Biển Đông

Biển Đông: Việt Nam cưỡng lại áp lực Trung Quốc

Cập nhật lúc 27-07-2019 10:21:10 (GMT+1)
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của Nhật ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh chụp ngày 29/04/2018. REUTERS/Maxim Shemetov

 

Giàn khoan Nhật Bản Hakuryu-5 tiếp tục hoạt động tại Nam Côn Sơn đến ngày 15/09/2019, thêm một tháng rưỡi so với dự kiến, theo thông báo của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam hôm qua 25/07/2019. Mọi tàu bè qua lại « ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam » được yêu cầu tránh xa, trong bối cảnh Trung Quốc đưa tàu hải cảnh vào quấy phá.


Theo South China Morning Post, Việt Nam vừa có thêm một cử chỉ không lùi bước trước áp lực Trung Quốc tại biển Đông. Từ bốn tuần nay, Bắc Kinh đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm nhập bãi Tư Chính-Vũng Mây, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tàu Hải Cảnh trang bị vũ khí nặng đến khiêu khích giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật tại lô 06.1, thuộc dự án Nam Côn Sơn của liên doanh Nga-Việt. Thay vì nhượng bộ như nhiều lần trong quá khứ, lần này Việt Nam tỏ ra cứng rắn hơn.

Biện pháp mới nhất là duy trì hoạt động của giàn khoan Nhật Bản thêm sáu tuần lễ, đồng thời kêu gọi Trung Quốc rút tàu hải cảnh vũ trang ra xa khu vực, theo thông cáo của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam.

Phản ứng của Việt Nam trong vụ lô 06.1 thuộc dự án Nam Côn Sơn được xem là thể hiện quyết tâm không lùi trước sức ép của Bắc Kinh. Trong khu vực bãi Tư Chính, tàu cảnh sát biển Việt Nam vẫn tiếp tục đối đầu với tàu hải cảnh vũ trang của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm qua, đã khẳng định chủ quyền quốc gia và yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi bãi Tư Chính.

Theo nhà phân tích chiến lược Collin Koh, đại học Singapore, từ sau vụ nhượng bộ Bắc Kinh, hủy bỏ dự án ở bãi Tư Chính với đối tác Tây Ban Nha năm 2018, Hà Nội cảm thấy không thể lui được nữa vì Trung Quốc được đằng chân lân đằng đầu gây thiệt hại cho các dự án dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.  Đó là lý do cần tỏ thái độ dứt khoát. Lý do thứ hai là, ngoài việc xoa dịu công luận Việt Nam vốn rất  căm ghét chế độ Bắc Kinh, giới lãnh đạo Hà Nội cũng cần thu hút sự quan tâm và trợ giúp của cộng đồng quốc tế, cho nên không thể im lặng mãi.

Nguồn: Tú Anh/ RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo