Tại sao phương Tây bỗng dưng lại sợ người nhập cư
![]() |
Lời người dịch: Suy nghĩ của một vài người dân bản xứ không phải là chính kiến của tất cả dân Séc. Nhưng khi bài viết đã được đăng lên báo, mà tờ báo đó có rất nhiều độc giả mến mộ, thì ý kiến của một người sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến số đông. Hơn nữa suy nghĩ và cảm nhận của tác giả thực sự đúng hay đang „hot“ trong thời gian này. Tôi dịch bài này và chỉ có mong muốn là để người Việt trong cộng đồng chúng ta, đặc biệt là những người đang „bơi“ với hội chứng „ Potraviny“ nên đọc và suy ngẫm…
Tôi sống trong một khu phố rất sinh động, đầy màu sắc. Muốn mua bánh mỳ sừng bò thì đến cửa hàng bánh của người Ukrajina, mua cà phê ở chỗ người Ả rập, cần ăn bánh pizza thì đến với người Croatia. Bên kia đường có một cửa hàng bán suốt ngày đến tận chiều tối, rất độc đáo, là của người Việt nam, không thể khác được . Bà chủ cửa hàng là một phụ nữ rất đáng mến, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười. Bà có tầm bao quát rất hoàn hảo vì có lần đã nhắc tôi là không phải mua trứng nữa, vợ tôi đã mua rồi.
Đã bao năm, chúng tôi sống cùng nhau như thế trong mối quan hệ hàng xóm thật hài hòa, đa sắc tộc. Cho đến tận ngày bị … "xâm chiếm “.
Chỉ trong hai năm nay, đã có năm cửa hàng buôn bán các loại của dân Séc trên phố nhà tôi biến mất. Thay vào đó là những người châu Á. Nhưng có cái gì đó thật không ổn. Họ không phải là những nhà kinh doanh Á đông luôn luôn nhiệt tình, chăm chỉ điều hành cửa hàng của gia đinh tới mức đáng khâm phục. Họ là những người đàn ông ngạo mạn, khinh khỉnh, chẳng mấy khi đáp lại lời chào của khách hàng, bởi vậy, họ thiếu cả những nụ cười thân thiện. Khách hàng chỉ lơ đãng một chút, ngay lập tức sẽ bị họ tính giá hàng cao lên. Chẳng phải do vô tình một lần mà thường xuyên là như thế.
Họ treo lên phía trên cửa hàng những bảng hiệu to tướng, xa xỉ và xấu xí. Vỉa hè đằng trước lăn lóc những giá đựng hàng tận dụng bằng những hộp các tông và những két nhựa đựng chai xếp chồng cao lên như cái ống khói. Xe chở hàng thường đậu sát vỉa hè thì cũ kỹ gỉ hoen, vỏ xe vỡ vụn, được họ sử dụng như cái kho di động.
Đặc điểm chính là họ không biết nói tiếng Séc, dù chỉ là chút đỉnh. Cả tiếng Anh, tiếng Đức hay tiếng Nga cũng thế. Họ nói bằng thứ tiếng gì đó , đại khái là : „ những cái chai này anh phải lấy lại, không rằng không…“. Chịu thôi, tôi không hiểu được hết cái câu mà họ nói.
Thật lạ kỳ. Theo luật, đã bán trong cửa hàng thì phải là người biết tiếng Séc. Nhưng không phải vậy. Rõ ràng là chẳng có ai để tâm đến chuyện đó. Cả chuyện bày hàng có ngăn nắp hay không và ở bên trong cửa hàng cũng thế. Chẳng hề có ai quan tâm.
Ở đó chẳng có gì là đặc biệt. Các cửa hàng như thế nảy phát triển trong các thành phố ở Séc nhanh như nấm Tàu mọc lên sau trận mưa rào nhiệt đới. Người châu Á chuyển từ các chợ vào phố trung tâm. Chỉ có điều là họ mang theo cả phong cách chợ búa. Họ không biết những „phép tắc thông thường“ nơi phố phường. Bên Đức cũng có người nhập cư, họ cũng không thông thạo tiếng nói bản xứ và luôn chỉ sống theo những nguyên tắc riêng rất kỳ lạ, và họ đông hơn nhiều so với ở nước ta. Đã từ lâu vấn đề đó vẫn bị né tránh tuyệt đối, không ai nói đến. Giờ thì nước đã vỡ bờ. Thế rồi lại sinh ra quá khích. Đã vang lên những lời lẽ xúc phạm. Một thành viên trong ban lãnh đạo Ngân hàng quốc gia, người nổi tiếng bởi tính hay có quan điểm khiêu khích, ông Thilo Sarrazin đã viết rằng : Người dân theo đạo Hồi ngu đần và cực kỳ mắn đẻ. Lập tức ông ta bị cách chức. Nhưng sách của ông ta thì được người Đức mua nhanh như ăn cướp. Cách đây vài tuần, cả bà Thủ tướng Merkela chẳng biết vì sao,tự nhiên tuyên bố rằng : Sự cố gắng phấn đấu để đạt được một xã hội đa văn hóa đã thất bại thảm hại.
Không chỉ với người dân đạo Hồi, nhiều người Séc cũng có nỗi sợ hãi bẩm sinh đối với xã hội đa văn hoá. Samuel Huntington, một người thông minh và có học thức hơn hẳn nhà tài chính người Đức đó, đến tận lúc chết cũng vẫn còn sợ. Nhà chính trị học nổi tiếng này đã nói : Hợp chủng quốc Hoa kỳ đang bị người Mexico lười nhác lấn chiếm và họ đang đe dọa sẽ hủy diệt cả văn hóa đạo Tin lành của người gốc Anh-Đức.
Ở Séc, mới chỉ bắt đầu làn sóng nhập cư. Để chúng ta không bị điên loạn thần kinh và có những kết luận đầy sự giận hờn về các dân tộc khác thì ngay lập tức phải bàn đến những vấn đề đó. Cần phải tạo ra những luật mới- quá đủ, nếu người nhập cư biết chấp hành theo các quy định đang có hiệu lực. Các công sở phải giám sát vấn đề đó và phải hoàn thành thật tốt chức năng của mình.
Nếu phải mua nhiều thứ đồ, như một người yêu nước, tôi đến với cửa hàng tự động cuối cùng ở Séc, cái cửa hiệu còn sót lại trên phố nhà tôi. Không, đó chẳng phải là cái tinh hoa văn hóa buôn bán gì. Một bà đứng sau quầy thu tiền nhiều khi cũng đáng ghét như cái "khoản tiền thuê nhà“. Nhưng ít ra thì bà ta cũng nói với tôi bằng tiếng Séc.
(Tác giả : Bohumil Špaček - báo MF dnes.)
Người dịch : Nguyễn Doãn Trường IEC