Lao động Việt Nam bí mật đến các xí nghiệp Séc
![]() |
Ảnh: Internet |
Đã từ lâu chuyện tuyển mộ người lao động từ Việt Nam thường được nói đến kèm theo tệ hối lộ. Vì thế từ tháng Mười Một năm ngoái bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc đã hủy hệ thống đặt lịch hẹn Visapoint giành cho người nước ngoài. Mặc dù vậy từ đầu năm đã có khoảng một nghìn rưỡi công nhân từ Việt Nam- những người có trình độ chuyên môn tối thiểu và không hề biết tiếng Séc- đến được các xí nghiệp ở Séc.
Theo phóng sự của Đài phát thanh Séc, nhiều người trong số họ đã phải hối lộ những khoản tiền lớn, để có thể giành được chỗ làm việc chắc chắn trong thời gian hai năm với mức lương tối thiểu. Nhưng hầu như không thể xác minh được, là công ty nào ở Séc đã đưa thành công được người từ Việt Nam sang và phải làm cách nào. Bởi các cơ quan chức năng nhà nước Séc giữ rất kín mọi thông tin về người sử dụng lao động.
Hãng dệt may Triola cũng như nhiều công ty khác từ lâu đã rất cần bổ xung nhân lực. Với giám đốc Triola Petr Kala sẽ mãn nguyện với hai mươi thợ may. “Chúng tôi đã chọn được những thợ may giỏi có chứng chỉ, chúng tôi đã nhìn thấy tận mắt họ làm việc ở Việt Nam qua skype. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho họ chỗ ăn ở, bảo hiểm. Nhưng sau hai năm qua hệ thống Visapoint chúng tôi đưa sang thành công đúng con số không,” giám đốc Triola cho biết. Giám đốc Petr Kala không thể biết được nguyên nhân thất bại.
Cái gọi là thẻ lao động đồng thời là giấy phép cư trú do bộ Nội vụ cấp và quyết định như thế nào không ai có thể biết. Cơ quan này cũng từ chối công bố công ty nào đã tuyển được người. “Các vị hãy hỏi bên công đoàn hay Hiệp hội công nghiệp và vận tải,” nữ phát ngôn viên bộ Nội vụ Hana Malá tuyên bố.
Nhưng công đoàn hay Hiệp hội không phải là cơ quan nhà nước, nên không thể nắm được những thông tin như vậy về người nước ngoài. Bộ Lao động và các vấn đề xã hội, Ủy ban quản lý lao động thống kê về người lao động, nhưng phát ngôn viên Jan Sulek nói dứt khoát: “Nếu chúng tôi nắm được, chắc chắn sẽ thông báo cho các bạn. Nhưng chúng tôi không có những số liệu như vậy.”
Thông qua cộng đồng người Việt, phóng viên Ľubomír Smatana của kênh phát thanh ČRo Plus liên hệ được với hai công nhân Việt Nam đã nhận được giấy phép lao động từ Việt Nam. Họ không hề nói được tiếng Séc và cả hai làm việc tại xí nghiệp chế biến gia cầm Vodňanská.
“Nhóm của chúng tôi khoảng hai chục người và chúng tôi ký hợp đồng lao động trực tiếp với xí nghiệp. Công việc tạm ổn, còn về lương thì có lẽ là ở chỗ có mức thấp,” thanh niên trẻ tên Hoang cười nói, là ban đầu nhận mức lương 63 korun một giờ. Nay đã được tăng, lên 65 korun và có thể làm thêm giờ. Đến được Séc nhờ sự giúp đỡ của người mà mẹ mình quen, tên là Khoa. Nghe nói ông ta giúp cho nhiều người như vậy. “Chúng tôi tốn mất 15 nghìn USD,” Hoang nói không giấu diếm và bổ xung: “Tôi phải cố làm để trả nợ.”
Phóng viên Ľubomír Smatana cố tìm hiểu, xem trong xí nghiệp chế biến gia cầm Vodňanská thuộc tập đoàn kinh tế Agrofert mà thực tế là thuộc sở hữu của thủ tướng tỉ phú Andrej Babiš có bao nhiêu người Việt Nam làm việc và bằng cách nào công ty này đưa sang được. Nhưng trong công ty không ai muốn trả lời.
Agrofert đưa được bao nhiêu công nhân từ Việt Nam sang? Và bằng cách nào? Phát ngôn viên Agrofert Jan Paulů trả lời: “Một số vị trí làm việc do nhân công nước ngoài đảm nhiệm, qua các hình thức hoặc hợp tác với công ty môi giới lao động nào đó, hay thông qua chương trình đặc biệt của chính phủ giành cho người lao động từ bên ngoài EU. Tổng cộng thông qua chương trình của chính phủ công ty thuộc tập đoàn có sử dụng vài chục người nước ngoài. Chúng tôi cho rằng, một số thông tin các bạn yêu cầu gián tiếp nằm trong phạm vi luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì những lí do đó chúng tôi không thể và sẽ không công bố.”
“Khi sử dụng nhân công nước ngoài, tất cả các công ty trong tập đoàn Agrofert đều tuân thủ triệt để mọi qui định pháp lý hiện hành,” Jan Paulů nhấn mạnh.
Thấy rõ, rằng Agrofert là hãng duy nhất đưa thành công người từ Việt Nam sang. Các bộ liên quan từ chối cung cấp thông tin cụ thể. Còn giám đốc Triola Petr Kala có cách giải thích của mình về thất bại khi muốn tuyển thợ may từ Việt Nam: “Chúng tôi thực hiện theo qui trình hợp pháp, vì thế nên chúng tôi không đưa được ai sang!”
David Nguyen - ČRo Plus ©Vietinfo