Biển Đông

Biển Đông: Liệu Việt Nam có thể dựa vào Nga?

Cập nhật lúc 10-08-2019 17:23:02 (GMT+1)
Một nhân viện Rosneft Vietnam trên giàn khoan Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh chụp ngày 29/4/2018. REUTERS/Maxim Shemetov

 

Một bài báo trên tạp chí Forbes hôm 7/8 cho rằng Việt Nam có một chiến lược “thông minh” để ngăn Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông, khi hợp tác với Nga khai thác dầu khí trong Biển Đông, bởi vì Nga là một cường quốc mà Bắc Kinh không thể làm phật lòng tại thời điểm này. Nhưng liệu Việt Nam có thể trông cậy vào Nga để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc?


Một nhà phân tích các vấn đề Việt Nam đồng ý rằng Hà Nội đã ‘đi đúng nước cờ’ khi chọn Nga, một cường quốc ‘nặng ký hơn’ làm đối tác khai thác dầu khí trong Biển Đông, nhưng ông cảnh giác Việt Nam phải hết sức thận trọng. Một nhà quan sát khác nói nếu đụng độ quân sự diễn ra ở bãi Tư Chính hay nơi nào khác trên Biển Đông thì không có gì bảo đảm là Nga, hoặc Mỹ, sẽ can thiệp để giúp Việt Nam và như vậy sẽ làm phật lòng Trung Quốc, nếu Việt Nam không có thái độ dứt khoát. Hoài Hương phỏng vấn Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy ở đại học Harvard, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, từng dạy học ở đại học Paris 7.

Theo bài báo trên tạp chí Forbes thì cho tới nay, Việt Nam đã tỏ ra can đảm khi cho triển khai các lực lượng của mình ra đối đầu với các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trước đó Hà Nội đã hối thúc để có được một thỏa thuận nhằm bất hợp hóa một số hoạt động của Trung Quốc trong Biển Đông kể cả xây đảo nhân tạo, phong tỏa sự đi lại của tàu bè các nước, triển khai vũ khí, phi đạn vv.., Việt Nam cũng vận động để đưa ra một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển.

Hà Nội còn thách thức Trung Quốc bằng cách dò tìm dẩu khí trên Biển Đông trong khu vực gọi là “đường 9 đoạn” – dân thường gọi là đường lưỡi bò- mà Trung Quốc vẽ ra để giành chủ quyền các vùng biển có trữ lượng tài nguyên phong phú trong khu vực.

 

Cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình phản đối thái độ nhu nhược của nhà cầm quyền Việt Nam trước Trung Quốc. (Ảnh: Khánh An-VOA)

Bài báo viết rằng trong quá khứ, Việt Nam đã chọn những đối tác được cho là không mấy có trọng lượng, như Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC), và tập đoàn khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha. Cả hai tập đoàn này cuối cùng đã phải bỏ dự án khai thác dầu khí liên doanh với Việt Nam vì áp lực từ Bắc Kinh.

Tạp chí Forbes dẫn một tài liệu của nhà nghiên cứu Bennett Murray đăng trên tạp chí Foreign Policy, nhận định:

“Lần này, một đối tác đáng gờm hơn đã vào cuộc: đó là tập đoàn Rosneft mà cổ đông chính là chính phủ Nga.”

Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard, nói ông đồng ý với nhà nghiên cứu rằng Việt Nam nên chọn những đối tác nặng ký hơn, có khả năng bảo vệ các quyền lợi của mình.

“Tôi thấy câu nói của ông (Murray) trong tạp chí Foreign Policy là đúng bởi vì Nga là một cường quốc đang có quyền lợi tại bãi Tư Chính, thì chính phủ Nga đời nào lại rút lui? Thế nào Nga cũng phải bảo vệ quyền lợi dầu khí của họ ở Tư Chính, thế nào cũng nói những câu có lợi cho Việt Nam. Sau khi tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha phải rút lui vào năm 2017, 2018, tôi đã khuyên Việt Nam tại sao không giao du với những cường quốc có lực lượng hải quân bảo vệ được các giàn khoan của họ? Tây Ban Nha làm sao bảo vệ được? Thì phải chơi với những cường quốc ‘ngáo ộp’, tôi đã dùng chữ đó!”

Giáo sư Tạ Văn Tài nói tuy vậy Việt Nam phải cẩn thận bởi vì Nga cũng bang giao hữu nghị với Trung Quốc, và trong các điều kiện không bán được dầu sang các nước Tây Âu vì các nước này trừng phạt Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina nên phải bán dầu cho Trung Quốc, nước có nhu cần năng lượng cao.

Giáo sư Tạ Văn Tài:

“Muốn bán dầu cho Tàu cho nên Nga có thể có thái độ ôn hòa hơn tại vùng Tư Chính và ở Biển Đông. Phản đối ông Tàu đi quanh trên Biển Đông ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Nga sẽ không nói gì mấy đâu. Gần đây Nga cũng chẳng tuyên bố gì. Chỉ khi nào Tàu bắt đầu đục, khoen một điểm nào đó trong thềm lục địa Việt Nam gần bãi Tư Chính thì Việt Nam nên phản đối quyết liệt, lúc đó Nga vì quyền lợi, mới có thể nói mạnh hơn”.

Theo Giáo sư Tạ Văn Tài thì Nga có thể tuyên bố Trung Quốc có quyền qua lại trên Biển Đông, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bởi vì đó là quyền tự do hàng hải được công nhận cho tất cả các nước, nhưng Nga sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nếu Trung Quốc bắt đầu ‘đục khoét xuống thềm lục địa Việt Nam’, nơi mà Việt Nam và Nga đang hợp tác khai thác dầu khí.

Giáo sư Tạ Văn Tài nói Việt Nam không nên bỏ qua giải pháp kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế bởi vì theo lời ông, các cường quốc sẽ không muốn xen vào chuyện của nước khác, nếu chính nước đó không lên tiếng, hoặc không có hành động nào để tự cứu lấy mình.

Ông nói: “Khi Việt Nam lên tiếng phản đối, cầu cứu các cường quốc, và nếu an ninh quốc tế bị đe dọa, thì cầu cứu Hội đồng Bảo an, thì các cường quốc mới lên tiếng mạnh mẽ được.”

Tuy nhiên nếu chọn giải pháp kiện Trung Quốc, Việt Nam “phải kiện sao cho đúng cách”, Giáo sư Tạ Văn Tài:

“Phải kiện dúng lúc khi họ bắt đầu ngăn cản hoạt động khai thác của liên doanh của Việt Nam với Nga tại khu Tư Chính hay là khi họ bắt đầu khoan trong thềm lục địa Việt Nam thì phải nộp đơn kiện liền. Phải chuẩn bị hồ sơ ngay bây giờ.”

Bài báo trên tạp chí Forbes nói sự hiện diện của Nga tại Biển Đông có thể giúp Việt Nam xoay chuyển tình thế, dựa trên lập luận là Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu đối đầu với hải quân Nga, trong khi nước này sẵn sàng bảo vệ các quyền lợi của Moscow trong khu vực. Và như vậy, Trung Quốc buộc lòng phải kiềm hãm bớt các cao vọng trên Biển Đông để có thể duy trì hòa bình khu vực.

Từ Paris, Tiến sĩ Nguyễn văn Huy, từng giảng dạy tại Đại học Paris 7, nhận định về các lợi ích của Nga ở Châu Á:

“Đây là một khu vực chiến lược mà Nga không thể vắng mặt. Việt Nam chỉ là một lý cớ để sự hiện diện của Nga nó cụ thể hơn qua hình thức là liên doanh, giúp Việt Nam khai thác dầu hỏa ở khu vực Bãi Tư Chính hoặc quanh các lô dầu khí thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Theo Tiến sĩ Huy thì Trung Quốc sẽ tránh, không đụng độ với Nga, nhưng ngược lại, nếu xảy ra đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Nga, theo ông, sẽ chỉ đóng vai trò trung gian:

“Nếu xảy ra đụng độ quân sự thật sự thì Nga sẽ không giúp gì Việt Nam đâu. Nga chỉ khuyên can và làm sao hai bên bớt căng thẳng. Thành ra bây giờ tranh chấp ở bãi Tư Chính chỉ là vấn đề của người Việt Nam, nếu người Việt Nam quyết tâm thì Trung Quốc sẽ dừng lại.”

Giáo sư Nguyễn Văn Huy nói muốn các cường quốc can thiệp, dù là Nga hay Mỹ, Việt Nam phải có lập trường rõ ràng hơn đối với Trung Quốc.

“Nếu Việt Nam cứ đi dây, hàng hai hàng ba, thì người ta không biết thái độ của Việt Nam thế nào, nhất là Nga với Mỹ hiện nay cần một thái độ dứt khoát. Tôi nghĩ cái thế cò cưa trong vụ tranh chấp ở bãi Tư Chính sẽ còn kéo dài. Sự can thiệp của Nga hoặc Mỹ vào Biển Đông để giúp Việt Nam chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Không một nước nào có thể giúp Việt Nam, nếu Việt Nam không có một thái độ rõ ràng.”

Nguồn: Hoài Hương/ VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo