Biển Đông

Biển Đông : Việt Nam xác nhận tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi Tư Chính

Cập nhật lúc 08-08-2019 13:37:29 (GMT+1)
Bãi Tư Chính. @amti.csis.org

 

Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay, 08/08/2019, xác nhận chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8, xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính suốt một tháng qua, đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ chiều hôm qua.


Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo hôm nay cho biết : « Chiều thứ Tư 7/8, chiếc Hải Dương Địa Chất 8 đã ngưng các hoạt động khảo sát, rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam ». Bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm là các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi vị trí các tàu Trung Quốc trong khu vực.

Thông tin về việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 rút đi đã được Reuters đưa từ tối qua, nhưng đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hiện vẫn chưa trả lời hãng tin Anh về vấn đề này.

Hôm qua ông Devin Thorne, chuyên gia của Center for Advanced Defense Studies (C4ADS), dẫn các dữ liệu của công ty phân tích hàng hải Windward nói với Reuters : « Các dữ liệu theo dõi tàu bè cho thấy chiếc tàu khảo sát của Trung Quốc hiện nay đã ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng vẫn còn ít nhất hai tàu hải cảnh hộ vệ ở lại trong khu vực ».

Chuyên gia này cho biết thêm : « Các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã đuổi theo chiếc Hải Dương Địa Chất 8 khi tàu này quay lại Đá Chữ Thập, và dường như nay đã ở một vị trí ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ».

Ông Devin Thorne nói rằng không rõ chiếc Hải Dương Địa Chất 8 có sẽ quay lại vùng EEZ của Việt Nam hay không. Chiếc tàu này của Cục Địa chất Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thăm dò địa chấn tại các lô dầu ngoài khơi của Việt Nam – theo dữ liệu của Windward.

Tài khoản Twitter của một tổ chức phi chính phủ chuyên đưa tin tức về Biển Đông cho biết sáng nay, một trong hai tàu hộ vệ Trung Quốc còn lại là Haijing 37111 đã cùng với chiếc Hải Dương Địa Chất 8 đi đến Đá Chữ Thập, chiếc còn lại đang trên đường tiếp cận chiếc Haijing 35111 gần lô 06.01.

Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, do Việt Nam và Philippines cùng đòi chủ quyền, nhưng đã bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 1988 và bồi đắp thành đảo nhân tạo từ năm 2014.

Từ đầu tháng Bảy, các tàu Việt Nam đã theo sát những tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập khu vực bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đối đầu mới trên biển khiến tâm lý chống Trung Quốc lại bùng lên tại Việt Nam, nơi mà những căng thẳng trước đây giữa Bắc Kinh và Hà Nội vể Biển Đông đã từng dẫn đến các vụ biểu tình. Hôm thứ Ba 6/8, công an Việt Nam đã giải tán một cuộc biểu tình ngắn ngủi trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, phản đối việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hộ tống xâm nhập vùng biển Việt Nam.

Tuần trước, Hội Nghề cá Việt Nam đã đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để xua đi các tàu Trung Quốc đã gây khó khăn cho hoạt động đánh cá của Việt Nam

Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm qua 07/08/2019 đã trao công hàm phản đối việc Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa. Cục Hải sự Trung Quốc trước đó phát thông báo yêu cầu tàu thuyền tránh xa khu vực diễn ra hai cuộc tập trận trong hai ngày 6 và 7/8, tại quần đảo mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực cưỡng chiếm từ quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.

Nguồn: Thụy My/ RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo