Biển Đông

Biển Đông: Philippines quyết đòi Trung Quốc trả lại công bằng

Cập nhật lúc 18-06-2019 08:50:22 (GMT+1)
Chính phủ Philippines chịu sức ép rất lớn từ sự giận dữ của dân chúng trước hành động của tàu TQ. Ảnh: THE NATION

 

Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá và bỏ mặc sinh mạng của 22 ngư dân Philippines đã gây ra sự bức xúc mạnh mẽ đối với quốc gia quần đảo này.


Tối 9-6, tàu cá Gemvir-1 của Philippines đã bị một tàu Trung Quốc (TQ) mang số hiệu Yuemaobinyu 42212 đâm chìm gần bãi Cỏ Rong xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam (VN). Thay vì cứu người trên tàu đang chìm, tàu Trung Quốc đã nổ máy chạy, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển. Các thuyền viên Philippines may mắn được tàu cá VN cứu kịp thời.

Rất đông người dân Philippines phẫn nộ. Tại thủ đô Manila, hàng trăm người dân đã đổ xuống đường biểu tình, mang theo những băng rôn, biểu ngữ bày tỏ phản đối hành động của TQ. Họ yêu cầu chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia và có thái độ cứng rắn hơn với chính quyền Bắc Kinh. Giới chức Philippines đã tỏ thái độ cứng rắn và tiến hành một loạt động thái quyết liệt nhằm “đòi lại công bằng”.

Đấu tranh trên mặt trận ngoại giao

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Philippines đã gửi một công hàm ngoại giao phản đối đến TQ. Bộ trưởng Quốc phòng và ngoại trưởng Philippines đã lần lượt dùng ngôn từ mạnh mẽ nhất để lên án hành vi hung hăng và không nhân đạo của tàu TQ đối với vận mệnh của hàng chục ngư dân Philippines đang lênh đênh giữa biển.

Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng tàu dân quân biển của TQ có khả năng đứng sau vụ đâm chìm hôm 9-6. Ông nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cần đứng lên chống lại thói hành xử của TQ trên vùng biển tranh chấp. “Người Philippines cần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới TQ rằng: Bất cứ vụ tấn công mới nào đối với các tàu Philippines sẽ đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với TQ” - tờ Inquirer dẫn lời ông Carpio.

Không dừng lại ở đó, hôm 17-6, Philippines đã chính thức đệ trình đơn lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu đặt ưu tiên bảo vệ sự sống của các ngư dân trên biển lên hàng đầu, hãng Bloomberg đưa tin. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin trong một bài đăng trên tài khoản Twitter cá nhân cho biết ông đã ủy quyền cho Đại sứ quán Philippines tại London (Anh) đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hàng hải Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (IMO). Ông cũng gửi tuyên bố của chính quyền Manila lên IMO, khẳng định thuyền viên của Philippines đã bị bỏ mặc “một cách vô nhân đạo” và sẽ thiệt mạng nếu không nhờ sự cứu hộ của tàu VN.

Yêu cầu xử phạt tàu Trung Quốc

Trong thông báo phát đi ngày 16-6, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo kêu gọi Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu chính phủ TQ tìm ra những người phải chịu trách nhiệm vụ đâm chìm tàu cá Philippines, buộc họ phải bị xét xử theo các hiệp ước quốc tế và luật pháp Philippines.

“Chúng tôi kịch liệt lên án hành động vô trách nhiệm của thủy thủ đoàn TQ liên quan tới vụ việc, đồng thời bày tỏ sự thất vọng sâu sắc nhất của chúng tôi với việc chính phủ TQ từ chối thừa nhận lỗi của những người làm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc thủy thủ đoàn trên tàu” - CNN dẫn lời bà Robredo nói.

Vị này nói thêm: “Chúng tôi hối thúc Bộ Ngoại giao yêu cầu chính phủ TQ tìm ra những người phải chịu trách nhiệm và công nhận quyền tài phán của Philippines để họ phải bị xét xử trước tòa án của chúng tôi. Công lý cho 22 ngư dân Philippines đòi hỏi các tòa án của chúng tôi phải tiếp nhận quyền tài phán”.

Cùng với tiếng nói mạnh mẽ từ chính phủ, một nhóm ngư dân Philippines hôm 16-6 đã yêu cầu chính phủ TQ bồi thường cho 22 ngư dân Philippines vì các thiệt hại trong vụ tàu bị đâm chìm vừa qua. Ngoại trừ chiếc tàu cá 14 tấn bị hư hại trị giá 2-3 triệu peso (khoảng 2,4-3,6 tỉ đồng) cùng các ngư cụ, có ít nhất ba tấn cá trị giá hơn nửa triệu peso cũng bị mất. Trong số này có nhiều loài cá có giá trị cao như cá mú và cá hồng, theo trang Asia News Network.

Củng cố sức mạnh quân sự

Philippines là một trong những đồng minh quân sự thân cận của Mỹ. “Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào tàu hoặc máy bay của Philippines, sẽ kích hoạt nghĩa vụ của Mỹ theo Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ (MDT) giữa Philippines và Mỹ” được ký vào năm 1951, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh One News.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rõ rằng vì biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào tàu Philippines, máy bay Philippines sẽ kích hoạt nghĩa vụ của Mỹ theo MDT.

Đáp lại lời Đại sứ Sung Kim, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo đã đưa ra tuyên bố rằng Manila sẽ viện dẫn đến MDT nếu cần thiết cho tình hình ở biển Đông.

Ngoài việc trông cậy vào đồng minh, Philippines tự nhận thấy họ cần tăng cường năng lực tầm soát ở biển Đông nhằm bảo vệ ngư dân trước các hành vi hung hăng của TQ. Tạp chí The National Interest dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết: “Sẽ rất tốt nếu Philippines có được một chiếc P-3 Orion”. Philippines đang dự tính sở hữu một hoặc hai siêu máy bay này.

Với phạm vi hoạt động gần 4.000 km, Lockheed Martin P-3 Orion ở một đẳng cấp khác. Siêu máy bay P-3 còn có thể được trang bị các cảm biến tinh vi cũng như tên lửa Harpoon, vũ khí chống ngầm và mìn. Sự xuất hiện của loại khí tài mới này chắc chắn sẽ nâng cao đáng kể năng lực tuần tra trên biển của hải quân Philippines.

Thuyền trưởng tàu cá Philippines từ chối gặp Tổng thống Duterte

Cuộc gặp mặt ở điện Malacañang giữa Tổng thống Philippines Duterte và thuyền trưởng của con tàu gặp nạn Junel Insigne nhằm yêu cầu tàu cá TQ chịu trách nhiệm về hành động đâm chìm tàu của họ đáng lẽ ra được tổ chức hôm 17-6. Tuy nhiên, thuyền trưởng đã không đến Manila hôm 16-6. Những người khác gồm: Đầu bếp của tàu FB Gem-Vir 1, ông Richard Blaza và chủ tàu Ma. Fe Dela Torre vẫn đi cùng giới chức Philippines đến Manila.

Theo ông Elizer Salilig, Giám đốc khu vực Mimaropa của Cục Thủy sản và Tài nguyên thủy sản Philippines, thuyền trưởng Junel Insigne đã bày tỏ sự sợ hãi rằng ông có thể bị bắt hoặc bị làm gì đó trước khi có cuộc gặp tại điện Malacañang.

Kim Nguyên
Nguồn: plo.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo