'Giáo phái' D.I.C và tín đồ Việt
![]() |
Cộng đồng người Việt tại đông Âu và Việt Nam sôi động về bài viết đăng trên báo Thanh Niên liên quan đến buôn bán kim cương đa cấp. Ngoài bình luận còn có khá nhiều thư bài gửi đến. Chúng tôi đăng bài viết của bạn đọc với bút danh Nguyễn Văn Lành về cách kinh doanh này.
Chắc chắn rằng, chẳng ai mà không biết đến cái điều "ăn chơi thì phải tốn kém“. Cuối năm ngoái, nhà buôn kim cương Josef Lahota đã dạm hỏi showroom Scuderia Praha về đơn hàng đặc biệt Ferrari Tailor Made, mà theo nhà phân phối độc quyền của Ferrari tại Cộng hòa Séc, thì mỗi năm giỏi lắm chỉ tìm được một đại gia như vậy mà thôi.
Chương trình Tailor Made là đơn hàng thửa của nhãn hiệu Ferrari và thuộc dạng đặc biệt trong làng sản xuất xe hơi khắp thế giới. Nghĩa là khách hàng có khả năng thửa cho mình một con xế hộp hiệu Ferrari không thể đụng hàng ở bất kỳ nơi đâu dưới cái gầm trời này. Và Tailor Made chỉ giành riêng cho loại khách tiêu tiền không cần đếm, bởi một con xế hộp tầm tầm của dòng này cũng vào cỡ khoảng trăm nghìn „ờ- rô“. Đừng tưởng rằng đó chỉ là sân chơi riêng giành cho các ông vua dầu lửa nhé. „Tôi yêu tốc độ và sự độc đáo. Và quyến rũ tôi đôi chút cả bởi điều, rằng ai là người cưỡi con Ferrari thửa như vậy tại Séc,“ Josef Lahoda chia sẻ với trang điện tử FirstClass.cz và rằng đã hình dung rõ ràng con xế tương lai của mình thuộc dòng California.
Doanh nhân đạt thành tích làm ăn đứng vị trí thứ ba của Diamonds International Corporation trong năm 2011 này còn khoe có thể sẽ cho nạm kim cương lên một số vị trí trong xe.
Theo Josef Lahoda, thì ngay sau khi „dạm hỏi“ con Ferrari, sẽ bay sang Việt Nam. „Tại đó các sư sẽ tụng kinh cho showroom mới cao tám tầng của chúng tôi ở Sài Gòn. Việt Nam là thị trường còn đang cực kỳ khát và tôi sẽ lãnh một phần trọng trách cả về lợi nhuận của việc buôn bán kim cương. Tương lai rực rỡ đang chờ chúng tôi và tôi nghĩ, là sẽ sớm biết được thế nào là khủng hoảng thực sự- nghĩa là sẽ làm gì với tất cả số tiền ấy,“ Lahoda cười nói vui.

Ngòai ra cũng có thể phỏng đoán, rằng Josef Lahoda hình như là bạn của đại gia Thắng "Ngổ“ ở Cheb, vì cũng còn rất thích sài trực thăng.
Mỏ vàng Việt Nam hay tương lai nào cho D.I.C ở đó?
![]() |
![]() |
Và nhằm ngày 23.02.2012, nghi lễ long trọng của các cụ sư đã diễn ra tại Sài Gòn để cầu phước cho D.I.C "nhập trạch“ và làm ăn phát đạt tại Việt Nam. Theo lời kể của những người Séc tham gia buổi lễ, thì theo mệnh lệnh của sư chủ trì, tất cả ngồi khoanh chân phía sau nhóm các nhà sư.
"Và tất cả chúng tôi tò mò chờ xem điều gì sẽ xảy ra sau đó. Phía trước chúng tôi là chỗ được trang trí, nơi có pho tượng Phật và khi mà các sư bắt đầu bài hát cúng lễ, chúng tôi biết, là chúng tôi đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt,“ Václav Hadrava viết trên trang website chính thức của D.I.C.
„Chúng tôi có cảm giác, rằng bắt đầu từ lúc này chúng tôi mới ý thức được đúng cuộc sống và cách làm ăn ở Việt Nam và trong con mắt của họ, chúng tôi được nhìn nhận như là một công ty mang đến cái gì đó mới mẻ và chất lượng,“ Hadrava kể tiếp.
Được biết, các sư thầy tham gia buổi lễ này là Thượng tọa Thích Thanh Phong, ủy viên hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Sài Gòn và đã được đổi là Hồ Chí Minh. Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở thành phố. Tại buổi lễ có sự tham gia của ông chủ sở hữu công ty cổ phần D.I.C., Tiến sĩ Luboš Říha, ông Tổng giám đốc D.I.C-Việt Nam Vũ Trọng Tuấn, ông Giám đốc điều hành Jaromír Růžička, ông Giám đốc quản lí Kamil Baron cùng toàn bộ nhân viên và các „đồng chí“ Việt Nam khác của D.I.C. (Xin lưu ý, là D.I.C sử dụng „thuật ngữ“ "partneř“ để nói về các "tín đồ“ của mình, trong khuôn khổ các bài viết này, tôi tạm dịch là "đồng chí“ cho dễ hiểu).
Có thể nói, là các „cố vấn“ người Việt của D.I.C đã rất biết cách đi đúng đường, gõ đúng cửa tại Việt Nam khi muốn làm ăn ở đó. Và ngay sau khi „nhập trạch“ Việt Nam, ngày hôm sau D.I.C đã tham gia vào chương trình từ thiện Nghĩa Tình Trường Sơn. Là chương trình được ban biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng chính thức phát động từ ngày 22 tháng 7 năm 2009. Chương trình với mục đích đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng Trường Sơn, chăm lo cho các gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các hoạt động từ thiện nhân đạo khác.
Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng của Chủ tịch nước, sự ủng hộ của lãnh đạo Thành phố và sự tham gia đóng góp của nhiều nhà tài trợ, đặc biệt là đóng góp rất lớn của ngân hàng VietinBank. Buổi lễ phát động đợt hai của chương trình Nghĩa Tình Trường Sơn có sự hiện diện của Bí thư thành ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, bà Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng với sự góp vui của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lê Trọng Tấn và nữ ca sĩ My Dung cùng nhiều người khác.
Trong lần gặp gỡ "ra mắt“ này, D.I.C trong vị thế nhà tài trợ ngoại quốc duy nhất, đã đóng góp quà tặng với trị giá tương đương 250 triệu đồng tiền Việt Nam, là hai đồng hồ nạm kim cương. Ông chủ D.I.C Luboš Říha đã được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các quan lãnh đạo khác trao bằng khen.
Như vậy nghĩa là, cho tới thời điểm này, D.I.C đã đặt được những bước chân đầu tiên đầy ngoạn mục ở Việt Nam sau nhiều năm chuẩn bị kỹ càng. Chỉ có điều, không biết liệu khách hàng Việt Nam có khó tính như người Séc hay không, khi mà lời than phiền của người dân nơi D.I.C ra đời nhiều khôn kể, mà chỉ cần vào thanh tìm kiếm của ví dụ trang Seznam.cz gõ từ khóa D.I.C là đã thấy vô khối.
bạn đọc Nguyễn Văn Lành - Vietinfo.eu