Séc-Slovakia

Một chuyến du lịch khó quên

Cập nhật lúc 24-10-2011 22:58:15 (GMT+1)

 

Sau chuyến du lịch Hy lạp hơn ba tuần, xem lại những thước phim đã ghi lại trong những ngày nghỉ vừa qua thấy vui vui và muốn ghi chép lại đây về chuyến đi khó quên này.


 

Phần 1: Không có Visa quá cảnh.

Từ hồi còn là sinh viên rồi khi đi làm ăn, đi đâu, ở đâu đều được người ta bảo Hy lạp là thiên đường nghỉ dưỡng của các vị thần. Hồi 1985 công tác tại Ý, anh bạn đồng nghiệp nói hè này cả nhà đi nghỉ ở Hy lạp mà ghen tỵ, cứ nghĩ bao giờ mình có cơ hội như vậy. Vì thế nên ước mong đến Hy lạp để du lịch, nghỉ ngơi, vẫn là ưu tiên hàng đầu. Người ta lại khuyên là nên đi Hy lạp trong dịp này vì kinh kế khó khăn nên khách sạn đại hạ giá để hút khách du lịch và vì đồng Korun của Séc đang có giá so với Euro. Chúng tôi đã chọn chuyến đi khuyến mãi 24 ngày ở khách sạn 3 sao Alkyon Beach Hotel với ăn sáng và tối, kiểu ăn Bufet, phòng ngủ có điều hòa nhiệt độ ở vùng Agios Georgios, cách bờ biển 30m, tây bắc đảo Corfu, nằm phía tây của Hy lạp, bên trái phía biển là đông nam của Ý và bên phải biển là phía tây nam của Anbani. Khi đặt Tour chưa biết rõ hành trình bằng xe buýt đến đó như thế nào, cũng chủ quan cứ nghĩ người ta sẽ báo cho biết sớm. Trước bốn ngày xuất phát được báo là tuyến đường đi của buýt là Áo, Hung, Serbia, Macedonia. Lúc này cũng hơi lo vì không rõ qua Serbia, Macedonia có khó khăn gì không, nhưng còn có hai ngày nữa là khởi hành nên cũng không lo được gì hơn nữa, vội ra hỏi nhân viên hãng du lịch thì họ cũng bảo yên tâm đi, đi Tour theo đoàn du lịch thì không có việc gì xảy ra đâu. Vả lại 3 năm trước đây chúng tôi cũng đã đi nghỉ ở Cộng hòa Croatia (cả ba nước Chorvatsko, Srbsko, Makedonie theo cách gọi của Séc là những nước mới tách ra từ liên bang Nam tư cũ), hồi đó có Visa nhưng trên đường đi theo Tour du lịch, đến biên giới chỉ cần hướng dẫn viên du lịch trình danh sách người đi nghỉ thôi, nên chẳng bị hỏi han gì cả.

Với hy vọng đó chúng tôi tự tin đi theo đoàn. Mặc dầu kinh tế Hy lạp đang khủng hoảng nặng nề, người dân tứ xứ vẫn đổ về đây để nghỉ hè và tắm biển, trong xe có tới 36 người từ các vùng khác nhau của cộng hòa Séc. Xe buýt loại sang chạy bon bon theo hành trình định sẵn. Trên đường có thể nhận thấy dễ dàng sự khác biệt giữa 2 nền kinh tế mới nổi của Séc, Hung với nền kinh tế tư bản của Áo, hình như Áo nó là ‘’tư bản giãy chết’’ từ lâu rồi như chúng mình đã được dạy hồi còn học ở trong trường ở quê nhà, nên thành phố của họ đẹp hơn, sạch hơn, làng mạc của họ trù phú hơn, cánh đồng của họ ngăn nắp hơn, xanh tươi hơn và quy hoạch hơn.

Sau một ngày đường xe đến biên giới Serbia. Xe chậm chậm dừng lại ở biên giới, Hải quan và Công an biên phòng lên kiểm tra hộ chiếu cùng với danh sách thành viên đi nghỉ ở Corfu. Mọi việc bình thường, hộ chiếu của hai chúng tôi được giữ lại đem xuống trạm để kiểm tra, điều này vẫn thường xảy ra mỗi khi qua biên giới vì chúng tôi có đầu đen, mũi tẹt, da vàng và có hộ chiếu mang quốc huy Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một số hành khách có vẻ hơi không bằng lòng khi xe phải dừng lại hơi lâu chỉ vì hai hộ chiếu. Cuối cùng hai hộ chiếu cũng được trả lại qua anh hướng dẫn viên du lịch. Và thế là mọi việc ổn thỏa, xe lại khởi hành. Nhưng, chúng tôi phải sống dở, chết dở với cái ’’nhưng’’ này đây, xe lại bị chặn lại và công an biên phòng lại lên xe kiểm tra. Lần này hai hộ chiếu lại cũng được đưa xuống trạm để kiểm tra thêm. So với lần trước lần này lâu hơn, anh hướng dẫn viên du lịch giải thích rất lâu với công an biên phòng, hai bên tranh luận tương đối gay gắt. Cuối cùng họ bảo chúng tôi không được đi qua Serbia, phải quay về xin Visa quá cảnh ở Sứ quán Serbia ở Budapest.

Chúng tôi bị sốc thật sự, cũng thử dùng đủ các thứ tiếng Đức, Anh giải thích, gọi điện về cho hãng du lịch gặp người phụ trách nhờ họ can thiệp nhưng cuối cùng phải đầu hàng, ngậm ngùi xách valy, hành lý xuống xe bởi anh công an biên phòng Serbia mẫn cán này. Cả đoàn du lịch ngỡ ngàng, họ tiếc chúng tôi mất chuyến du lịch đã trả tiền trước rồi. Họ trách hãng du lịch không báo trước đường đi sớm và cảnh báo chúng tôi phải có Visa quá cảnh qua Serbia và Macedonia. Chúng tôi cực kỳ rối trí, không thể tưởng tượng được nó lại bi đát như thế này, không biết phải làm gì bây giờ giữa đồng không mông quạnh, không nhà cửa ở biên giới này, không biết tiếng Serbia, không biết tiếng Hung, nói tiếng Anh, tiếng Đức thì họ không cần hiểu. Tay công an biên phòng chỉ chỉ tay quay về phía Hung với hai chữ Tắc xi. Không còn kịp để chia tay với các bạn Séc trong xe, chúng tôi tay xách nách mang, hành lý đi xe buýt cho 24 ngày nghỉ ở biển chứ có ít gì cho cam, ì à ì ạch kéo về phía bên kia đường với hy vọng tìm được một tắc xi để đi ra khỏi biên giới càng nhanh càng tốt, lúc này là 19 giờ rồi, trời tối rất nhanh.

Hàng loạt những câu hỏi tự đặt ra để rồi phải tự trả lời: Quay về Praha? hủy bỏ chuyến đi nghỉ 40 ngàn Korun ở khách sạn ba sao đã đặt sẵn rồi? Đi về Budapest bằng cách nào? Xin Visa ở Budapest mất bao nhiêu lâu? Có Visa rồi thì đi Corfu bằng đường nào, bằng phương tiện gì? Câu tự trả lời đầu tiên cũng là câu duy nhất lúc này: không có con đường nào khác là phải về Budapest. Chờ một lúc, vừa lau mồ hôi xong thì một chiếc xe con từ phía Serbia tới. Cử chỉ đầu tiên của anh tài là hai ngón tay cái và trỏ chà vào nhau, anh ta móc ra một tập tiền chắc là tiền bản xứ, chúng tôi phải tự hiểu câu hỏi: các anh có tiền không? và phải trả lời: có Euro. Chúng tôi nói đi Budapest, anh ta trả lời: không Budapest. Chủ yếu hai bên ra hiệu với nhau bằng tay vì anh ta không biết nhiều tiếng Anh.

Chúng tôi đề nghị cho đến ga tàu hỏa gần nhất để về Budapest, anh ta gật đầu nhưng lại đòi cầm hộ chiếu. Thôi, lúc này không phải là lúc bàn cãi nữa, cần đến Budapest càng sớm càng tốt nên chấp nhận tất cả các điều kiện của anh tài. Anh ta viết ra giấy 50 Euro, chúng tôi rút 50 Euro trả. Sau khoảng 15 phút anh ta dừng xe bảo xuống và trả hộ chiếu lại. Tôi hỏi nhà ga đâu? Anh tài chỉ phía trước, mặc dầu chẳng thấy ngôi nhà nào giống nhà ga cả. Lại tay xách túi du lịch, tay kéo vali tiến về phía trước, được khoảng 200 m gặp bốn ông bà già người Hung, hỏi nhà ga bằng đủ các thứ tiếng nhưng họ vẫn không hiểu. Khi dùng mồm diễn tả: xình xịch, xình xịch để chỉ tàu hỏa, thì họ mới chỉ rẽ phải. Phải đi tiếp 300m nữa mới đến được nhà ga. Đây chắc là nhà ga nhỏ gần biên giới Serbia, ít hành khách đi lại. Trong bụng cũng hơi thắc mắc tại sao anh tài lại không đưa đến tận nhà ga mà lại phải bắt đi bộ xa như vậy? Và cũng nghĩ thầm, nếu anh ta đòi 100 Euro chắc chắn là cũng phải đưa!!!. Nhưng dù sao đến được nhà ga là một thắng lợi lớn rồi.

Nhanh chóng đi tìm thông tin mình đang ở đâu? Bao giờ thì có tàu về Budapest? Đến quầy mua vé thì không mua được vì họ chỉ bán bằng tiền Hung Forint thôi. Thật là nan giải, thật là oái ăm. Bây giờ phải chuyển sang chiến thuật mới là chỉ hỏi những người trẻ thôi. Thật là may, các bạn trẻ Hung nói tiếng Anh rất tốt, vấn đề bất đồng ngôn ngữ xem như được giải quyết. Hỏi chỗ đổi tiền Euro thì họ chỉ vào trong phố cách đấy 1,5 Km, ở đây không có xe buýt. Hỏi thêm mấy người nữa xem họ có giúp đổi tiền Euro ra Forint được không nhưng đều nhận được câu trả lời: Đáng tiếc. Đến lúc này chỉ còn cách duy nhất là chạy vào phố đổi tiền thôi. Đang loay hoay chạy ra tìm đường vào phố thì gặp ngay một anh người Hung có mang túi xách máy tính đi vào ga. Đây là một vị cứu tinh chăng? Sau khi chào hỏi và trình bày hoàn cảnh oái ăm của mình rằng phải quay trở lại Budapest để xin Visa Serbia, mặc dù đã đặt khách sạn cho hơn ba tuần nghỉ ở Corfu, Hy lạp rồi. Đúng như dự đoán: anh ta thông cảm với hoàn cảnh éo le của chúng tôi và sẵn sàng giúp đổi tiền Euro ra Forint. Cùng lên quầy mua vé ở tầng trên anh sẵn sàng mua hai vé về Budapest rồi tính ra tiền Euro để trả lại anh. May quá là anh cũng đi cùng tàu nhưng chỉ hai ga sau là anh xuống nên mới biết đây là chuyến tàu nhanh cuối cùng về trung tâm Budapest mất hơn hai tiếng.

Cảm ơn, cảm ơn anh nhiều nhiều, xin anh địa chỉ Email mới biết anh tên là József, anh cũng có quen một người Việt có họ là Nguyễn như tôi. Lúc này ngồi trên tàu hỏa đã là hơn 8h30 tối rồi, chúng tôi quyết định đi đến sân bay Budapest để bay sang Hy lạp, vì nếu vào xin Visa quá cảnh qua Serbia và Mecedonia thì không biết bao giờ mới có được, mà hôm ấy đã là ngày thứ 5 rồi. Nếu có Visa được ngay sau hôm đó thì đi tàu hỏa từ Budapest đến Aten rồi cũng phải bay ra đảo Corfu.

Vậy nên chúng tôi gọi điện về cho con ở Praha nhờ lo vé máy bay. Trên tàu vừa viết SMS vừa gọi điện thoại đường dài. Gọi điện về Praha vừa nói được dăm ba câu lại mất sóng, gọi mấy lần thì điện thoại hết tiền, lại phải nhờ con nạp thêm vào máy để gọi tiếp. Trong hơn một giờ sau đấy thì mọi việc đã được quyết định và chốt lại: về Budapest tìm một khách sạn để ngủ qua đêm vì không có máy bay đi Corfu hôm nay mà phải chờ chuyến gần nhất là 21h tối hôm sau. Bây giờ  mới sực nghĩ tới anh bạn của con đang sống ở Budapest và thế là nhờ con cho số điện thoại để liên lạc. May quá cũng trong thời gian hai tiếng trên tàu nhanh đó chúng tôi đã liên hệ được với anh bạn của con, anh Sơn. Các cháu quen nhau từ thời cùng học chuyên toán hồi phổ thông ở Hà nội. Anh Sơn đã sẵn sàng ngay lập tức đi ô tô ra ga tàu gần sân bay nhất để đón, vì chẳng biết tên ga là gì cả nên phải nhờ một anh bạn trẻ trong khoang bên cạnh nói chuyện bằng tiếng Hung với anh Sơn và lúc nào đến thì chỉ cho xuống.

Chúng tôi cảm thấy thật áy náy vì bỗng dưng như trên trời rơi xuống, bắt anh Sơn trong đêm tối phải ra đón. Xuống tàu, đang loay hoay hỏi đường vào sân bay thì anh Sơn đến, nhờ anh chở về một khách sạn nào đấy để nghỉ, vì tối mai mới bay đi Hy lạp được. Anh Sơn cho ở một khách sạn gần nhà anh để ngày mai đưa ra sân bay cho tiện. Khi đến khách sạn thì ông thường trực đã đi ngủ rồi, phải bấm chuông mãi mới thấy ông ra mở cửa. Xem phòng và thỏa thuận giá cả rồi trả tiền nhận phòng, lúc này đã bã cả hơi tai rồi nên có được chỗ nghỉ sau gần 18 tiếng đi xe là một hạnh phúc lớn rồi.

Tự nhiên như trên trời rơi xuống chúng tôi có một ngày để thăm viếng thủ đô Budapest. Tối hôm sau bay đến Athen và chuyển sang sân bay nội địa bay tới Corfu. Mãi trưa hai ngày sau chúng tôi mới đến khách sạn bằng tắc xi từ sân bay. Chiều hôm đó ra tắm biển mới gặp lại các bạn cùng đi trên buýt hôm nọ. Họ rất ngạc nhiên và cảm phục quyết tâm đến nơi nghỉ của chúng tôi. Sau mấy hôm nghỉ ở đây, nói chuyện với mọi người chúng tôi mới biết cũng có mấy đôi người Việt và cả Mông cổ nữa cũng đã phải ngậm ngùi bỏ chuyến du lịch đã đặt sẵn ở đây, phải quay về Séc vì không có Visa quá cảnh của Serbia và Macedonia. Thế mà ở Praha chúng tôi hoàn toàn mù tịt về thông tin này.

>>  Một chuyến du lịch khó quên (2)

>> Một chuyến du lịch khó quên (3)

Nguyễn Văn Sung

Gửi đến Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo