Biển Đông

TQ đổi chiến thuật ở Biển Đông: ‘Tứ Sa’ thay cho ‘Đường 9 đoạn’

Cập nhật lúc 22-09-2017 10:21:41 (GMT+1)
Bản đồ khu vực Biển Đông

 

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã ra mắt một chiến thuật pháp lý mới để hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền hung hăng của họ, tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, một vùng biển có vị trí chiến lược.


Chiến thuật mới mà các nhà phê bình gọi là “chiến tranh pháp lý” (lawfare), thay thế cho cái gọi là "đường 9-đoạn" của Trung Quốc.

Chiến thuật mới có tên gọi là "Tứ Sa" – theo tiếng Hoa có nghĩa là cát – đã được ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), Phó Tổng Giám đốc Cục Hiệp Định và Pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ trong một cuộc họp kín với các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước.

Trước đây Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 3 quần đảo và gần đây tuyên bố chủ quyền tại một khu vực thứ tư trong vùng biển phía bắc của Biển Đông được gọi là Quần đảo Pratas, gần Hồng Kông.

Các địa điểm còn lại là quần đảo Hoàng Sa đang trong vòng tranh chấp ở phía tây bắc, và quần đảo Trường Sa ở phía nam. Quần đảo thứ tư này nằm ở khu vực trung tâm và bao gồm bãi Macclesfield, một loạt rạn san hô ngầm và bãi cát.

Trung Quốc gọi các quần đảo này lần lượt là Đông Sa (Dongsha), Tây Sa (Xisha), Nam Sa (Nansha), và Trung Sa (Zhongsha).

Ông Mã loan báo trong các buổi họp ở thành phố Boston hôm 28 và 29/8 rằng Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với “Tứ Sa” thông qua một số tuyên bố pháp lý. Ông nói khu vực này là ‘lãnh hải mang tính lịch sử’ của Trung Quốc và còn là một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, xác định các khu vực liền kề một lãnh thổ là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh còn tuyên bố chủ quyền bằng cách khẳng định Tứ Sa là một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ tham dự cuộc họp bày tỏ ngạc nhiên trước mưu kế mới của Trung Quốc để đòi quyền kiểm soát biển, vì đây là điều chưa từng được thảo luận trước đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao.

Ông Higgins chỉ nói Hoa Kỳ có chính sách toàn cầu từ xưa đến nay về việc không áp dụng các lập luận tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Biển Đông.

Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo này, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Hoa Kỳ không thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các quần đảo vừa nêu, và nhấn mạnh vùng biển nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá ước lượng khoảng 3,37 nghìn tỷ đôla hàng năm, là biển quốc tế.

Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Biển Đông là lãnh hải quốc tế và tàu bè cũng như máy bay Mỹ sẽ qua lại trong khu vực, bất chấp các tuyên bố của Trung Quốc rằng vùng biển này là thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Chiến thuật pháp lý Tứ Sa hình thành sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hồi tháng 7/2016, bác bỏ tuyên bố ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc đối với các vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn do chính họ vẽ ra.

Vào năm 2012, Trung Quốc đã lập một đơn vị hành chánh mới gọi là thành phố Tam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và bãi Macclesfield, với dân số khoảng 2.500 người.

Ông Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Viện Hudson, và là giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc, cho biết ý đồ mới nhất của Trung Quốc, chiến tranh pháp lý, là một trong ba công cụ trong chiến tranh thông tin của Trung Quốc. Hai công cụ kia là chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý.

Ông Pillsbury lưu ý rằng chính phủ Hoa Kỳ không có khả năng về chiến tranh pháp lý mà khả năng chống lại chiến tranh pháp lý cũng không có.

Ông nói:

"Chính phủ Trung Quốc hình như được tổ chức tốt hơn để thiết kế và thực hiện các chiến thuật pháp lý khôn khéo để thách thức các quy tắc được quốc tế chấp nhận, mà không bị chế tài hay trừng phạt."

Trong quyển sách có tựa Chiến Tranh Pháp lý: Luật là vũ khí chiến tranh, tác giả Orde F. Kittrie nói rằng chiến tranh pháp lý trong bối cảnh lịch sử và ý thức hệ của Trung Quốc, bao gồm cả câu châm ngôn của Tôn Tử "đánh bại kẻ thù mà không cần chiến đấu là đỉnh cao của sự xuất sắc," cũng chính là vai trò của luật pháp trong triết lý Mao Trạch Đông và vai trò của luật pháp trong xã hội Trung Quốc hiện nay.

Nguồn: VOA

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo