Người nhập cư tăng khả năng cạnh tranh của Séc
![]() |
Eva Janská, ảnh: euractive.cz. |
Chiến lược cạnh tranh quốc tế của CH Séc được Bộ công thương công bố mới đây cho thấy, mục đích của Séc cho tới năm 2020 sẽ là nước có nền kinh tế cạnh tranh cùng chính sách di cư thông minh.
Nước nào có nền kinh tế vững mạnh, nơi đó sẽ trở thành tâm điểm thu hút nguồn lao động từ nước ngoài, đó là ý kiến của Eva Janská, trợ lý giáo sư của Khoa địa lý và phát triển xã hội, Đại học Sác Lơ. Bà nhận xét như vậy trong cuộc phỏng vấn với trang thông tin EurActiv. Theo Janská, làn sóng nhập cư sẽ mang lại lực lượng lao động đã qua đào tạo đủ mạnh từ nước ngoài vào Séc khi nguồn cung trong nước không đủ.
Chính sách cư trú của Séc trước đây và hiện nay ra sao, thưa bà?
Chính sách nhập cư cũng như di cư của Séc đã trải qua một loạt thay đổi kể từ đầu những năm 90, Séc từ một nền chính trị bị động hoàn toàn đã dần trở nên chủ động hơn. Ban đầu là việc tạo ra các bộ luật qui định người nào có thể di cư đến Séc và với điều kiện gì. Sau đó, Bộ lao động đã phát động kế hoạch tuyển chọn lao động theo hệ thống cung cấp thẻ xanh lá cây và thẻ xanh da trời. Sự xuất hiện của dự án này đã tạo ra hàng loạt công ty môi giới kinh doanh trong lĩnh vực này, họ có nhiệm vụ lấp đầy chỗ trống trên thị trường lao động và đã thành công. Nhưng hoạt động này đã bị cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2008 làm ngưng trệ.
Theo bà, xu hướng di cư đến Séc nào hiện nay có ý nghĩa quan trọng nhất?
Tôi nghĩ rằng từ những năm 90 đến nay ít nhiều cũng giống nhau. Đa số dân di cư tới đây là từ các nước Liên Xô cũ. Tại Séc nhiều nhất là người Ukraina, sau đó là Slovakia, đứng thứ ba là Việt Nam, sau đó là Nga, Ba Lan và các nước khác.
Tại sao lại là các nước trên?
Trước hết đó là lý do lịch sử, giữa những năm 1919 - 1938, một phần của Ukraina thuộc về Tiệp Khắc cũ và khoảng cách địa lý gần gũi cũng đóng vai trò không nhỏ. Điều đó cho thấy, tại sao người Ukraina chiếm tỷ lệ lớn nhất. Sự hiện diện đông đảo của người Slovakia cũng cùng lý do trên.
Còn người Việt Nam thì sao?
Người Việt Nam bắt đầu đến đây theo thoả thuận hợp tác song phương kể từ những năm 50, chính phủ Séc đã cung cấp một mặt là nơi ẩn náu trước và sau cuộc nội chiến tại Việt Nam, một mặt là các khoá đào tạo. Tuy nhiên, những người này chỉ ở đây một thời gian sau đó họ chuyển về Việt Nam. Trong những năm 90, khi tình hình tại Séc đã có nhiều thay đổi và họ nhờ vào mối quan hệ đã có từ trước tại đây cho nên sự trở lại của họ cũng dễ dàng hơn.

Làn sóng người Việt đầu tiên tại Tiệp Khắc, ảnh: cerme.cz.
Tại sao những người di cư nói chung lại đến Séc?
Sự nhập cư nói chung gắn liền với tình hình kinh tế mỗi quốc gia. Nước nào có nền kinh tế phát triển, thu nhập đầu người cao và nhiều cơ hội làm việc, nơi đó sẽ trở thành điểm thu hút nguồn nhân lực từ nước ngoài. Tất nhiên, chúng ta cũng gặp nhiều trường hợp khi một số công việc mà người lao động trong nước không muốn làm, hoặc các nhà sử dụng lao động muốn cùng một công việc nhưng trả lương thấp hơn. Hơn nữa, lực lượng lao động trong nước thường không đủ để lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động. Hiện tượng này liên quan tới vấn đề già hoá dân số, khi số người ở độ tuổi lao động không ngừng giảm. Lý do này cho thấy, người nhập cư vô cùng quan trọng.
Cuộc khủng hoảng tài chính có tác động gì đến nhu cầu của các chủ sử dụng lao động không?
Điều đó có sự ảnh hưởng rất lớn. Trước đây, trong năm 2005 - 2006, thời kỳ bùng nổ của những người nhập cư, nhu cầu về lao động từ Mông Cổ, Việt Nam, Ukraina, Bulgaria và Romania rất cao. Nhiều công ty môi giới đã được hình thành và chuyên đưa lao động từ những nước này sang Séc sau đỏ bỏ mặc họ.
Tất nhiên, ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng số lượng việc làm đã bị thu hẹp. Nhiều người kể cả người nhập cư vì thế đã bị mất việc. Sau đó, chính phủ muốn giải quyết tình hình bằng cách hỗ trợ các lao động nhập cư này một số tiền theo chương trình tự nguyện hồi hương được thành lập bởi các tổ chức của chính phủ và phi chính phủ, ví dụ như Tổ chức quốc tế về người di cư IOM.
Cuộc suy thoái kinh tế hiện nay được biểu lộ ra sao?
Hiện nay, cuộc khủng hoảng được biểu lộ ví dụ như những người ngoại quốc phải chờ đợi để được gia hạn thị thực rất lâu, kể cả xin định cư. Đi kèm với đó là sự tham nhũng, khi những người xin gia hạn phải trả một khoản tiền lớn cho bên môi giới. Nhiều trường hợp, những người này dù mất tiền nhưng vẫn không nhận được viza vì nhiều lý do.
Số người di cư đã giảm đi?
Vâng, số người nhập cư so với những năm trước đây đã thực sự giảm đi, bởi số người nhập cư đã giảm còn di cư đi lại tăng lên. Tuy nhiên, sự cân bằng dân số vẫn ở mức tích cực, mặc dù đã bị giảm tới 4 lần so với thời ky trước khủng hoảng.
Chúng ta có thể nhìn thấy sự khác biệt giữa các hình thức cư trú của mỗi dân tộc di cư sang đây?
Có chứ. Nếu như để ý kỹ người Ukraina, Slovakia hoặc những người di cư từ các nước phương Tây chẳng hạn như Đức, thị thực của họ chủ yếu là dài hạn. Mặc dù người Ukraina có giấy tờ định cư trong những năm gần đây đang có xu hướng tăng.
Vậy có dân tộc di cư nào mà phần lớn trong số họ có thị thực định cư không?
Đứng đầu về số người định cư có thể kể đến đó là người Việt Nam. Họ làm giấy phép kinh doanh và buôn bán ở đây.

Người Việt thường là các tiểu thương, ảnh: čt24.
Người nhập cư thường làm việc nhiều nhất ở lĩnh vực nào?
Những người đến từ các nước Liên Xô cũ, kể cả người từ Slovakia, Ba Lan thường làm trong các nghành như xây dựng, cơ khí, khách sạn, thực phẩm hoặc là nhân viện phụ trong bệnh viện. Còn người Việt Nam thì thường xin giấy phép kinh doanh và tự buôn tự bán. Nhưng cũng phải kể đến, rằng dưới vỏ bọc kinh doanh cá thể, họ thường thuê thêm người Việt Nam khác nữa. Giấy phép kinh doanh chỉ để giúp họ có được thị thực định cư dễ dàng hơn.
Nhưng quay trở lại với câu hỏi, người Việt trước đây thường bán hàng ở chợ trời, nhưng những năm gần đây họ đang có xu hướng chuyển vào các cửa hàng và người Việt Nam cũng làm việc rất tốt trong các nhà máy. Còn công dân đến từ các nước Tây Âu thường làm việc trong lĩnh vực cần có tay nghề cao như công nghệ, dạy ngoại ngữ hoặc giám đốc các công ty đa quốc gia.
Về người Việt Nam, thế hệ thứ hai của họ hiện đang học tập tại các trường trung học và đại học tại Séc. Chiến lược cạnh tranh quốc tế mới được công bố có nói, trong tương lai Séc cần phải đặt cược vào những người di cư có học thức cao. Liệu con đường đó có bắt đầu từ đây?
Theo tôi là có. Gần đây tôi có tham gia vào một dự án nghiên cứu về con cái của những người di cư đang đi học từ các trường tiểu học đến trung học. Những đứa trẻ này có kết quả học tập rất tốt và tiếng Séc của chúng cũng vậy. Phần trăm thi đậu vào đại học của chúng cũng tương đối cao. Người Việt có một phương pháp nuôi dạy con rất tốt thông qua các bà Tây. Những bà này ngày thường đi đón các em bé từ trường về nhà rồi chăm sóc, dạy dỗ và nói tiếng Séc với chúng.
Có đúng là người Việt thường có cố gắng và chịu khó học hành?
Vâng, đúng vậy. Họ rất cố gắng, các gia đình Việt Nam nhờ vào truyền thống Nho giáo mà các thành viên trong nhà rất gắn kết với nhau. Con cái họ rất nghe theo lời bố mẹ, khi họ bắt chúng phải học hành. Lúc nào chúng cũng có bài tập về nhà đầy đủ và được chuẩn bị kỹ càng. Mặt khác, các bậc phụ huynh này cũng muốn con cái họ sau này thành công, để chúng có cuộc sống tốt hơn họ.
Trẻ em Việt Nam thường học giỏi môn toán nhưng lại kém hơn về các môn văn hoá xã hội, nhưng không vì thế mà điểm của chúng ở dưới mức trung bình, thường là họ được trung bình hoặc trên trung bình trong các môn như vậy.

Học sinh Việt Nam học giỏi còn được khen thưởng, ảnh: Borovice.cz.
Từ những năm 90, số người di cư sang CH Séc tăng vọt, thậm chí rất cao so với láng giềng Ba Lan và Slovakia.
Đúng vậy, ở lĩnh vực này Ba Lan thực sự ngược lại với Séc. Người nhập cư chỉ chiếm 1% dân số, trong khi đó tại Séc và Slovenia là 4%, Slovakia và Hungary khoảng 2-2,5%. So sánh với các nước Trung Âu, Ba Lan là nước đứng cuối bảng về nhập cư.
Ngọc Minh - vietinfo.eu euractiv.cz