Biển Đông

Chuyên gia Nga vạch mưu đồ Trung Quốc ở Biển Đông

Cập nhật lúc 12-05-2018 15:47:51 (GMT+1)
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh: CSIS

 

Trung Quốc dùng chính sách "cây gậy và củ cà rốt", dùng quyền lực mềm trên Biển Đông.


Ngày 11/5, Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn với chủ đề "Xung đột trên Biển Đông trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Các nhà khoa học đầu ngành của các viện và trung tâm nghiên cứu về khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), luật pháp quốc tế... tham gia hội thảo đều khẳng định rằng, xung đột trên Biển Đông đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định và an ninh toàn cầu, bởi bên cạnh các quốc gia có tuyên bố chủ quyền thì đây là nơi hội tụ lợi ích của các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc.

Điều khiến các đại biểu tham dự lo ngại đó là những hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây.

Ông Grigory Lokshin - Chuyên viên cao cấp Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cho rằng đã có những tiến bộ nhất định khi Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy thiện chí và tiếp xúc với ASEAN ở cấp đa phương, điều Bắc Kinh luôn né tránh trước đây, để xây dựng niềm tin và thúc đẩy các dự án chiến lược trong khu vực Biển Đông.

Ông cho rằng, Trung Quốc đang vận dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt", sử dụng "quyền lực mềm" qua đó thắt chặt các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. 

Trong khi đó, Giáo sư khoa quan hệ quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Nga MGIMO Ekaterinna Koldunov cho rằng yếu tố quan trọng nhất để giảm căng thẳng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng là xây dựng và ký kết thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo chuyên gia này, quá trình chuẩn bị COC đang bị đình trệ và gặp một số khó khăn, nhưng xét tới kết quả các cuộc họp của các quan chức cấp cao Trung Quốc và ASEAN được tổ chức tháng 5/2017 và cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ASEAN vào tháng 8/2017 đã cho thấy những tiến bộ nhất định.
 
Diễn biến phức tạp

Theo ông Pavel Gudev - chuyên gia Luật quốc tế của Viện nghiên cứu quốc gia về Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới Primakov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, quyết định của Tòa Trọng tài ở La Haye đã cho thấy rõ tính bất hợp pháp của các tuyên bố của Trung Quốc đối với 80% diện tích mặt nước của Biển Đông.

Đồng thời, tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực đều nhiều lần bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo, quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Song, Trung Quốc đang tận dụng tối đa lợi thế ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao và kinh tế để thuyết phục các nước không ủng hộ quyết định của Tòa Trọng tài ở La Haye.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua các diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây.

Tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện phi pháp ở đá Vành Khăn hôm 6/5. Ảnh: AMTI

Tờ Thanh Niên dẫn thông báo trên website của Cục Hải sự Hải Nam, Trung Quốc tiến hành 5 cuộc tập trận bắn đạn thật trong 4 ngày tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc tổ chức 2 cuộc tập trận bắn đạn thật trong ngày 9/5 và một cuộc tương tự trong mỗi ngày từ 10 - 12/5.

Cục Hải sự Hải Nam còn ngang nhiên cấm tàu bè vào những khu vực liên quan trong thời gian tập trận.

Tờ South China Morning Post hôm 11/5 cũng dẫn lời phát ngôn viên không quân Trung Quốc là Thân Tiến Khoa cho hay chiến đấu cơ tàng hình J-20 của nước này vừa thực hiện đợt huấn luyện trên biển đầu tiên sau 3 tháng được triển khai cho đơn vị tác chiến. Nhà phân tích Chu Thần Minh ở Bắc Kinh cho rằng cuộc diễn tập mới là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ triển khai J-20 xuống Biển Đông trong tương lai.

Những cuộc tập trận, huấn luyện trên diễn ra hơn một tuần sau khi kênh CNBC của Mỹ dẫn một số nguồn tin cho rằng, Trung Quốc đã âm thầm điều tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.

Ba thực thể này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành đảo nhân tạo phi pháp.

Ngoài ra, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm 9/5 cũng đăng bài phân tích cùng hình ảnh vệ tinh chụp hôm 28/4 cho thấy máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc xuất hiện trên đường băng thuộc đá Xu Bi.

Trong bài phân tích đăng trên báo Asia Times hôm 10/5, nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam cho rằng: "Biển Đông ngày càng bị Trung Quốc kiểm soát về mặt quân sự ở đầu cuối phía đông và phía tây của vùng biển này... Bắc Kinh đang cố biến Biển Đông từ một tuyến đường liên lạc trên biển mang tầm quốc tế thành tuyến bị Trung Quốc kiểm soát và nút thắt chiến lược chống lại những nước khác”.

Nguồn: Kim Hoa/ Baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo