Biển Đông

Ghi ở thị trấn xa nhất Tổ quốc

Cập nhật lúc 14-05-2011 15:07:29 (GMT+1)
Ảnh minh họa- Nguồn: Vnexpress

 

Cách Cam Ranh 450km, cách Vũng Tàu 500km đường biển, như vậy tính đến thời gian này, thị trấn Trường Sa đang được coi là thị trấn biển xa nhất, tính từ tỉnh (tỉnh Khánh Hòa) trong đất nước ta. Xa, lại là thị trấn giữa trùng khơi nữa, nên Trường Sa luôn đem lại cho người ta một suy nghĩ rằng nơi ấy sẽ nghèo nàn và lạc hậu lắm. Thế nhưng có lên những chuyến tàu để đến với huyện đảo này, tận mắt mà chứng kiến mới thấy cuộc sống ở đây đã khác hẳn với những gì người ta nghĩ.


 Công dân nhỏ trên đảo lớn

Hành trang gói ghém trong hành trình của tôi đến với thị trấn Trường Sa, lớn nhất và khắc khoải nhất ấy vẫn là những câu thơ mà anh bạn tôi đã chép tặng trong một dịp ra với Trường Sa ở những thập niên 80 của thế kỷ 20: “Ở đây chỉ có hai mùa, mùa mưa và mùa nắng. Đảo xa đầy cát trắng, vang tiếng tuổi trẻ thơ. Con sóng xa nhớ bờ. Bến gần và bến xa...”.

Tôi biết tâm trạng và sự mong mỏi của anh bạn trong thời gian ấy. Ngày ấy anh ra Trường Sa, chúng ta đang khó khăn bộn bề, trong đất liền còn cơ nhọc, huống hồ 1 đảo nằm xa ngái ngoài khơi của Tổ quốc. Ngày ấy, mọi cái cho cuộc sống đời thường, Trường Sa chưa chủ động được, nhất là nước ngọt. Chắc Trường Sa của chúng ta thời ấy chỉ có doanh trại quân đội, thoảng hoặc có tàu cá tạt vào tránh trú bão nên đâu có dân. Vậy nên anh mới khát khao, có những tiếng trẻ thơ, có dân sinh sống nơi đây.

Ai cũng bảo hồi ấy anh lãng mạn và có sự “bịa đặt” về cuộc sống ở đây. Nào ngờ, nhận định của anh đã trở thành “tiên tri”. Hơn 20 năm sau, nối gót chân và những vần thơ hết sức lãng mạn, đầy ước vọng của anh, tôi ra đảo. Sự thật đã hiện hữu, Trường Sa nay đã có trẻ, tuổi thơ đã vang tiếng ở đây và cùng đó là mái sống định cư của các hộ dân.

Hôm tôi đặt chân lên cầu cảng Trường Sa để vào thị trấn, trời lặng sóng đến không ngờ. Từ xa trông vào, thị trấn bát ngát một mầu xanh cây cối, những thứ mà mấy chục năm trước vốn là thứ “xa xỉ” ở cái đảo chang chang cát và tơi bời gió biển này. Những mệt mỏi của dặm dài lênh đênh sóng của tôi chợt tan biến bởi những cái cười giòn tan, những cái kéo tay và lời mời gọi của những đứa trẻ mặn mòi gió biển nơi thị trấn: Chú vô nhà con đi. Nhà con vừa mới có em bé đấy, chú vô nhà con uống nước và thăm em bé đi!

 

Trong huyện đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa “đóng đô” ở đảo Trường Sa lớn. Các xã phụ cận với thị trấn đảo này còn có: Song Tử Tây, Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Trước, do chưa chủ động được nước ngọt, đất đai chưa được khẩn hoang, cuộc sống không được đảm bảo nên chưa có dân ra sinh sống. Với chủ trương phát triển kinh tế biển, đảo là nhà nên ngoài việc đóng quân để giữ vững chủ quyền, chương trình xanh hóa đảo đã được đưa ra.

Ngoài thời gian luyện tập, canh giữ và tuần tra biển đảo, với nỗi lòng mong muốn gửi gắm từ đất liền, các chiến sỹ ở đây đã dành thời gian để cải tạo, phủ màu xanh cho đảo. Cùng sự chiu chắt tiền của trong đất liền, các cơ quan đã liên tục cử người ra đây để tìm kiếm nước ngọt và xây các hệ thống bể trữ bể chứa nước mưa trên đảo. Nước ngọt có, đất đai được khẩn hoang, màu xanh được phủ, những cái cơ bản cho cuộc sống được đảm bảo, đảo đã bắt đầu đón những người dân đầu tiên ra sinh sống.

Quay đi quay lại, với một tình cảm thiêng liêng yêu biển, yêu đảo, giờ đây, ra thị trấn Trường Sa, trong các khắc giờ, là tấp nập những sự đi lại, tiếng nói cười của người dân, đặc biệt là các công dân nhí nơi đây. Theo chân Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 4, tôi tìm đến nhà đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tấn Thi và Nguyễn Thị Thanh Thúy. Đây là cặp vợ chồng trẻ mãi trong Cam Ranh, vì yêu biển, yêu hòn đảo có tên Trường Sa nên đã xung phong ra đây để lập nghiệp. Vợ chồng Thi – Thúy cũng vừa sinh hạ thêm 1 cháu bé đặt tên là Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Đây là công dân nhí đầu tiên được khai sinh trên đảo.

Chuyện trò, Thúy cho biết, cuộc sống trên thị trấn Trường Sa nay đã rất thuận lợi. Ngoài nhà cửa được hỗ trợ xây dựng thì gia đình còn trực tiếp lao động sản xuất trên đảo. Ngoài trồng rau xanh, nuôi gia cầm để cải thiện thì anh Thi chồng Thúy còn có nghề đi biển. Ngoài này, do ngư trường chưa bị xâm hại nghiêm trọng nên nguồn lợi thủy sản còn tương đối nhiều. Ra đây, cá tôm đánh bắt được trong ngày vợ chồng Thúy có thể bán ngay trên đảo hay bán cho các tầu thu mua thủy hải sản. Cuộc sống mưu sinh tương đối thuận lợi, sáng đi biển, chiều về với gia đình chứ không còn phải là những chuỗi ngày xa cách của nghề đi biển ngày xưa trong đất liền nữa.

Không chỉ được vui chơi, được học hành, được sống một cuộc sống tương đối đảm bảo với những nhu cầu tối thiểu cần phải có, trẻ em trên thị trấn còn được tiếp cận với các mô hình và kiến thức thông tin hết sức hiện đại. Sóng điện thoại Viettell đã được phủ, các em đã biết vào mạng để tra cứu thông tin. Thao tác khá thạo với một trang văn bản đang được chính tay mình đánh trên bàn phím, Võ Viết Hiền, học sinh lớp 4 của thị trấn cho biết: Ngoài giờ lên lớp, rỗi các em lại được các chiến sỹ và lãnh đạo ở đây dạy thao tác máy vi tính. Ngoài tập đánh văn bản, vào mạng thì các em còn thường xuyên được dùng máy tính để chơi các trò chơi điện tử của lứa tuổi.

Với cái cười tủm tỉm, Nguyễn Thị My Sen cho biết, em rất thích cuộc sống ở ngoài này. Lớp học, bạn bè, ti vi đều có cả. Ngày đi học, tối đến rỗi rãi em lại còn được bố cho đi bắt bạch tuộc, bắt ốc để bán kiếm thêm thu nhập. Về nỗi nhớ đất liền, khi được hỏi em cho biết: Giờ tàu bè cặp mạn liên tục. Thị trấn luôn có người thân ra thăm và trong các chuyến tàu ấy cũng có cả những người thân của em.

 

Đất liền yên tâm!

Đó là câu nói rất tự tin của của Thượng tá Nguyễn Hữu Lục – Đảo trưởng đảo Trường Sa lớn gửi gắm đến chúng tôi. Theo anh Lục, ngày 29-4-1975 Trường Sa được giải phóng. Và từ ngày ấy đến nay, đảo luôn dành được sự quan tâm của các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu nhất là năm 1977 đảo đã được đích thân Bác Tôn gửi lẵng hoa ra chúc mừng. Không phụ công chăm chút và quan tâm từ đất liền, với sự phấn đấu đi lên của mình, các chiến sỹ và người dân luôn nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Năm 1985, Trường Sa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liên tiếp trong các năm 1982, 2001, 2006 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba.  

    Không chỉ dừng ở những phần thưởng danh giá, với chiến lược biển đến năm 2020 trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa 10 đã đề ra, quân dân trên đảo Trường Sa đã có những bước phấn đấu hết sức đáng ghi nhận. Từ một cuộc sống chủ yếu trông chờ vào đất liền, nay các lực lượng vũ trang và quân dân trên đảo đã chủ động tham gia lao động sản xuất cũng như các công tác xã hội khác. Điều này minh chứng huyện đảo đã có một cuộc sống phong phú, tương tự như đất liền.

Mấy năm gần đây thôi, đảo đã tạo điều kiện cho 314 lượt tàu đánh cá của ngư dân ta ra khai thác hải sản, hỗ trợ được 13.700 lít nước ngọt cho ngư dân. Đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất trên đảo đã đem lại cho đảo một nguồn thu 21.830kg rau xanh, 4.350kg thịt các loại và 2.850kg cá. Các công tác vận động quyên góp ủng hộ luôn tạo ra những phong trào lớn trên đảo. Từ một huyện đảo không có thu, chủ yếu sống bằng ngân sách và hỗ trợ, nhưng tới giờ, kinh tế phát triển nên đảo đã làm rất tốt các phong trào này. Trong phong trào quyên góp, ủng hộ Quỹ xóa đói, giảm nghèo, Quỹ đền ơn, đáp nghĩa, Quỹ trẻ em chất độc màu da cam của đảo đã tạo được 12.700.000 đồng. Bên cạnh đó, Quỹ giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp nạn của đảo cũng đã quyên góp được 87.750.000 đồng.

Thời gian làm “công dân của đảo” nhanh chóng qua đi. Chia tay với người dân trên huyện đảo, ngoái trông lại, hình ảnh cuối cùng của tôi là một đảo biển xanh um bóng cây, vươn lên cao nhất và choán tầm mắt nhất ấy là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được khánh thành. Tiếng chuông chùa trên đảo buông vào không gian những tiếng dài, tạo sự thanh bình và rất đỗi êm đềm. Tôi tin lắm vào Trường Sa bằng những gì đã thấy và những điều đang hứa hẹn trong thời gian tới.
Đơn Thương
Theo Đại đoàn kết

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo