Séc: Không nhất thiết phải phục vụ những khách hàng không đeo khẩu trang
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Đã không hiếm những trường hợp khi phải đương đầu với khách hàng ương ngạnh không chịu đeo khẩu trang nhưng đồng thời khăng khăng đòi được phục vụ. Thậm chí với hăm dọa nếu không được thỏa mãn sẽ báo các cơ quan chức năng nhà nước can thiệp vì cảm thấy bị phân biệt đối xử.
Thanh tra Thương nghiệp Séc (ČOI) cũng đã thông báo cho biết, là trong thời gian gần đây nhận được ngày càng nhiều những câu hỏi tương tự liên quan tới khả năng về tình huống gọi là phân biệt đối xử với người tiêu dùng, là những khách hàng không đeo khẩu trang không được cho phép vào cửa hàng hay nhân viên từ chối phục vụ.
Theo các chuyên viên luật, những cửa hàng hay nhân viên như vậy không vi phạm bất cứ qui định pháp lý nào của nhà nước. Và nếu như những tranh chấp pháp lý như vậy được đưa tới tận chốn công đường, thì lẽ phải luôn về phía người kinh doanh và nhân viên của họ.
Trong thông cáo báo chí, người phát ngôn cơ quan ČOI cho biết ngày càng nhận được nhiều hơn những câu hỏi về khả năng gọi là phân biệt đối xử này, đồng thời bác bỏ những thông tin đồn đại bịa đặt, rằng ČOI đã xử lý phạt một số cửa hàng không cho khách không đeo khẩu trang vào hay từ chối phục vụ. “Những thông tin, rằng ČOI xử lý phạt những hành động như vậy, là thông tin bịa đặt, có xu hướng lan truyền trên các mạng xã hội,” phát ngôn viên ČOI Jiří Fröhlich viết.
Hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch đã không còn quá cứng rắn. Khẩu trang chỉ còn là nghĩa vụ khi ở trong không gian khép kín, trên phương tiện giao thông công cộng hay các cơ sở dịch vụ y tế. Mặc dù vậy, cơ quan Thanh tra Thương nghiệp Séc công nhận có rất nhiều người từ chối đeo khẩu trang nhất là trong các cửa hàng và cho rằng mình bị phân biệt đối xử khi bị đuổi ra ngoài hay không được phục vụ.
“Trong những trường hợp cụ thể này không thể coi đó là hành vi phân biệt đối xử, bởi vì đó là chỉ thị, là biện pháp để sao cho dịch bệnh không lây truyền. Bất kể là đối tượng kinh doanh nào, nếu có hành động với mục đích để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe nhân viên của mình. Tôi tin tưởng chắc chắn, rằng nếu ai khiếu kiện những hành vi như vậy và nếu tòa án phân xử, thì không thể có cơ hội thắng kiện. Tôi sẽ không bao giờ kiện những chuyện như vậy, vì chỉ tốn thời gian và công sức thậm chí tiền bạc,” nữ luật sư danh tiếng Dagmar Raupachová nhấn mạnh.
Kết luận của luật sư Dagmar Raupachová cũng được cả cơ quan Thanh tra Thương nghiệp Séc hoàn toàn ủng hộ. ČOI khẳng định, những người bán hàng hành động như vậy chỉ vì họ theo đuổi mục tiêu chính đáng, nhằm bảo vệ những khách hàng khác và nhân viên của mình trước nguy cơ lây nhiễm covid-19. Hành động của những người bán hàng không phải là phi lý và tự họ nghĩ ra, mà tuân thủ theo chỉ thị của nhà nước. Việc đeo khẩu trang không xâm phạm nhân phẩm của khách hàng bằng bất kỳ hình thức nào. (zivotvcesku.cz)
Theo Hương Sen