Séc-Slovakia

Rừng hoang hiểm ác trên miền hảo vọng (1)

Cập nhật lúc 22-11-2010 18:01:29 (GMT+1)
Cảnh nhìn từ phòng lãnh sự Séc ở Hà Nội

 

Nguyệt san Právo&Byznys trong số tháng 11/2010 có bài  của tác giả Milan Vidlák, mà qua lời giới thiệu ngắn gọn đã có thể biết rõ nội dung nói tới điều gì: Ngày nay bạn nhìn ở đâu thấy những kẻ nô lệ? Trong các bộ phim về cuộc đấu tranh vì tự do của người da đen ở nước Mỹ, hay trong những cuốn phim tài liệu truyền hình từ những xứ sở hoang sơ? Nhầm rồi: ở ngay cạnh Plzeň, Brno, Olomouc... Đang nuôi sống những cảnh sát Séc biến chất, công chức và cả nhân viên ngoại giao.


 Trên đường từ Tây Séc về Praha qua Plzeň, cách đây chục năm tôi thường chạy gần cách đồng Bor. Ngày đó ở đấy chỉ có mỗi Carrefour và Panasonic. Sau đó những cách đồng biến mất dần và chẳng bao lâu những nhà máy mọc lên đến tận cánh rừng kế bên: bốn mươi nhăm xí nghiệp đã làm cảnh vật thay đổi hẳn. Cánh đồng Bor đã biến thành một trong những khu công nghiệp lớn nhất tại CH Séc, trở thành biểu tượng phát triển thần tốc của nền kinh tế và sự phồn vinh của đất nước.


 Năm kia tôi lại đi qua đây. Hình ảnh nhìn từ cửa kính xe khách cho thấy có điều gì đó không ổn: hàng chục người Việt Nam và Mông Cổ đi ra từ những ô nhà máy- nói thế nào nhỉ- trông lạ lắm. Không phải trực tiếp về thể hình. Mà là những bộ mặt cúi gằm và nguội tắt của họ buộc tôi trăn trở với câu hỏi về nội tâm. Chắc là chẳng thể nào kinh khủng lắm. Vì thế tôi thuyết phục cậu bạn, thử chui vào làm ở một trong những cái hộp ấy một tháng xem sao.

 Thực tế làm cả hai chúng tôi nghẹn thở. Chúng tôi lọt vào một thế giới nguyên thuỷ hoàn toàn mới, ở đó chỉ có mỗi một thứ luật lệ, luật rừng. Tham nhũng, bạo lực, tống tiền và bóc lột ở nơi ấy cũng bình thường như ánh sáng mặt trời. Ai muốn thuê nhân công ngoại quốc hay là chỉ giải quyết thị thực cho công nhân nước ngoài, đều có thể khẳng định điều ấy.

 Hiện nay, theo các con số thống kê chính thức, thì tại CH Séc có tổng cộng 128 636 người Ukraina, 60 931 người Việt Nam và khoảng năm nghìn người Mông Cổ sinh sống. Những người lao động trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ tại Séc, ngoại trừ những trường hợp cá biệt, còn thì đều phải chịu sự chỉ huy của mạng lưới mafia môi giới tay trong tay với cảnh sát ngoại kiều và công sở Séc. Hàng trăm người Uzbekistan, Moldavia và gần đây là cả Slovakia, Ba Lan, Rumania hay Bulgaria cũng có vấn đề tương tự. Bởi họ là công dân EU, nên thường không có đăng ký ở đâu và với chính quyền là không tồn tại, cho nên trong chừng mực nào đó mafia có thể tự do thao túng. Đây là những con số chính thức, nhưng vì cái hệ thống như đã nói, thì còn cần phải tính thêm lên rất nhiều.

 Cái thủ tục thuê nhân công ngoại quốc tại Séc là một thương vụ lớn với xác thịt của công nhân. Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 2004-2008 tại Séc đã mọc lên hơn hai nghìn trung tâm môi giới lao động, nhập khẩu nhân lực vào. Mục đích ban đầu của họ là đáp ứng những công việc thời vụ, nhưng theo thời gian đã trở thành những cỗ máy lách luật. Hình thành cái hệ thống cho tất cả tiếp tục kiếm lời: các nhà máy rũ bỏ được tất cả mọi trách nhiệm; trung tâm môi giới, lột được một nửa lương và không trả các nghĩa vụ đóng góp bảo hiểm; công chức và cảnh sát thì có tiền hối lộ; và cuối cùng thì cả những người ngoại quốc, đã nhận được việc làm đầy ao ước ở trời tây. Nhưng đúng là họ kiếm được ít ỏi nhất.

 Các trung tâm môi giới chỉ cho nhà máy thuê nhân công ngoại quốc. Tất cả cứ ngỡ như diễn ra trong khuôn khổ pháp luật về môi giới việc làm. Nhưng những thương vụ sớm diễn ra hoàn toàn khác, và hoàn toàn dưới sự dửng dưng- hay tồi tệ hơn là tòng sự tích cực- của các cơ quan công quyền Séc. Người công nhân có giấy phép lao động ràng buộc cho một vị trí cụ thể và với danh nghĩa nhân lực của công ty môi giới thì lẽ ra có cả quyền lợi của người lao động thông thường. Chẳng ai quan tâm là sẽ xảy ra chuyện gì khi họ bị mất chỗ làm- và thế là nó xảy ra thường xuyên. Công ty môi giới thông báo, là chỗ làm đã bị chiếm mất rồi. Hay để cho vào làm việc và cho sa thải trong thời gian thử thách mà không cần nêu lí do. Trong những trường hợp này, trung tâm môi giới có nghĩa vụ thông báo cho phòng lao động, cơ quan này lại thông tin cho cảnh sát ngoại kiều và cảnh sát làm thủ tục huỷ cư trú. Nếu như cho tới thời gian ấy người công nhân không kịp tìm được chỗ làm mới, sẽ trở thành kẻ cư trú bất hợp pháp.

Có lo lót mới suôn sẻ

Với những người không có cơ hội để đối thoại với công sở và thường là cũng chẳng biết nó nằm ở đâu, thì đấy là việc không tưởng. Nhất là khi mà họ bị chính trung tâm môi giới đẩy vào vòng phi pháp, ví dụ bằng cách chuyển chỗ ở, mà họ thì không biết đến nghĩa vụ thông báo thay đổi địa chỉ. Vậy thì thằng Mông Cổ kia, có lẽ bọn tao phải bẩm báo. Hay là...mày phải cầy nhiều hơn với mức lương ít đi. Nhưng việc gì mà chúng ta phải tố cáo nhỉ, khi chẳng có ai kiểm tra và ta kiếm bộn tiền. Thế là kiếm cho nó chỗ làm mới, hay chỉ cần chuyển sang dây chuyền kế bên- tất nhiên là với những điều kiện hoàn toàn khác, so với những cái ban đầu đầy cám dỗ khi quyết định đến Séc. Mười lăm giờ làm việc mỗi ngày, với đồng lương bằng một nửa và dưới nguy cơ trục xuất. Còn nếu như muốn hợp pháp hoá cư trú một chút hay chuyển đi chỗ khác, chẳng khó gì- dĩ nhiên là phải lót tay. Nhưng điều kinh hoàng nhất mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi không thể trở về- ai cũng nói như vậy- chúng tôi đã phải trả tiền thị thực tới ba nghìn mỹ kim (tại Việt Nam thì vô tư lên đến mười mấy nghìn) và chúng tôi nợ đầm đìa. Và chúng tôi có việc làm hay sẽ sớm tìm được, nên chúng tôi phải chịu đựng, cũng chưa đến nỗi nào.

 Vì sao mà họ phải trả tới mười hai nghìn để có thị thực? Bởi vì cũng do chính môi giới hay trung tâm xuất khẩu lao động của bọn họ, có tay trong là nhân viên đại sứ quán Séc, giải quyết. Chính tại Hà Nội, Kyjev hay UlanBato là nơi sợi dây xích nô lệ bắt đầu; không qua tay “môi giới“ đúng cửa, thì chẳng ai có thể nhận được thị thực. Thậm chí cả công nhân có tay nghề, mà doanh nhân Séc đã đích thân lựa chọn tại Việt Nam, thanh toán chi phí khoá học tiếng Séc, xây dựng nhà ở và tự đứng ra giải quyết thị thực cho họ cũng không được, như ông Zdeněk Pelc, người từng được nhận danh hiệu Nhà quản lí của năm 2000, đã làm hồi năm 2008. Nhiều khi thay vì thị thực lao động, họ nhận được thị thực kinh doanh hay thành viên công ty, bởi các loại thị thực này lách luật dễ hơn. Không nộp tiền thì đừng đi. Đơn giản có thế thôi.

(còn tiếp... )

David Nguyen  .

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo