Biển Đông

Phi cơ TQ và Mỹ 'suýt va chạm' trên Biển Đông

Cập nhật lúc 11-02-2017 05:20:37 (GMT+1)
P-3C được sử dụng trong lực lượng tuần tra của hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương (hình minh họa)

 

Một máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của Trung Quốc và một phi cơ tuần tra thuộc hải quân Hoa Kỳ đã có một cuộc chạm trán 'không an toàn' ở Biển Đông trong tuần rồi, hãng tin AP dẫn lời Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói hôm thứ Sáu.


Đây được cho là vụ đầu tiên xảy ra kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Vụ suýt va chạm giữa chiếc KJ-200 của Trung Quốc và chiếc P-3C của hải quân Mỹ diễn ra hôm thứ Tư 8/2 trên không phận quốc tế, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Robert Shuford nói.

Trang tin Daily Mail của Anh nói hai chiếc phi cơ đã bay sát, chỉ cách nhau chừng 1.000 bộ (khoảng 305m), ở phía trên khu vực bãi cạn Scarborough, mà phía Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham, nơi có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila nhưng phía Trung Quốc trên thực tế đang chiếm quyền kiểm soát.

Shuford không giải thích điểm không an toàn là gì trong vụ này, tuy khái niệm này thường được dùng để chỉ tình huống các phi cơ bay quá gần nhau.

Ông nói chiếc phi cơ Mỹ đang làm nhiệm vụ thường lệ và hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương "luôn quan ngại về những cuộc tương tác không an toàn với các lực lượng quân sự Trung Quốc", ông nói.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận gì phản hồi ngay lập tức trước câu hỏi được gửi tới bằng fax.

Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần Quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải

Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần Quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải

Tuy nhiên, trang mạng của tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản dẫn lời một quan chức giấu tên từ bộ này, nói viên phi công Trung Quốc đã đáp trả "theo cách hợp pháp và chuyên nghiệp".

Những vụ việc như thế này trước đây thỉnh thoảng cũng từng xảy ra ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng nước.

Tuy nói tôn trọng quyền tự do đi lại ở vùng biển chiến lược này, nhưng Bắc Kinh phản đối các hoạt động quân sự của Mỹ, đặc biệt là việc thu tập các tín hiệu tình báo do phi cơ Hoa Kỳ thực hiện ở gần đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có một số cơ sở quân sự.

Trong những năm gần đây, hai bên đã ký các thỏa thuận nhằm ngăn ngừa các vụ từ có nguy cơ va chạm biến thành cuộc khủng hoảng quốc tế.

Hồi tháng Tư 2001, một chiến đấu cơ Trung Quốc va vào một máy bay do thám của Mỹ ở Biển Đông, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và phía Trung Quốc đã giữ 24 người của phía Mỹ trong 10 ngày.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo