Biển Đông

''Kỷ nguyên cạnh tranh mới'' với Trung Quốc: Anh sẽ đưa tàu sân bay đến Biển Đông?

Cập nhật lúc 01-09-2020 15:57:29 (GMT+1)
Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Anh

 

Chấm dứt “kỷ nguyên vàng” và bước vào “kỷ nguyên cạnh tranh mới” với Trung Quốc, liệu Anh có đưa tàu sân bay tới Biển Đông để thách thức Bắc Kinh?


Anh đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông?

Mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc leo thang căng thẳng trong những tháng gần đây. Các vấn đề liên quan đến Hong Kong cũng như đại dịch Covid-19 đã khiến London đánh giá lại quan hệ với Bắc Kinh. Quyết định chấm dứt sự tham gia của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vào mạng lưới 5G của Anh dường như báo trước về một hướng tiếp cận ngày càng đối đầu trong các vấn đề song phương giữa 2 nước.

Dù vậy, sự yên ắng kéo dài trong những tháng qua đã đặt câu hỏi về cam kết dài hạn của chính quyền Thủ tướng Johnson đối với sự thay đổi trên.

Trước thực tế không chắc chắn này, những quyết định sắp tới liên quan đến việc triển khai tàu sân bay mới của Anh - HMS Queen Elizabeth tới châu Á - Thái Bình Dương, đã mang một ý nghĩa mới.

Dự kiến triển khai nhiệm vụ đầu tiên vào năm tới, chuyến hải trình của tàu chiến này tại Biển Đông có thể tiết lộ thêm về việc liệu quan hệ Anh - Trung Quốc đã thực sự bước vào "kỷ nguyên cạnh tranh mới" hay chưa.

Dĩ nhiên, một điều quan trọng cần phải nhớ là ngay cả khi Anh có bất kỳ động thái nào như trên thì điều đó cũng không có nghĩa đây là sự quay lại cuộc chơi của một thành viên từng vắng bóng. Trên thực tế, quân đội Anh vẫn duy trì sự hiện diện đáng chú ý tại các hạ tầng an ninh khu vực với việc một phần của Hải quân Hoàng gia Anh tại Singapore đang bổ sung thêm 1 căn cứ nữa ở Brunei. Anh - một thành viên của Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) cùng với Malaysia và Singapore, gần đây vẫn đưa các tàu khu trục đi qua Biển Đông. Động thái này tiếp tục phản ánh tầm quan trọng của vùng biển chiến lược này đối với nền kinh tế Anh khi mà 12% lượng hàng hóa trao đổi trên biển của Anh đi qua khu vực này.

Ngoài những tuyên bố phản đối về mặt ngoại giao, sự liên quan hiện tại của Anh tại khu vực này chủ yếu vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới hạn chịu đựng này có thể không còn nữa nếu sự hiện diện trên lý thuyết của tàu HMS Queen Elizabeth tại Biển Đông trở thành sự thật.

Hồi đầu tháng 2/2019, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson thông báo rằng, vào năm 2021, tàu chiến này sẽ được đưa tới "Địa Trung Hải, Trung Đông và khu vực Thái Bình Dương". Mặc dù thiếu thông tin chi tiết nhưng bài phát biểu trên của quan chức Anh được cho là đã hủy hoại các cuộc trao đổi thương mại song phương Anh - Trung như đã lên kế hoạch.

Căng thẳng này càng trở nên nghiêm trọng hơn vào tháng 9 năm ngoái khi Đại sứ Trung Quốc Liu Xiaoming tuyên bố rằng, sự hiện diện của tàu có cờ Anh trong tương lai tại vùng biển nhạy cảm này có thể đối mặt với sự đáp trả quân sự. Tuyên bố trên đã cho thấy Trung Quốc muốn vạch rõ những lằn ranh đỏ của mình.

Tính toán của Anh

Tuy vậy, việc căng thẳng giữa Anh và Trung Quốc chỉ dừng lại ở những cuộc tranh cãi đã cho thấy London đang tiếp tục chờ đợi thời cơ để đưa ra phương án phản ứng phù hợp. Điều này được thể hiện rõ qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Baroness Goldie hồi tháng 7 rằng: "Chưa có quyết định nào được đưa ra" về việc triển khai tàu sân bay tại Biển Đông.

Nói cách khác, những tuyên bố trên đã cho thấy hướng tiếp cận có chủ ý của Anh nhằm để ngỏ các lựa chọn cho mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Hải quân Hoàng gia nước này gần đây cũng nhấn mạnh, việc triển khai tàu chiến tới khu vực Biển Đông sẽ chưa diễn ra cho tới ít nhất là tháng 5/2021. Điều này sẽ giúp 2 bên có một khoảng thời gian giá trị để định hướng lại các cuộc thảo luận về những vấn đề ít xung đột hơn.

Tuy nhiên, các quyết định liên quan đến nhiệm vụ của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ phải sớm được đưa ra. Các tàu sân bay không triển khai một mình và thường đi cùng với các tàu nước ngoài, trong trường hợp này là các thành viên NATO giống như Anh. Việc đưa ra quyết định có thể cũng ảnh hưởng đến các đồng minh của London, trong đó có Mỹ. Washington sẵn sàng hỗ trợ trong việc kiểm tra khả năng của tàu chiến trong khi các chiến đấu cơ của Thủy quân Lục chiến Mỹ được cho là sẽ đóng vai trò không thể thiếu nếu Anh triển khai HMS Queen Elizabeth vào năm sau.

Giữa bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung ở Biển Đông chưa có dấu hiệu dừng lại, Anh tiếp tục ủng hộ lập trường của Mỹ với quan điểm từng được ông Baroness Goldie đưa ra khi nhấn mạnh đến việc "duy trì các quy tắc dựa trên hệ thống quốc tế".

Chính phủ Anh có thể sẽ đối mặt với thách thức đáng kể trong những tuần và tháng tới, nhất là khi London vừa muốn thúc đẩy ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, vừa muốn duy trì quan hệ rộng rãi với Trung Quốc ở những lĩnh vực mà 2 bên có thể hợp tác với nhau./.

Kiều Anh (biên dịch)
Theo Diplomat
Nguồn: vov.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo