Biển Đông

Mỹ lên kế hoạch tập trận lớn một tuần trên Biển Đông “dằn mặt” Trung Quốc

Cập nhật lúc 04-10-2018 07:20:29 (GMT+1)
Tàu sân bay USS Harry S Truman.

 

Đề xuất thực hiện tập trận trong một tuần trên khu vực Thái Bình Dương gần Biển Đông và eo biển Đài Loan cũng như những khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đang được quân đội Mỹ cân nhắc, đây là một phần trong Chiến lược Quốc phòng của Lầu Năm Góc, nếu được thực hiện sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ với Bắc Kinh, theo CNN. 


Theo nguồn tin từ nhiều quan chức quốc phòng Mỹ thì hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ vừa đưa ra một đề xuất nhằm biểu dương lực lượng cảnh cáo Trung Quốc và biểu thị Mỹ đã chuẩn bị các hành động ngăn chặn cũng như tấn công quân sự.

Kế hoạch dự kiến của Hải quân Mỹ là đưa Hạm đội Thái Bình Dương thực hiện một loạt các hoạt động trong suốt một tuần vào tháng 11. Mục tiêu là thực hiện các bài tập trọng điểm và tập trung cao với các tàu chiến, máy bay chiến đấu và binh sĩ để biểu thị việc Mỹ có thể tấn công những địch thủ tiềm tàng một cách nhanh chóng trên rất nhiều mặt trận.

Mỹ dự kiến sẽ đưa tàu và máy bay tới gần những vùng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông và eo biển Đài Loan khi thực hiện tuần tra vì tự do hàng hải FONOP để thể hiện quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế. Như vậy, tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần quân đội Trung Quốc.

Các quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng không có ý định khiêu khích Trung Quốc. Quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều kiểu chiến dịch trong năm nhưng đề xuất mới này đề nghị thực hiện rất nhiều nhiệm vụ cùng lúc chỉ trong một tuần.

Đề xuất được Hải quân Mỹ đưa ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục của Mỹ và Trung Quốc có cuộc chạm trán "không an toàn". Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp.

Trong khi một quan chức mô ta đây "mới chỉ là ý tưởng" thì có đủ bằng chứng cho thấy có một cái tên bí mật cho chiến dịch tác chiến gắn với đề xuất này đang được lưu hành trong nhiều cấp của quân đội Mỹ. Các quan chức không chứng thực tên của chiến dịch tiềm tàng này.

Các quan chức Mỹ thừa nhận Trung Quốc luôn coi các nhiệm vụ kiểu này là những hành động khiêu khích. Họ cũng xác nhận rằng tổ chức tình báo phải cân nhắc mọi mối quan ngại về phản ứng từ phía Trung Quốc.

Lầu Năm Góc từ chối thừa nhận hay bình luận về đề xuất trên. Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, trung tá David Eastburn tuyên bố: "Như bộ trưởng quốc phòng đã nói trong rất nhiều dịp, chúng tôi không bình luận về những chiến dịch trong tương lai dưới bất cứ hình thức nào".

Hạm đội Thái Bình Dương cũng từ chối bình luận về đề xuất trên. Bản đề xuất của Hải quân Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc thông tin về một cuộc chạm trán "không an toàn" giữa tàu khu trục của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.

Hải quân Mỹ thông tin rằng tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đã tiến vào trong khoảng cách chỉ 41m với tàu USS Decatur của Mỹ khi tàu này đang thực hiện chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải gần những hòn đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp ở Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.

Theo cựu sĩ quan Hải quân Mỹ Carl Schuster, người có thâm niên 12 năm trên biển nói rằng hai tàu khu trục 8.000 tấn có thể va chạm chỉ trong vài giây. Vụ chạm trán của hai tàu khu trục là đỉnh điểm sau những tuần căng thẳng dâng cao giữa Bắc Kinh và Washington.

Hai quan chức Mỹ thông tin rằng cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hủy kế hoạch thăm Bắc Kinh vào tháng 10. Ông Mattis đã dự kiến tới Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước này với mục đích bàn thảo về các vấn đề an ninh. Việc hủy bỏ kế hoạch viếng thăm (chưa được công bố) không được Lầu Năm Góc thừa nhận công khai.

 Trung Quốc đã hủy chuyến viếng thăm Hồng Kông của tàu đổ bộ Mỹ USS Wasp.

Trước đó, phía Trung Quốc đã bác đề xuất chuyến viếng thăm cảng Hồng Kông của tàu đổ bộ tấn công Mỹ USS Wasp. Tiếp theo, Hải quân Mỹ đã tung ra một loạt ảnh cho thấy binh sĩ trên tàu Wasp thực hành bắn đạn thật trên Biển Đông. Cũng trong tuần trước, Mỹ đã cho máy bay B-52 bay trên không phận Biển Đông và biển Hoa Đông.

Đầu tháng 9, Washington đã đưa ra lệnh trừng phạt với quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí tối tân của Nga bao gồm cả máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Trong khi đó, trên mặt trận kinh tế, chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế lên các mặt hàng xuất khấu của hai nước.

Trong một buổi họp báo vào tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông thường đề cập tới tình bạn của ông và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới hồi kết. Ông Trump nói: "Ông ta có thể không còn là bạn tôi nữa. Nhưng tôi nghĩ có lẽ ông ấy vẫn tôn trọng tôi". 

Đề xuất thực hiện cuộc tập trận trong 1 tuần được thực hiện bởi quân đội Mỹ trong tháng 11 khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ diễn ra. Cuộc tập trận này có thể có nhiều hệ quả chính trị với chính quyền của tổng thống Trump nếu quân đội Mỹ bị Trung Quốc thách thức.

Đề xuất tập trận hiện tập trung vào một loạt các chiến dịch trên Thái Bình Dương gần Trung Quốc nhưng nó có thể mở rộng sang tận bờ biển phía tây của Nam Mỹ nơi Trung Quốc đang tăng đầu tư. 

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và tướng Joseph Dunford - chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ sẽ tính đến hệ quả về ngoại giao của mỗi nhiệm vụ. Họ cũng sẽ cân nhắc rủi ro của việc bất chợt đưa quân đội tới những khu vực mới thay vì triển khai theo kế hoạch định sẵn và những khu vực nguy hiểm tiềm tàng đang được quân đội mở ra (để tấn công), đặc biệt là tại Trung Đông.

Ở thời điểm hiện tại, đề xuất này vẫn đang được quân đội cân nhắc. Đề xuất này được đưa ra theo Chiến lược Quốc phòng của Lầu Năm Góc tập trung vào những thách thức quân sự của Nga và Trung Quốc. Ông Mattis đang thúc giục các tướng lĩnh đưa ra các phương pháp triển khai quân sáng tạo và bất ngờ.

Nguồn: Tiệp Nguyễn/ viettimes.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo