Biển Đông

Hoàn Cầu Thời Báo: Việt Nam, ‘sẽ không trở thành con cờ của Mỹ’ ở Biển Đông

Cập nhật lúc 23-10-2018 06:45:35 (GMT+1)
Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố về biển Đông trên Twitter (@PressDept_MoFA)

 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa cho đăng hai bài báo liên tiếp trong hai ngày 21 và 22/10/2018, mạnh mẽ đả kích các động thái mới nhất của Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn tại Biển Đông và tìm cách thành lập một liên minh chống TQ. Tác giả bài báo ngày 22/10 còn nói "trước ‘thái độ gây hấn của Mỹ, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn, và có thể sẽ phải có biện pháp mạnh chống lại". Về nước láng giềng Việt Nam, một nhà phân tích TQ cho rằng, dưới quyền Tổng Bí Thư và sắp tới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam sẽ tỏ ra 'khôn ngoan hơn và không ‘sẵn sàng làm một con cờ của Mỹ’.


Đội Huấn luyện Lưu động Tuần duyên Hoa Kỳ tổ chức khóa huấn luyện cho các binh sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam. (Ảnh: Facebook Đại sứ Ted Osius)

Trong bài báo đăng lên trang mạng của tờ Hoàn cầu Thời báo đêm 21/10 dưới tiêu đề ‘Liệu Việt Nam có sẽ rập khuôn theo Mỹ ở Biển Đông?’, tác gỉả cho rằng trong mấy năm qua, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã đạt được đồng thuận về cơ bản để duy trì tình trạng ổn định trong Biển Đông.

Tác giả Li Jiangang, một nhà nghiên cứu của Viện Nam Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện nghiên cứu các Quan hệ Quốc tế đương đại TQ, nói vì không sẵn sàng chấp nhận các vùng biển này đang biến chuyển từ một điểm nóng sang thành một khu vực tương đối yên bình, nên Hoa Kỳ quay sang ve vãn Việt Nam và các nước láng giềng để các nước này hậu thuẫn các nỗ lực của Washington ‘thiết lập một vùng Biển Đông do Mỹ thống trị’.

Ông Daniel Kritenbrink tại Hội nghị CSIS thường niên lần 6 về Biển Đông, 12/7/2016

Nhà nghiên cứu Trung Quốc viện dẫn việc Mỹ điều chiến hạm vào vùng biển thuọc phạm vi 12 hải lý cách quần đảo Trường Sa – mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là một hành động khiêu khích, và nhấn mạnh chuyến đi thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nằm trong chiến lược rộng lớn của Mỹ để kiềm hãm Trung Quốc.

Trên đường tới tpHCM, Bộ trưởng Mattis nói với các nhà báo rằng Washington quan tâm sâu xa tới việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo trong Biển Đông, ông cảnh giác về “sự hiện diện quân sự đang tăng” và ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực. Ông Mattis còn khuyến cáo các nước nhỏ về ý đồ của Trung Quốc, sử dụng sức mạnh kinh tế áp đảo để làm lợi cho mình trong khi phương hại tới các lợi ích các nước nhỏ. Tái khẳng định quan điểm không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa biển Đông hoặc có hành vi cưỡng ép tại khu vực này, ông Mattis kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác chống lại hành vi này.

Tác giả bài báo miêu tả Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người sắp kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước, là một nhân vật theo đuổi các chính sách thân Trung Quốc, một người thực tiễn và mong muốn duy trì ổn định, cho nên Mỹ và các nước phương Tây lo ngại “các thành phần thân Trung Quốc có quan điểm trung hòa” sẽ chi phối chính sách đối ngoại Việt Nam trong tương lai.

Theo tác giả thì “Việt Nam “không sẵn sàng trở thành một con cờ của Mỹ.”

Nêu lên việc Việt Nam vẫn theo đuổi một chính sách đối ngoại “đa dạng và đa phương, tác giả nói Hà nội sẽ duy trì tính độc lập của mình bằng cách kết thân với nhiều nước. Theo bài báo Việt Nam trong thời gian qua đã tìm cách cân bằng giữa các cường quốc và từ chối ngả về bất cứ bên nào. Và kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII năm 2016, giới lãnh đạo Việt Nam đã chọn một chính sách ngoại giao mềm dẻo và ôn hòa hơn cho nên ‘không xảy ra bất cứ cuộc đụng độ nào với Trung Quốc’ trong giai đoạn này, và nhờ đó Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Tác giả lưu ý rằng truyền thông nhà nước Việt Nam đã không hết mình cổ vũ cho chuyến đi thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, mà còn tránh đề cập tới “Biển Đông” trong thời gian này.

Bài báo cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam vẫn nghi ngại ý đồ của Hoa Kỳ, viện các lý do ủng hộ dân chủ, nhân quyền để gây rối, và cảnh giác Hoa Kỳ “chưa bao giờ từ bỏ ý định bảo trợ cho một cuộc cách mạng màu” tại Việt Nam.

Bài báo kết luận rằng hợp tác là giải pháp duy nhất. Tham gia Con Đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc sẽ có lợi cho Việt Nam, hơn là mua vũ khí và chọn giải pháp đối đầu quân sự.

Trong một bài báo khác đăng trên Tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 22/10, một nhà nghiên cứu của Viện quốc gia nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa nói rằng tại Hoa Kỳ dường như các chính khách, các học gỉả và giới truyền thông đều đồng thuận với nhau khi mô tả ‘bất cứ hành động nào của Trung Quốc tại đây cũng đều có tính cách “gây hấn, nhằm mục đích bành trướng, và đe dọa các quyền lợi của Hoa Kỳ”.

Bài báo viết Mỹ coi Bắc Kinh là một đối thủ thách thức hiện trạng, và do đó đang tìm cách xây dựng và củng cố vây cánh chống lại Trung Quốc, bằng “chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Tác giả bài báo, Chen Xiangmiao, nói trước những động thái hung hăng của Mỹ, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, mà trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai nước, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác hơn là đề ra những giải pháp chống lại, kể cả biện pháp triển khai quân sự tới khu vực.

Tác giả nói Mỹ đã sai lầm khi cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các nỗ lực nhằm thách thức vị thế cường quốc duy nhất của Mỹ trên thế giới, chực leo thang xung đột để giành quyền thống trị hệ thống quốc tế, và nếu Mỹ tiếp tục có “quan điểm sai trái đó thì có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi” giữa hai nước tại điểm nóng trong khu vực này.

Trong trường hợp đó, Biển Đông có phần chắc sẽ trở thành tuyến đầu của “một cuộc chiến tranh lạnh mới.”

Nguồn: Hoài Hương/ VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo