và chiến tranh. Trung Quốc muốn nói rõ với những láng giềng nhỏ và yếu hơn rằng họ sẽ phải « trả giá khủng khiếp nếu cố chống lại Trung Quốc ở Biển Đông »…

Tuy vậy, đối với chuyên gia Erickson, Biển Đông chưa bị mất. Mỹ đã cho đến nay đã ngăn cản được, không cho Trung Quốc phát triển khu vực bãi Scarborough, một rạn san hô ngoài khơi Philippines, đang bị Bắc Kinh kiểm soát. Nếu biến được nơi này thành tiền đồn, Trung Quốc sẽ hoàn thành được mục tiêu khống chế hoàn toàn Biển Đông.

Một dấu hiệu khác : Từ lúc ông Trump lên làm tổng thống, chưa thấy Trung Quốc có hành động khiêu khích trắng trợn nào nhắm vào tàu Mỹ hoạt động hợp pháp trong vùng.

Nguồn: Trọng Nghĩa/ RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo