Biển Đông

Tranh chấp Biển Đông: Bản đồ ‘có giá trị giới hạn’

Cập nhật lúc 13-04-2018 14:28:53 (GMT+1)
Việt Nam từng tổ chức triển lãm, trưng bày các bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

 

BBC mới đây đã đăng bài viết của phóng viên Bill Hayton nhận định "tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa thực ra là một sai lầm".


Ông Bill Hayton cũng cho rằng "tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chỉ mới nổi lên, phát sinh từ việc biên dịch tồi và những đánh dấu không đúng trên bản đồ hồi thập niên 1930".

Tìm hiểu thêm phản ứng từ Việt Nam, BBC đã hỏi ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TPHCM. Thành viên Ban nghiên cứu luật biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Hoàng Việt: Có điểm tôi đồng ý với nhà báo Bill Hayton ở chỗ là Trung Quốc đã đưa ra các bằng chứng chủ quyền của họ lệch lạc so với tài liệu nguyên gốc của chính họ.

Nhưng có điểm tôi không đồng ý với Bill Hayton ở chỗ là, không phải do bị nhầm lẫn hoặc dịch thuật sai mà Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền như vậy trên Biển Đông.

Mà đúng ra là bởi vì người Trung quốc họ đã nhìn thấy các lợi ích to lớn về biển cả mang lại, nên họ phải tìm mọi cách để chiếm hữu Biển Đông, để từ đó họ mở cánh cửa vươn ra thống trị thế giới.

Dựa trên mục tiêu đó, họ cố tình phải tìm mọi cách để chứng minh và thực hiện việc chiếm hữu của họ đối với Biển Đông. Và vì thế, họ đã cố tình ngụy tạo, biến đổi các tài liệu lịch sử mà họ có để phụ họa cho luận điểm của họ.

Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc tuyên bố là họ đã chiếm hữu các quần đảo ở Biển Đông từ thời nhà Hán (trước Công nguyên). Làm gì có chuyện đó chứ. Với các bằng chứng lịch sử và sự hình thành quốc gia dân tộc cùng với sự ra đời của luật quốc tế trên thế giới đều không thấy yêu sách kiểu đó là nghiêm túc.

PV:Ông từng được tiếp cận với những bản đồ nào cho cái nhìn khác về chủ quyền trên Biển Đông, so với tuyên bố hiện nay của Trung Quốc?

Các bản đồ chỉ có một giá trị giới hạn trong việc chứng minh chủ quyền của một quốc gia trên một vùng lãnh thổ thất định.

Các bản đồ càng về sau, với các yếu tố kỹ thuật chính xác thì còn có giá trị pháp lý cao hơn. Còn các bản đồ cổ, với sự hạn chế về kỹ thuật lúc đó, chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong việc chứng minh chủ quyền của một quốc gia.

Việc khẳng định chủ quyền của một quốc gia phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Các tài liệu lịch sử Trung Quốc cho thấy rõ ràng là cho đến năm 1932, lãnh thổ Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam mà thôi.

Có rất nhiều bản đồ của cả phương Tây và của cả Trung Quốc đều chứng minh vấn đề này. Chúng ta còn nhớ năm 2016, Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết là yêu sách "quyền lịch sử" của Trung Quốc trong đường lưỡi bò là vô căn cứ, vô giá trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh trên biển ở Biển Đông hôm 12/4

PVCác tư liệu bản đồ về chủ quyền trên Biển Đông đã và có thể đóng góp gì cho Việt Nam trong việc khẳng định/bảo vệ chủ quyền của mình trên vùng biển tranh chấp?

Như đã nói ở trên, các bản đồ nói chung chỉ đóng một vai trò hạn chế trong việc xác định chủ quyền quốc gia trên một vùng lãnh thổ.

Tuy vậy, việc có nhiều bản đồ cùng chứng minh rõ là Trung Quốc hoàn toàn không dựa trên các bằng chứng lịch sử một cách nghiêm túc, khách quan và rõ ràng thì cũng cho thấy mục đích thực sự của người Trung Quốc là thế nào.

Cũng như các bằng chứng họ đưa ra chỉ là ngụy tạo. Điều đó cũng giúp cho nhân dân trên thế giới hiểu thêm về Trung Quốc và cái gọi là yêu sách của họ trên Biển Đông.

PV:Tại sao cho tới nay các bản đồ này rất ít được biết đến?

Các bản đồ này trong giới nghiên cứu thì biết khá nhiều, nhưng nói chung người dân bình thường thì khó tiếp cận, chưa kể khả năng hiểu và phân tích bản đồ cổ không mấy người làm được, cho nên mức độ quảng bá các bản đồ này chưa nhiều.

Thêm một điều nữa là ở Việt Nam hiện nay, những người thực sự nghiên cứu sâu về bản đồ cổ không nhiều, và các nghiên cứu này cũng chưa được công bố trên các ấn phẩm quốc tế bằng tiếng Anh nên người dân trên thế giới nói chung khó tiếp cận. Điều này cần phải được khắc phục trong thời gian sắp tới.

Một bản đồ của Trung Quốc trong đó thể hiện đường chữ U trên biển Đông

PV: Nếu phân tích của nhà báo Bill Hayton là đúng, điều này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển?

Phân tích của Bill Hayton giúp chúng ta làm rõ một điều, các chứng cứ và lập luận cho yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc rất yếu.

Qua phán quyết của phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, chúng ta đã thấy rõ điểm yếu này.

Và như vậy, yêu sách trên Biển Đông của Việt Nam có thế mạnh nhất định, điều quan trọng là Việt Nam phải phát huy được thế mạnh ấy trên thực tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo