Biển Đông

Đức sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị ASEM 10

Cập nhật lúc 15-10-2014 16:25:05 (GMT+1)
Hai nhà Lãnh đạo Việt Nam-Đức họp báo sau Hội đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Sau Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkkel đã họp báo thông báo với báo giới về kết quả hội đàm và trả lời nhiều câu hỏi của báo giới trong đó có vấn đề Biển Đông.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Angela Merkkel khẳng định cuộc hội đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, theo đó hai bên đã thảo luận, thống nhất nhiều phương hướng hợp tác và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức phát triển hiệu quả và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đề nghị Đức trên tinh thần Đối tác chiến lược và là nước có vai trò quan trọng trong EU, ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với EU.

Thủ tướng Đức khẳng định Chính phủ Đức ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và thúc đẩy EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào thời điểm ký Hiệp định. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU là hiệp định quan trọng, mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho hai bên.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như ASEAN - EU, ASEM và Liên Hợp Quốc.

Hai Thủ tướng đã dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hai nhà Lãnh đạo cho rằng việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phải bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Trả lời câu hỏi Việt Nam có kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chúng tôi có lẽ cũng như tất cả các quốc gia, các nước trên thế giới sẽ bằng mọi biện pháp để bảo vệ độc lập chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, tiến bộ mà cả thế giới, cả nhân loại đều ủng hộ”.

Thủ tướng Đức Angela Markel cũng nêu rõ quan điểm Đức ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và coi đây là phương thức hiệu quả để giải quyết các khác biệt. 

Thủ tướng Đức Angela Markel khẳng định: “Đức rất quan tâm có một con đường hàng hải tự do và an toàn. Chính vì vậy chúng tôi thường xuyên nói về vấn đề này trong phạm vi song phương và tại khu vực Liên minh châu Âu, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các bên giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình và các quốc gia thực thi đúng các cam kết quốc tế của mình. 

Không chỉ có Đức mà nhiều nước trong Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ trao đổi vấn đề này tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 10 để tạo được con đường hàng hải tự do, an ninh, an toàn...”.

Nguồn: Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc/ baodientu.chinhphu

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo