Biển Đông

Nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông khó loại trừ, ASEAN phải làm sao?

Cập nhật lúc 07-05-2018 14:56:10 (GMT+1)
Các học giả tham gia Diễn đàn truyền thông ASEAN năm 2018, ảnh: Chheang Vannarith / Khmer Times.

 

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về kinh tế, thương mại không đảm bảo cho hòa bình khi Mỹ ngày càng thấy rõ nguy cơ bị Trung Quốc thay thế.


Chheang Vannarith, biên tập viên Khmer Times ngày 7/5 có bài viết ghi nhận bình luận, phân tích đáng chú ý của một số học giả ASEAN về nguy cơ chiến tranh, xung đột ở Biển Đông, khu vực và vai trò, thách thức đối với ASEAN.

Tác giả cho biết, thứ Sáu tuần trước ngày 5/5 đã diễn ra Diễn đàn truyền thông ASEAN năm 2018, được tổ chức bởi Ban thư ký ASEAN và Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Singapore.

Theo tác giả, sự thay đổi quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra nhanh chóng, chủ yếu do sức mạnh suy giảm tương đối của Hoa Kỳ và sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc cũng như phần còn lại.

Người ta ước tính rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 1 thập kỷ nữa, tính từ bây giờ.

Bloomberg đưa tin, nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm vào khoảng 6,5%, GDP Trung Quốc sẽ cán mốc 25,5 ngàn tỉ USD vào năm 2029, trong khi GDP của Mỹ vào khoảng 24,1 ngàn tỉ USD.

Một số nhà phân tích lập luận rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau một cách phức tạp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ ràng buộc 2 cường quốc này hợp tác, giải quyết các mâu thuẫn và khác biệt bằng phương tiện hòa bình.

Tuy nhiên Giáo sư Tommy Koh, cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên cứu chính sách Singapore và là cựu Đại sứ của quốc đảo sư tử tại Liên Hợp Quốc, nhận định khác.

Ông cho rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không nhất thiết sẽ ngăn cản chiến tranh giữa các quốc gia. Bài học Thế chiến I cho thấy, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không phải sự đảm bảo của hòa bình.

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ quan điểm này. Ông nhấn mạnh:

Quan hệ Trung - Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn và có xu hướng tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Có một sự thay đổi "địa chấn" trong xã hội Mỹ nằm ngoài cá tính của Tổng thống Donald Trump, mang tính cấu trúc sâu sắc hơn;

Hiện có một nhận thức rộng rãi trong xã hội Mỹ rằng, Hoa Kỳ đang mất đi lợi thế trong cuộc đua với Trung Quốc;

Điều này buộc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải thực hiện một sự điều chỉnh và có biện pháp phòng ngừa.

Sự gián đoạn thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân gây lo ngại, các nước Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại trong cuộc cạnh tranh này.

Ngoài thương mại, eo biển Đài Loan cũng đang nóng lên thành một khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột sau những động thái mới đây của chính quyền Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Kishore tin rằng, khi cạnh tranh sức mạnh ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế của mình chống lại Mỹ, Biển Đông là một địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa 2 siêu cường này.

Mỹ sẽ có nhiều biện pháp cụ thể hơn từ quân sự cho đến ngoại giao để thách thức, hạn chế hoặc ngăn chặn các hành vi (hung hăng) của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh càng leo thang hơn trên Biển Đông, càng làm tổn hại đến hình ảnh của họ và niềm tin của khu vực đối với chính sách trỗi dậy hòa bình mà họ tuyên bố.

Giáo sư Tommy Koh cho rằng, EU ít có nguy cơ chiến tranh, nhưng ASEAN thì có. Theo giáo sư, ASEAN đang ở trong thời điểm quan trọng; 

Tổ chức này có phát triển hay không chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của ASEAN để hình dung ra vai trò của mình trong một môi trường địa chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng;

Nó cũng phụ thuộc vào việc ASEAN có can đảm đặt ra những câu hỏi quan trọng và thay đổi cách lãnh đạo của mình với các vấn đề khu vực, cũng như với các quốc gia thành viên hay không.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Marty Natalegawa, nhấn mạnh rằng:

Hoạt động như thường lệ là không đủ. ASEAN cần phải đổi mới niềm tin vào công cụ riêng của mình mà nó đã tạo ra, bao gồm một số khuôn khổ thủ tục giải quyết tranh chấp của hội đồng cấp cao chưa được kích hoạt.

Trung Quốc liên tục quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông đang tạo ra mối đe dọa an ninh với khu vực, quốc tế. Ảnh minh họa Trung Quốc bắn tên lửa trong 1 cuộc tập trận ở Biển Đông, nguồn: Nhân Dân nhật báo.

Để giải quyết các thách thức địa chính trị như thay đổi quyền lực, thâm hụt niềm tin và tranh chấp lãnh thổ, ASEAN phải xây dựng năng lực của mình về quản lý khủng hoảng, tăng cường các tiêu chuẩn không sử dụng vũ lực.

ASEAN cần phải hiểu được động lực của sự thay đổi quyền lực và xây dựng được một cân bằng động. 

Khối cần có tầm nhìn / tham vọng lớn hơn, có kịch bản riêng cho các vấn đề quốc tế nắm nắm lấy những thay đổi, khuyến khích các nhà lãnh đạo phải thay đổi để xây dựng một cơ chế phát triển lòng tin, đồng thuận trong khu vực.

Việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận đang là xương sống của sự thống nhất, trung lập của ASEAN nhưng sẽ là thách thức với ASEAN trong một số vấn đề nhạy cảm;

Nếu để các cường quốc can thiệp vào các quốc gia thành viên, ASEAN sẽ đánh mất vai trò.

Do đó, ASEAN phải xây dựng được cơ chế, tiêu chuẩn mạnh hơn để bảo vệ sự độc lập chủ quyền của các quốc gia thành viên nhằm ngăn chặn tác động bất lợi của sự cạnh tranh giữa các siêu cường toàn cầu.

Cá nhân người viết cho rằng, cạnh tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông nói riêng và trong các vấn đề khu vực, toàn cầu khác nói chung là một thực tế.

Thực tế này cũng dẫn đến nhiều tranh cãi, thậm chí chia rẽ, nhất là ở các quốc gia nằm trong địa bàn "hai con voi húc nhau".

ASEAN muốn giữ được vai trò và tăng cường tiếng nói của mình, cần thiết phải tái cấu trúc;

Đặc biệt là nguyên tắc đồng thuận, ASEAN cần phải điều chỉnh / thay đổi để không bị bất kỳ siêu cường nào chi phối qua một hoặc một số quốc gia thành viên.

Trong quá trình này, thượng tôn pháp luật và đoàn kết sẽ giúp các nước nhỏ có thêm sức mạnh;

Đồng thời, nó giúp ASEAN tránh bị lôi kéo vào bất kỳ bên nào, giữ được hòa bình, ổn định ở Biển Đông - nền tảng của phát triển, phồn vinh cho các nước trong khu vực.

Tranh chấp ở Biển Đông rất phức tạp, nhưng tựu trung lại có 3 loại chính:

Tranh chấp địa chính trị Trung - Mỹ; tranh chấp chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tranh chấp việc ứng dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 với các vùng biển.

Thiết nghĩ, ASEAN cần có sự phân biệt tường minh về các loại tranh chấp này, cơ chế pháp lý và thực tiễn quốc tế giải quyết các tranh chấp ấy;

Trên cơ sở đó, ASEAN xây dựng các chiến lược của riêng mình cho từng vấn đề theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bảo vệ hòa bình, như vậy mới mong có tiếng nói, chỗ đứng trong bối cảnh địa chính trị biến đổi nhanh chóng như hiện nay.

Có được hệ quy chiếu pháp lý rồi, thì mọi phản ứng và hành động của ASEAN sẽ có hiệu lực, hiệu quả và không thoát ly các quy chuẩn được thừa nhận rộng rãi, tránh bị lôi kéo về phe này chống lại phe kia.

Nguồn: Hồng Thủy/ Giaoduc.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo