Nơi Xa Xứ: Tại châu Âu không nên hối lộ?
![]() |
Bác sĩ tại bệnh viện Séc. Ảnh minh họa. |
Lạ thật cái thói quen của người Việt Nam mình, dù sống ở đâu trên thế giới này cũng không từ bỏ được nghề: Đút lót, nói văn hóa hơn là hối lộ. Phải gọi hẳn là nghề bởi hầu như công việc này ai cũng thuộc, chỉ khác ở chỗ hoán vị nó thế nào để phù hợp với thực tế, với con người mà mình cần tìm sự giúp đỡ, nhờ vả.
Vẫn biết các cụ xưa dạy rằng:” ăn quả nhớ người trồng cây” ấy là phải nhớ mang ơn những người đã giúp mình khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Những răn dạy đó thật uyên thâm để rồi biết bao thế hệ lớn thành người rồi mà vẫn chưa học nổi. Ngày nay, con cháu đã vận dụng lời căn dạy này một cách biến hóa hơn nghĩa là chưa được ăn quả gì đã nhớ ơn người trồng cây rồi. Xin được dẫn ra đây minh chứng đó.
Anh A có cô cháu sắp đến ngày sinh đẻ. Nghe mọi người thì thầm rằng muốn được ưu đãi tốt hãy đến gặp bác sĩ trưởng khoa để ngoài việc thuê phòng riêng còn được các y bác sỹ để mắt tới sau khi sinh cháu bé. Cũng đã nghe đến việc này, theo hướng dẫn của nhiều người anh cho vào phong bì một ít tiền rồi làm y như người đi trước dặn.
Cháu bé được sinh ra, vì lượng người đông quá không còn phòng riêng như đã hứa, cô cháu nằm chung phòng với 2 người dân bản xứ. Hàng ngày bác sỹ khám bệnh cho 2 người kia thế nào cũng khám cho cô cháu và đứa bé như thế. Rất ân cần, rất tận tình, chu đáo không mảy may phân biệt mầu da, sắc tộc. Những ngày vào thăm khi cần tìm hiểu thêm về tình trạng sức khỏe của hai mẹ con các bác sỹ trực đều vui lòng cung cấp và còn dặn thêm nhiều điều sau khi xuất viện.
Đến lúc này anh A mới ngộ ra rằng, mình đã có những suy nghĩ sai lệch về những con người đang phục vụ một nghề cao quí. Trong thực tế có những bác sỹ, đặc biệt ở những bệnh viện lớn đã bị thói quen của người Việt mình làm hỏng đi tư cách. Khi được bồi dưỡng ngoài luồng, thói quen thường xuyên được biếu ấy dần ngấm vào sở hữu của con người và khi không đạt được họ thường có thái độ khinh thường ngay.
Tâm lý của người Việt khi bị bệnh thường tìm mọi cách để gần gũi với các bác sỹ sẽ điều trị cho mình. Điều đó là cần thiết nhưng ở đất nước này chưa đến độ phải đi trước bằng cách đút lót tiền. Đành rằng người dân bản xứ cũng vậy, họ cũng có những túi quà dành cho bác sỹ sau khi đã điều trị, nhưng chỉ là những sản phẩm nhỏ mang tính tượng trưng chứ không phải bằng những phong bì để trở thành tiền lệ cho mỗi lần đến khám và chữa bệnh.
Những người có khả năng còn đỡ, người không có và không biết tới điều này số phận họ ra sao khi gặp phải ca trực đã quen với nền nếp ấy? bởi vậy những thói rất dễ làm mọi người quen này chúng ta cần tránh, chỉ nên dừng lại ở những lời cảm ơn kèm theo bó hoa của lòng ngưỡng mộ là đủ.
Châu Giang từ CH SécVietinfo.eu