Biển Đông

Mỹ, Ấn sẽ khuấy đảo Biển Đông?

Cập nhật lúc 03-10-2014 06:47:57 (GMT+1)
Tổng thống Obama (bên trái) và Thủ tướng Modi

 

Trong chuyến thăm gây chú ý của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Mỹ vừa mới đây, có một điều rất đặc biệt đã xảy ra, đó là lần đầu tiên một tuyên bố chung giữa Mỹ-Ấn đề cập đến Biển Đông - một trong những vấn đề “nóng” nhất thế giới hiện nay.


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều bày tỏ sự quan ngại về “căng thẳng leo thang trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải” ở Biển Đông.
 
Tuyên bố chung giữa Mỹ và Ấn Độ được đưa ra sau cuộc họp song phương giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Modi. Cuộc gặp này diễn ra chỉ vài ngày sau khi cuộc đối đầu căng thẳng ở khu vực đông nam Ladakh nằm trên biên giới Trung-Ấn vừa kết thúc với việc cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đồng loạt rút quân. Tình trạng bế tắc trong cuộc đối đầu ở biên giới Trung-Ấn tiếp diễn trong nhiều ngày thậm chí kể cả sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tận New Delhi để bảo đảm với Thủ tướng Modi rằng binh lính Trung Quốc đã nhận được lệnh rút quân.
 
Theo tuyên bố chung của Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi, hai nhà lãnh đạo này đã tái khẳng định lợi ích chung trong việc đảm bảo hoà bình và sự ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương bởi đây là điều vô cùng quan trọng để tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của khu vực. "Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ bày tỏ sự quan ngại thực sự về tình trạng leo thang căng thẳng trong các tranh chấp hàng hải đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải cũng như bảo đảm tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông”, tuyên bố chung Mỹ-Ấn nhấn mạnh.
 
Việc Biển Đông lần đầu tiên được đề cập trực tiếp, rõ ràng trong tuyên bố của hai cường quốc hàng đầu thế giới được cho là có ý nghĩa đặc biệt bởi cho đến nay, New Delhi vẫn chưa đi xa hơn việc thừa nhận chính sách tái cân bằng hay chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Washington. Trên thực tế, tuyên bố trước đây được phát đi sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và cựu Thủ tướng Manmohan Singh chỉ bày tỏ mong muốn hai bên trở thành đối tác thân thiết hơn và tăng cường phối hợp với các nước khác ở Châu Á-Thái Bình Dương “như Nhật Bản, Trung Quốc và tổ chức ASEAN cùng với nhiều nước khác xoay quanh kiến trúc thể chế của khu vực”.
 
Tuyên bố chung khi đó của ông Obama và ông Singh cũng không đả động gì đến các cuộc tranh chấp hàng hải trong khu vực hay bất kỳ điều gì nói đến tầm quan trọng của tự do hàng hải. Bất kể sự khiêu khích là gì thì tuyên bố chung Mỹ-Ấn khi đó cũng không đề cập đến Biển Đông. Tuyên bố đó chỉ kêu gọi tất cả các bên “tránh sử dụng hay đe doạ dùng vũ lực khi đòi hỏi chủ quyền” và tất nhiên không đề cập gì đến cái tên Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ lại khác. Không chỉ đề cập trực tiếp đến Biển Đông, "hai nhà lãnh đạo còn kêu gọi các bên có liên quan theo đuổi việc giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải thông qua các phương tiện hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc chung được công nhận, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tuyên bố chung Mỹ-Ấn còn nói về việc hai nước này hướng tới việc nâng cuộc đối thoại 3 bên với Nhật Bản lên cấp Ngoại trưởng.
 
Liên minh với Ấn Độ giúp Mỹ kiềm toả Trung Quốc
 
Ngay từ khi thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Mỹ được công bố, người ta đã nói rất nhiều về ý nghĩa của hoạt động ngoại giao này. Mỹ được tin là đang tìm cách ve vãn Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc. Bản thân New Delhi cũng muốn có sự trợ giúp của Washington để làm đối trọng với một nước láng giềng ngày càng tỏ ra quyết liệt và cứng rắn.
 
Chuyến thăm của tân Thủ tướng Ấn Độ Modi được xem là một cơ hội chưa từng có cho Mỹ để tăng cường mối quan hệ liên minh với một cường quốc khu vực Châu Á được xem là một đối trọng tự nhiên của Bắc Kinh. Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng Modi đang bắt tay vào việc thiết lập các mối quan hệ đối tác, liên minh mới. Không để lãng phí chút thời gian nào, ông Modi đã nhanh chóng có cuộc gặp với hầu hết các nhà lãnh đạo nổi bật của Châu Á, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Modi cũng đã có các cuộc hội đàm với Nhà lãnh đạo Israel Netanyahu tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc gần đây. Rõ ràng, cánh cửa đang mở ra với Mỹ và Tổng thống Barack Obama chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.
 
Nước Mỹ đã trải thảm đỏ để đón Thủ tướng Modi – người từng bị khước từ visa xin vào Mỹ cách đây khoảng một thập kỷ. Tổng thống Obama cũng dành khá nhiều điều đặc biệt để tiếp đón ông Modi nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Ấn.
 
Về phía Thủ tướng Modi, chuyến đi của ông này đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc vừa nóng lên bởi một cuộc đối đầu mới. Thủ tướng Modi đã cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, những vụ đụng độ ở biên giới có thể phá huỷ mối quan hệ song phương. “Thậm chí những sự việc rất nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng lớn nhất đến các mối quan hệ giống như một cái răng sâu nhỏ có thể làm tê liệt toàn bộ cơ thể”, ông Modi đã cảnh báo đầy cứng rắn như vậy.
 
Diễn biến trên khiến cho ông Modi có thêm động lực để thiết lập một mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ. Thủ tướng Ấn Độ được cho là có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, khác hẳn với người tiền nhiệm trước đây của ông.

Nguồn: Vân Linh/ VnMedia

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo