Biển Đông

Lần đầu tiên Mỹ đưa lý do Biển Đông trong trừng phạt thương mại Trung Quốc

Cập nhật lúc 27-08-2020 18:46:48 (GMT+1)
Mỹ tiếp tục theo sát những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông. (Nguồn: Internet)

 

Vừa qua, lần đầu tiên chính quyền Mỹ sử dụng danh sách trừng phạt các công ty Trung Quốc để liên hệ với việc Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông.


Không thể mua "dù là bàn chải đánh răng"

Chính quyền Tổng thống Trump ngày 26/8 đã bổ sung 24 công ty Trung Quốc vào một danh sách của chính phủ cấm những công ty này mua các sản phẩm của Mỹ, đồng thời viện dẫn vai trò của các công ty này trong việc trợ giúp quân đội Trung Quốc xây dựng (phi pháp-PV) các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông.

Trong những tháng qua, chính quyền Tổng thống Trump đã trừng phạt hàng chục công ty Trung Quốc bằng cách liệt chúng vào danh sách thực thể gây quan ngại cho an ninh quốc gia liên quan tới công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ sử dụng danh sách này để liên hệ với việc Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông.

Ông Kevin Wolf, một luật sư thương mại Mỹ, đã giải thích rằng các công ty này sẽ không còn có thể mua công nghệ và các sản phẩm khác được vận chuyển từ Mỹ, “dù là bản chải đánh răng hay chất bán dẫn”, nếu không có giấy phép đặc biệt. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong khi các công ty có thể yêu cầu giấy phép để có thể bán hàng cho các công ty trong danh sách cấm, song những yêu cầu như vậy thường bị từ chối.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo rằng họ sẽ bắt đầu áp đặt những hạn chế thị thực đối với công dân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc cải tạo, xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn tại các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông”. Những cá nhân vi phạm sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và các thành viên gia đình của họ cũng có thể đối mặt với những hạn chế thị thực. Các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ có thể không công khai danh tính của các giám đốc điều hành sẽ bị cấm đến Mỹ, song các quan chức này lưu ý rằng có “hàng chục cá nhân” sẽ phải chịu hạn chế đi lại.

Ngăn chặn hành động gây bất ổn

Đây là động thái mới nhất trong một loạt hành động khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Trump, người cáo buộc Bắc Kinh không làm đủ nỗ lực để ngăn chặn dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, đã tìm cách tăng cường trừng phạt Trung Quốc.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Mỹ đã cấm các ứng dụng truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu như TikTok và WeChat hoạt động tại Mỹ, đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc vi phạm nhân quyền, cùng với một số biện pháp trừng phạt khác. Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông là “hoàn toàn trái pháp luật”, điều này mở đường cho Mỹ để theo đuổi các biện pháp trừng phạt chống lại các công ty Trung Quốc hoạt động tại khu vực này.

Trong một thông cáo, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Chính phủ Trung Quốc đã gấp rút xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông kể từ năm 2013, nạo vét và bồi đắp hơn 1.200 hécta đất, bao gồm các hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm. Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đang gây phương hại đến chủ quyền của các nước khác trong khu vực và diễn ra bất chấp sự lên án của Mỹ và các quốc gia khác. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã nói trong một tuyên bố: “Các công ty trên cho đến nay đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và họ phải chịu trách nhiệm”.

Ngày 26/8, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ đã nói với các phóng viên rằng “có một lượng tương đối nhỏ” hàng xuất khẩu của Mỹ cho các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt với tổng giá trị khoảng 5 triệu USD trong 5 năm qua.

Các công ty được nêu tên bao gồm một số đơn vị của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, nhà thầu cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc đang xây dựng. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định công ty này đã “tham gia vào tệ nạn tham nhũng, lạm dụng tài chính, phá hủy môi trường và có các hành vi lạm dụng khác trên khắp thế giới”.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Trung Quốc không được phép lợi dụng những công ty này làm ‘vũ khí để thực hiện ý đồ bành trướng’. Mỹ sẽ hành động cho đến khi thấy Trung Quốc ngừng các hành vi cưỡng ép ở Biển Đông và sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh và đối tác để ngăn chặn hành động gây bất ổn này”.

Thu Hiền (Reuters, NYTimes)
 Nguồn: baoquocte.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo