Biển Đông

Trung Quốc cố thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng vũ lực

Cập nhật lúc 22-11-2015 16:03:16 (GMT+1)
Toàn cảnh đàm phán cấp cao Nhật Bản - Australia ngày 22/11/2015

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatami đã cáo buộc Trung Quốc “đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng vũ lực”.


Trong lúc các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương đang tề tựu tại Kuala Lumpur, Malaysia để tham dự các hội nghị thượng đỉnh với ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, thì tại Sydney, Australia, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Australia cũng có một cuộc đàm phán cấp cao song phương bàn về việc hợp tác, tăng cường quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai nước.

Điều trùng hợp là vấn đề Biển Đông và các hành vi của Trung Quốc đều là đề tài được tất cả các sự kiện trên đề cập với một sự quan tâm rõ ràng là không nhỏ.

Đài ABC của Australia cho hay, trong phát biểu khai mạc cuộc hội đàm cấp cao trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatami đã cáo buộc Trung Quốc “đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng vũ lực”.

Theo lãnh đạo quốc phòng Nhật, nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng vũ lực của Trung Quốc “dựa trên những đòi hỏi tự cao, tự mãn (self-righteous) là không phù hợp với luật pháp và trật tự quốc tế”.

Ông Nakatami kêu gọi Australia chia sẻ quan điểm này với Nhật Bản và đề nghị Canberra gửi một thông điệp rõ ràng chống lại các hoạt động quân sự “tự cao, tự mãn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Tôi tin rằng điều quan trọng là hai quốc gia và khu vực của chúng tôi cùng với nhau gửi một thông điệp rõ ràng rằng những nỗ lực như vậy sẽ không được dung thứ”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tuyên bố.

Về phía Australia, Ngoại trưởng Julie Bishop khẳng định “Australia có lợi ích quốc gia rất sâu sắc trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi thừa nhận rằng việc cải tạo đất và hoạt động xây dựng mà Trung Quốc và các bên tranh chấp khác thực hiện đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Theo bà Bishop, “tất cả các bên cần giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế và phù hợp với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

“Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước triển vọng quân sự của các hòn đảo và cấu trúc nhân tạo (mà Trung Quốc đã xây dựng phi pháp ở Biển Đông)”, Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh.

Trong một thông cáo kết thúc đàm phán cấp cao, Nhật Bản và Australia đã kêu gọi “tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông phải ngừng cải tạo đất ở quy mô lớn, xây dựng và sử dụng cho mục đích quân sự ở khu vực tranh chấp”, đồng thời “kiềm chế, thực hiện các bước để giảm bớt căng thẳng và tránh các hành động khiêu khích có thể làm căng thẳng leo thang”.

Bên lề cuộc đàm phán cấp cao Nhật - Australia, trả lời báo giới liên quan đến việc Nhật Bản cân nhắc triển khai lực lượng phòng vệ trên biển tới Biển Đông hay hỗ trợ Mỹ tuần tra ở vùng biển này, Bộ trưởng Quốc phòng Nakatami đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hoạt động đảm bảo tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế mà Mỹ đang tiến hành ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Nakatami cho biết, mặc dù vẫn tích cực đóng góp vào sự ổn định của khu vực nhưng Tokyo hiện chưa có kế hoạch tham gia vào các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thì khẳng định: “không có gì đã được quyết định, không có quyết định nào đã được thực hiện. Cộng đồng quốc tế phải làm việc phối hợp với nhau để đối phó với tình hình”.

Linh Phương
Nguồn: petrotimes.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo